Tiện ích của thẻ tín dụng trong thanh toán và giao dịch là nguyên nhân chính khiến giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng tăng cao. Tuy nhiên, lãi suất thẻ tín dụng cao đang là băn khoăn với không ít chủ thẻ. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần biết giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) khi không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ là hành vi bị cấm.
Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2018, số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành đạt khoảng 4.9 triệu thẻ (tăng 21,1% so với năm 2017). Năm 2018, giao dịch qua thẻ tín dụng chiếm khoảng 8,09% về số lượng và 5,59% về giá trị trong tổng số giao dịch qua thẻ ngân hàng. Giao dịch qua thẻ tín dụng liên tục tăng qua các năm (năm 2017 tăng 7,08% về số lượng và 60,48% về giá trị so với năm 2016; năm 2018 tăng 6,11% về số lượng và 31,34% về giá trị so với năm 2017).
Những tiện ích khi sử dụng đã chứng minh thẻ tín dụng là công cụ hữu ích nhất trong thanh toán và giao dịch. Bởi lẽ, thẻ tín dụng được xem là công cụ hỗ trợ tài chính. Khi người dùng cần huy động một món tiền lớn trong khoảng thời gian ngắn, thẻ tín dụng sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính đắc lực. Điều này giúp bạn tiết kiệm không ít thời gian và công sức trong việc tìm nguồn tiền. Thẻ tín dụng sẽ giúp bạn luôn chủ động trong việc chi tiêu, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Hiện nay, thẻ tín dụng được chấp nhận ở hầu hết các trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng... đưa đến sự thuận lợi khi thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt. Bên cạnh đó, bạn còn có thể sử dụng thẻ để thanh toán các loại hóa đơn như hóa đơn điện, nước hay mua hàng, đặt hàng trên website. Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ được ngân hàng gửi sao kê về các giao dịch phát sinh mỗi tháng. Nhờ đó, bạn có thể theo dõi chi tiết các khoản chi tiêu và có những kế hoạch hợp lý hơn trong tương lai. Đồng thời, khách hàng thường nhận được nhiều ưu đãi khi sử dụng thẻ để thanh toán. Qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Vì sao lãi suất thẻ tín dụng cao?
Mới đây, một số ngân hàng thương mại có điều chỉnh tăng lãi suất thẻ tín dụng, cá biệt tại VPBank, thẻ tín dụng VPBank No.1 Mastercard sẽ áp dụng mức lãi suất mới là 3,99%/tháng (tương đương lãi suất 47,88%/năm) thay vì mức 3,75%/tháng trước đó.
Thông thường, lãi suất thẻ tín dụng được nhiều ngân hàng áp dụng phổ biến từ 30% đến gần 50%/năm, một số ngân hàng tính lãi thấp hơn nhưng cũng trên 20%/năm. Các ngân hàng lý giải, cho vay qua thẻ tín dụng là khoản vay tín chấp nên lãi suất cao nhằm bù đắp chi phí và rủi ro cho ngân hàng. Đổi lại, thẻ tín dụng thường được miễn lãi trong thời gian từ 45-55 ngày, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn sẽ không phải chịu lãi suất cao.
Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Thông tư số 35/2015/TT-NHNN, đến tháng 6/2019, lãi suất cho vay bình quân bằng VND đối với các khoản cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng khoảng 24,99%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 25,07%/năm đối với trung và dài hạn.
Về bản chất, thẻ tín dụng là 1 phương tiện thanh toán có nền tảng tín dụng hỗ trợ. Theo đó, nghiệp vụ cấp tín dụng qua thẻ tín dụng có một số đặc thù khác biệt so với các hình thức cấp tín dụng khác. Cụ thể, mặc dù TCTD ứng trước cho khách hàng một khoản tiền để khách hàng sử dụng (thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã mua), nhưng TCTD không tính lãi khoản tiền ứng trước này trong trường hợp khách hàng thanh toán đúng hạn cho TCTD số tiền đã sử dụng để mua hàng (thông thường theo thông lệ thị trường, tối đa sau 45 ngày kể từ ngày khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hàng hóa/dịch vụ). Trong trường hợp này, khách hàng được sử dụng một khoản tiền của TCTD trong một khoảng thời gian (tối đa là 45 ngày) mà không phải trả lãi. TCTD chỉ tính lãi khi khách hàng không thanh toán đúng hạn số tiền đã sử dụng để mua hàng. Như vậy, trình tự cấp tín dụng và phương thức tính lãi của khoản cấp tín dụng qua thẻ tín dụng là hoàn toàn khác với hình thức cho vay thông thường, cũng như các hình thức cấp tín dụng khác.
Ngoài ra, theo thông lệ thị trường, thông thường các TCTD chấp nhận mở thẻ tín dụng cho khách hàng dựa trên cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng là chính. Trừ một số trường hợp cá biệt, các TCTD yêu cầu khách hàng có tài sản thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ để TCTD xem xét mở thẻ tín dụng cho khách hàng. Như vậy, hầu hết các TCTD đều cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo cho khách hàng thông qua hình thức thẻ tín dụng. Cùng với các yếu tố được đề cập ở trên cũng là một nhân tố có thể khiến cho lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng có thể cao hơn mức lãi suất cho vay thông thường của các TCTD.
