Trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện năm 2021 của Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt tại Kế hoạch số 12/KH-NHNN, liên quan đến Hợp phần 4 về “Tăng cường ổn định tài chính và giám sát an toàn vĩ mô”, ngày 02/11/2021, tại Hà Nội, NHNN phối hợp với Văn phòng WB tại Hà Nội và SECO tổ chức Tọa đàm “Ổn định tài chính và thực trạng triển khai tại Việt Nam”. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, đại diện đến từ các cơ quan: Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đại diện các Vụ/Cục thuộc NHNN.
Ông Nguyễn Vĩnh Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN (hàng đầu, bên trái) đồng chủ trì Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Vĩnh Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN cho biết, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã giúp các nhà hoạch định chính sách nhận thức rõ về sự cần thiết xóa bỏ những khoảng trống về pháp lý và giám sát, những thiếu hụt về dữ liệu; hoàn thiện nhận thức chưa đầy đủ về mối liên kết tài chính vĩ mô, các công cụ chính sách xử lý rủi ro hệ thống... Cơ quan giám sát tài chính các nước đã đánh giá thấp những rủi ro mang tính hệ thống của khu vực tài chính cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa sự ổn định của khu vực tài chính với ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều nước mặc dù đã thực hiện tốt các chức năng giám sát tài chính truyền thống (giám sát vi mô) và duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, tuy nhiên khủng hoảng tài chính vẫn xảy ra. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong gần hai năm vừa qua, khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia lâm vào kiệt quệ, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều khó khăn, gián đoạn, lạm phát có xu hướng tăng cao khiến chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực hết sức nhằm tìm ra các giải pháp vượt qua đại dịch, khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống an toàn và ổn định cho người dân.
Thông qua Tọa đàm này, NHNN mong muốn tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để cùng nhau thực hiện tốt công tác ổn định tài chính, dự báo và xử lý tốt những rủi ro đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN cũng mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WB/SECO, các tổ chức quốc tế và nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ từ phía Ngân hàng Trung ương các nước để cùng nhau xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm, ông Ketut Ariadi Kusuma - Điều phối viên Khu vực Tài chính cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính đã nêu bật giới hạn của việc giám sát chủ yếu tập trung vào các tổ chức tài chính cụ thể mà không tính đến sự ổn định tài chính nói chung. Quan điểm an toàn vi mô ban đầu coi rủi ro hệ thống là tập hợp các rủi ro riêng lẻ. Khi cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ vào năm 2007, hoặc khủng hoảng khu vực đồng Euro bắt đầu vào năm 2010 xảy ra, một chính sách tập trung chủ yếu vào sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính đã bị bỏ sót. Để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kiểu này trong tương lai, hiện đã có sự đồng thuận ở cấp độ có liên quan và về phương pháp tiếp cận an toàn vĩ mô, cần được kết hợp với giám sát vi mô, không chỉ của các ngân hàng mà còn của các tổ chức tài chính khác như bảo hiểm, quỹ hưu trí, hoặc thị trường tài chính. Về trường hợp của Việt Nam, mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây, nhưng còn có sự chưa đồng nhất về định nghĩa, mục tiêu, công cụ và khuôn khổ thể chế của chính sách bảo mật vĩ mô. Do đó, trước tiên cần xác định và thực hiện một khuôn khổ nhất quán cho chính sách an toàn vĩ mô, cả ở mỗi cơ quan giám sát tài chính và ở cấp quốc gia thông qua việc thực hiện chiến lược gần đây của Việt Nam đối với lĩnh vực tài chính.
Trình bày tham luận kinh nghiệm quốc tế về phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát, ông Jean Froncois Bouchard - chuyên gia tư vấn của WB cho rằng, ổn định tài chính là điều kiện tiền đề của sự thịnh vượng, sự kết hợp các công việc cần thiết để thực thi chính sách an toàn vĩ mô hiệu quả là khả thi và chỉ khi một cơ quan duy nhất về an toàn vĩ mô được thành lập với một nhiệm vụ phù hợp. Nhiều cơ chế phối hợp thể chế về an toàn vĩ mô đã được áp dụng trên thế giới. Qua đó, ông kết luận rằng, không có một mô hình phù hợp cho tất cả các quốc gia, mỗi nước sẽ chọn cho mình một mô hình giám sát tài chính phù hợp với đặc thù của tình hình đất nước. Hiện tại, ở Việt Nam, có nhiều cơ quan tham gia vào việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô như: NHNN, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ông Bouchard gợi ý, với Việt Nam, một mô hình thể chế trong đó Chính phủ giữ vai trò tích cực có lẽ là phù hợp nhất. Đồng thời, cơ quan quản lý an toàn vĩ mô nên bao gồm Bộ Tài chính, NHNN, ISA và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bên cạnh đó, truyền thông là chìa khóa của chính sách an toàn vĩ mô.
Diễn giả thuộc Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN trong tham luận trình bày tại Tọa đàm cho rằng, chúng ta cần đánh giá hệ thống tài chính như một chỉnh thể thay vì là một bộ phận của nền kinh tế vĩ mô; cần phân tích đánh giá kỹ lưỡng rủi ro ở cấp độ hệ thống; với an toàn vi mô là chú trọng vào phân tích từng tổ chức tài chính, an toàn vĩ mô thì chú trọng vào phân tích hệ thống tài chính như là sự kết hợp của tổng thể các tổ chức tài chính và điều kiện của chúng. Vì thế, chú trọng vào sự lành mạnh của từng định chế tài chính không phải là điều kiện đủ để duy trì sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính. Do ổn định tài chính liên quan đến các rủi ro phát sinh từ các mối liên hệ trong hệ thống, vì vậy các mục tiêu của ổn định tài chính là giảm rủi ro hệ thống. Các quy định an toàn vi mô là chưa đủ để ổn định tài chính, cần bổ sung chính sách an toàn vĩ mô để quản lý rủi ro hệ thống.
Cũng tại Tọa đàm, các diễn giả còn đề cập tới công tác phân tích ổn định tài chính: quy trình, phương pháp, công cụ chính sách; các chỉ số đánh giá ổn định, lành mạnh thị trường tiền tệ - tài chính và việc lựa chọn các chỉ số này cho Việt Nam.
XM