Vai trò “người huy động, cho vay cuối cùng” của NHNN trong việc đảm bảo thanh khoản lại một lần nữa được thể hiện rõ suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua.
Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đã được NHNN sử dụng thường xuyên và dường như là công cụ chủ lực đóng góp đáng kể trong việc điều tiết tiền tệ, ổn định hệ thống ngân hàng trong mấy năm gần đây. Nhiều chuyên gia ghi nhận, việc “bơm, hút tiền” kịp thời của NHNN vừa đảm bảo tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tăng mạnh dự trữ ngoại tệ, vừa duy trì mức cung tiền phù hợp với yêu cầu ổn định vĩ mô. Vì thế kinh tế vĩ mô đã không có những “cú giật” bất thường; cả lãi suất, tỷ giá không bị điều chỉnh quá mức.
Vai trò “người huy động, cho vay cuối cùng” của NHNN trong việc đảm bảo thanh khoản lại một lần nữa được thể hiện rõ suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua.
Ảnh minh họa
Nhớ lại thời điểm sau Tết Nguyên đán, thanh khoản của hệ thống dư thừa khá lớn kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Nguyên nhân của sự dư thừa này một phần do dòng tiền quay trở lại hệ thống sau tết, một phần cũng bởi việc mua vào ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Nhằm trung hòa lượng tiền này để không ảnh hưởng tới lạm phát và tỷ giá, NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 3, lượng tín phiếu đang lưu hành lên tới 147 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên những ngày đầu tháng 4, thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh. Báo cáo thị trường tiền tệ trong tuần từ 30/3 đến 3/4 của SSI Research cho biết, lãi suất cho vay qua đêm tăng 114 điểm cơ bản và chốt tuần ở mức 3,32%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng 117 điểm cơ bản để chốt tuần ở mức 3,44%/năm. Chênh lệch lãi suất VND-USD vì thế đã được nới rộng lên 2,2-2,4%/năm, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối tháng 2.
Theo SSI Research, thanh khoản trên liên ngân hàng bớt dồi dào, đặc biệt trong những ngày cuối tuần do nhu cầu tiền đồng để đảm bảo dự trữ bắt buộc đầu tháng. Để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, NHNN đã tái khởi động lại công cụ cho vay cầm cố trên thị trường mở sau 3 tháng tạm ngừng và bơm 20.836 tỷ đồng vào hệ thống thông qua công cụ này.
Động thái hỗ trợ kịp thời của NHNN đã khiến thanh khoản của hệ thống TCTD ổn định trở lại. Bằng chứng là trong tuần từ 6/4 đến 10/4, mặc dù NHNN giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 19.000 tỷ đồng, song các TCTD chỉ hấp thụ có 4.656 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần. Chốt phiên cuối tuần (ngày 10/4), lãi suất cho vay qua đêm đã giảm còn 1,97%, giảm 158 điểm cơ bản so với chốt phiên tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng giảm còn 2,32%, giảm 123 điểm; kỳ hạn 1 tháng giảm còn 2,87%, giảm 78 điểm.
Điều đó cho thấy nhà điều hành thường xuyên theo dõi sát và can thiệp kịp thời để đảm bảo ổn định thanh khoản cho hệ thống. Theo các chuyên gia, việc điều tiết thanh khoản của hệ thống là vô cùng quan trọng trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Nếu để thanh khoản dư thừa quá lớn không chỉ ảnh hưởng bất lợi tới lạm phát mà còn cả tỷ giá, khi mà chênh lệch lãi suất VND-USD giảm quá thấp sẽ kích thích nhu cầu nắm giữ ngoại tệ. Trong khi nếu thanh khoản của hệ thống căng thẳng sẽ đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao, từ đó ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Trong khi đó, hiện Chính phủ và NHNN đang có chủ trương kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc đảm bảo thanh khoản của hệ thống dư thừa ở mức hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Bởi thanh khoản dư thừa hợp lý một mặt không ảnh hưởng tới lạm phát, mặt khác cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi hiện lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở đã được giảm về còn 3,5%/năm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương cuối tuần trước, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, ngành Ngân hàng và NHNN rất quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.
Anh Thư
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/on-dinh-thanh-khoan-de-ho-tro-giam-lai-suat-100485.html