Đối với việc thu phí thẻ ghi nợ nội địa và lãi suất thẻ tín dụng quốc tế mà các ngân hàng đang áp dụng đối với chủ thẻ, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức phát hành thẻ yêu cầu: khẩn trương rà soát các loại phí, mức phí thẻ ghi nợ nội địa hiện đang áp dụng, đảm bảo thu phí tuân thủ theo quy định; trong đó, mức thu phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch ATM của thẻ ghi nợ nội địa, phải nằm trong biểu khung mức phí quy định; niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo đúng quy định pháp luật về thu phí dịch vụ thanh toán; Chủ động giải thích, công khai minh bạch về các loại phí, mức phí khi giao kết hợp đồng mở thẻ với khách hàng hoặc khi có thay đổi về các loại phí, mức phí trong quá trình cung cấp dịch vụ theo đúng quy định pháp luật; Thực hiện niêm yết công khai lãi suất thực tế cho vay qua thẻ tín dụng theo quy định pháp luật khi khách hàng mở thẻ và trong suốt quá trình khách hàng sử dụng dụng dịch vụ…
Thẻ tín dụng là một trong những công cụ hữu ích nhất trong thanh toán và giao dịch
Hiểu thêm quy định về lãi suất cho vay tại các TCTD
Hiện nay, quy định về lãi suất cho vay của các TCTD có tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Cụ thể: TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa, như: (i) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;(ii) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; (iii) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iv) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; (v) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”
Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc, lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: (i) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; (ii) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; (iii) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Ngoài ra, liên quan đến lãi suất cho vay còn một số quy định pháp luật có liên quan, cụ thể như sau: Điều 91 Luật Các TCTD năm 2010 quy định: TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật. Theo đó, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) đã cụ thể hóa quy định này của Luật các TCTD đối với hoạt động cho vay của TCTD. Tuy nhiên, Thông tư 39 không điều chỉnh nghiệp vụ cấp tín dụng của TCTD qua thẻ. Do đó, quy định về lãi suất cho vay tại Điều 13 Thông tư 39 chỉ áp dụng đối với các khoản cho vay của TCTD đối với khách hàng, trong đó: (i) TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng; (ii) TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn VND nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Phạt tiền đến 50.000.000 đồng nếu bị phát hiện thanh toán khống thẻ tín dụng
Thực tế, thông qua các trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán khống hàng hóa và dịch vụ, các chủ thẻ tín dụng dễ dàng rút được toàn bộ hạn mức tiền trong thẻ với mức phí chỉ từ 1,2% đến tối đa 1,5%. Hành động thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN, ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 19) và bị xử phạt theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, ngày 17/10/2014 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định 96).
Cụ thể, theo quy định tại điểm b, đ khoản 3 Điều 17, Thông tư 19/2016/TT-NHNN, ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng1: “Thẻ tín dụng được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với TCPHT; Thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài”.
Giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) khi không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 19. Các hành vi vi phạm này được xử phạt theo quy định tại Điều 28 (điểm b, khoản 5), Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định khác về thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ”; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 8 Điều 28 như: “Không được ký hợp đồng thanh toán thẻ với các tổ chức thanh toán thẻ khác trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định”.
Căn cứ quy định nêu trên, thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt tại ĐVCNT chỉ để phục vụ nhu cầu thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chủ thẻ; việc sử dụng thẻ tín dụng thực hiện giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT để rút hạn mức tiền trong thẻ là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 96 nêu trên.
Đối với vấn đề này, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về sử dụng thẻ ngân hàng; tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó có nội dung về hành vi sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thẻ [2].
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Một số khuyến cáo khi sử dụng thẻ tín dụng
Người sử dụng, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản, điều kiện trong thỏa thuận, hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng đã ký kết để sử dụng thẻ và thanh toán dư nợ theo đúng quy định; nên đăng ký sử dụng dịch vụ tự động trích nợ từ tài khoản để thanh toán sao kê thẻ tín dụng; tuân thủ các nguyên tắc về bảo mật theo đúng các hướng dẫn của ngân hàng đảm bảo sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn; chủ động giữ kín các thông tin cá nhân/thông tin tài khoản, không tiết lộ cho bên thứ 3 dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp bị lợi dụng; đặc biệt cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến nên thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có uy tín trên thị trường.
Đối với ngân hàng phát hành thẻ (NHPHT), khi khách hàng mở thẻ, NHPHT cần hướng dẫn khách hàng rõ ràng về các loại phí, cách tính lãi suất, nhất là đối với thẻ tín dụng.
Ngoài những lưu ý trên, khách hàng cần chú ý: Không nên rút tiền mặt nhiều lần. Bởi khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, người dùng sẽ bị tính phí 4%. Việc rút nhiều lần sẽ cộng dồn thành một khoản phí lớn, khiến chủ thẻ mất một số tiền nhất định. Ngoài ra, rủi ro sẽ lớn hơn nếu bạn bị mất thẻ, bạn sẽ bị kẻ gian lợi dụng thực hiện các giao dịch bất chính và mất khoản tiền lớn. Những giao dịch bất chính có thể dễ dàng được thực hiện khi mua sắm online với số CVV bởi các website thương mại điện tử nước ngoài thường không không yêu cầu mã OTP.
[1]] Đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016; Thông tư 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, Thông tư 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018.
[2] Công văn 166/NHNN-TT ngày 07/01/2019 về việc tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng; Công văn 9325/NHNN-TT ngày 05/12/2016 về việc chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống…
Tài liệu tham khảo :
1. Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
2. Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
3. Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của các TCTD.
4. Cổng thông tin điện tử NHNN.
Nguyễn Hoàng Anh
Nguồn: TCNH chuyên đề THNH số 6/2019