Ảnh minh họa
Theo Harsh Modi, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng Việt về lý thuyết sẽ không cần phải tăng vốn để tài trợ cho tăng trưởng hiện tại. Thế nhưng các ngân hàng Việt vẫn thực hiện để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn cũng như đáp ứng các yêu cầu pháp lý. Hệ quả là, không cần bỏ nhiều tiền song các nhà đầu tư vẫn có thể chứng kiến tài sản của các ngân hàng Việt duy trì đà tăng trưởng trong một thời gian với giá cổ phiếu ở mức cao hợp lý. “Đó là điểm hấp dẫn của các ngân hàng Việt”, vị chuyên gia này kết luận.
Trong một lưu ý được công bố hồi tháng 11 mà Modi là đồng tác giả, các nhà phân tích của JP Morgan cũng kỳ vọng lợi nhuận trần vốn chủ sở hữu của các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt từ 15% đến 21% trong hai năm tới. Đặc biệt JP Morgan đánh giá cao Vietcombank, Techcombank và ACB.
Lời đánh giá trên của JP Morgan hoàn toàn chính xác khi mà hai năm qua các ngân hàng Việt Nam đã phải nỗ lực hết mình để có thể áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đúng thời hạn.
Chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, mặc dù Thông tư 41 chỉ yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, thế nhưng cách tính tài sản có rủi ro khắt khe hơn rất nhiều, bởi ngoài rủi ro tín dụng, ngân hàng phải tính cả tài sản có rủi ro về thị trường, tài sản có rủi ro hoạt động.
Những quy định về an toàn vốn khắt khe theo chuẩn Basel 2 đã buộc các ngân hàng Việt nỗ lực tăng vốn trong suốt hai năm qua, không chỉ tăng vốn cấp 1, các ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp hai. Hệ quả là tốc độ tăng vốn tự có của các ngân hàng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tổng tài sản. Quả vậy, theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,48% so với cuối năm 2018. Trong khi đó, vốn tự có của hệ thống tăng 94,7% trong thời gian này lên gần 882,5 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống đã được cải thiện lên 12,02%.
Không chỉ tăng vốn, các ngân hàng còn tích cực cơ cấu lại bảng cân đối tài sản theo hướng tinh gọn hơn, hiệu quả cao hơn, mức độ rủi ro thấp hơn. Chất lượng tài sản được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh đã góp phần cải thiện khả năng sinh lời của các ngân hàng. Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện tỷ lệ ROA, ROE của hệ thống ngân hàng Việt đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước, đạt mức bình quân của khu vực ASEAN.
Tất cả những điều đó chính là lý do khiến các hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu liên tục nâng xếp hạng của các ngân hàng Việt Nam. Đơn cử như hồi tháng 11/2018, Moodys đã nâng xếp hạng tín nhiệm cho nhiều ngân hàng Việt Nam với lý do các ngân hàng Việt Nam hàng này đã có tiến bộ trong việc tăng cường năng lực tín dụng, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết nợ xấu. Song song với đó, Moodys cũng kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện trong vòng 12-18 tháng tới do gánh nặng chi phí tín dụng giảm.
Không chỉ dừng lại ở các nhận định đánh giá, niềm tin vào hệ thống ngân hàng Việt Nam còn được các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện bằng những hành động cụ thể. Việc KEB Hana Bank bỏ ra 20.300 tỷ đồng để sở hữu hơn 603,3 triệu cổ phần (tương đương 15% vốn điều lệ) và trở thành cổ đông chiến lược của BIDV là một minh chứng rõ nét.
Trước đó hồi đầu năm, Vietcombak cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 111.108.873 cổ phiếu mới cho GIC Private Limited và Mizuho Bank Ltd thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu đô la Mỹ). Còn với VietinBank, hiện cổ đông chiến lược của ngân hàng là Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) đến từ Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của định chế này tại VietinBank lên 50%, thay vì gần 20% như hiện nay…
Chắc chắn mức độ hấp dẫn của các ngân hàng Việt sẽ còn tăng lên khi mà từ đầu năm 2020, Thông tư 41 với những đòi hỏi khắt khe về an toàn vốn theo chuẩn Basel 2 chính thức có hiệu lực thi hành. Điều đó sẽ giúp các ngân hàng Việt “chuẩn hóa” hoạt động theo chuẩn quốc tế cũng như và cải thiện hơn nữa khả năng sinh lời.
Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng nữa góp phần làm nên sức hấp dẫn cho các ngân hàng Việt mà vị quan chức cao cấp của JP Morgan đã đề cập trong đánh giá của mình. Đó chính là nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp cũng sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.