Trong thời đại hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ, vận hội mới. Trong bước chuyển mình đi lên của cả nước, ngành Ngân hàng đã đạt được những bước tiến vượt bậc, phát huy được vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Trong những thành tựu to lớn đó, có sự đóng góp đáng kể của lực lượng cán bộ nữ suốt 70 năm trưởng thành và phát triển ngành Ngân hàng, trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chính sách, đào tạo, thực hiện các nghiệp vụ khác nhau của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại, đến các hoạt động xã hội, đoàn thể của phụ nữ từ Trung ương đến địa phương. Sự đóng góp trên các lĩnh vực đó đã chứng minh vị trí và vai trò của phụ nữ là không thể thiếu trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi các cấp lãnh đạo trong Ngành cần dành sự quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ, lao động nữ của Ngành.
Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng
Để triển khai Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chương trình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Trong đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 nêu rõ: “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội”. Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 là “đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”.
Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, ngành Ngân hàng là một ngành kinh tế có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao; theo số liệu thống kê đến 30/6/2020, tổng số lao động nữ trong ngành Ngân hàng chiếm tỷ lệ 59%. Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng, phụ nữ đã có những đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động; qua đó, được ghi nhận và đánh giá cao. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong Ngành, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của giai đoạn 2011 - 2015, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Ngân hàng đã tham mưu cho Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1445/QĐ-NHNN ngày 14/7/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát là:
“Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, đoàn thể các đơn vị trong Ngành trong thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ làm công tác bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển của ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm
Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
và Phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 - 2020
Ngay sau khi Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, VSTBPN ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã chủ động và tích cực trong công tác xây dựng hướng dẫn, chương trình và kế hoạch cụ thể để làm cơ sở cho Ban VSTBPN các cấp tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị hằng năm, 05 năm với các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù của đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các đơn vị đã chủ động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị; Thủ trưởng các đơn vị đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở đơn vị mình.
Các hoạt động cụ thể để thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 như sau: Xây dựng các chương trình, kế hoạch, kiện toàn Ban VSTBPN ngành Ngân hàng; tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, quy chế, chính sách của ngành Ngân hàng; nâng cao kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nữ lãnh đạo thông qua các Hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện bình đẳng giới, VSTBPN.
Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 đề ra các chỉ tiêu như: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
NHNN đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng các cấp theo chỉ tiêu kế hoạch là 30% trở lên, kết quả đạt được là 42,6%. Đến năm 2020, 100% đơn vị trong ngành có cán bộ chủ chốt là nữ. Hằng năm, tổng số người được tạo việc làm mới theo kế hoạch là ít nhất 40% cho mỗi giới, thực tế nữ giới chiếm 65% tổng số cán bộ được tuyển dụng mới của NHNN.
Theo kế hoạch, tỷ lệ nữ được cử đi đào tạo sau đại học đạt 50% tổng số công chức, viên chức, người lao động; tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 50% và tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 25% trong tổng số thạc sỹ, tiến sỹ ngành Ngân hàng vào năm 2020. Thực tế, kết quả đạt được đều vượt trên 50%.
Với tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao độ, đến nay, NHNN đã thực hiện đạt hoặc vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt ở các mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực đào tạo; mục tiêu bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; mục tiêu nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Đặc biệt, bản thân cán bộ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong tình hình mới, đã khắc phục khó khăn, không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Cờ thi đua
cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam
Làm tốt phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”, góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế lao động nữ ngành Ngân hàng
Trên cơ sở tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 mà mục tiêu là “Đến năm 2020 về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước” và đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (TLĐ) Lao động Việt Nam khóa X về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Kết luận 147/KL-TLĐ ngày 04/02/2016 của TLĐ Lao động Việt Nam về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH; Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 16/8/2010 của Đoàn Chủ tịch TLĐ Lao động Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Phong trào đã trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ CNVCLĐ nói chung và nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng nói riêng với tên gọi đã được cụ thể hóa là phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, lao động nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì mục tiêu bình đẳng giới…
Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của TLĐ Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn trong Ngành, phong trào CNVCLĐ ngành Ngân hàng nói chung, hoạt động nữ công công đoàn nói riêng có nhiều thuận lợi, ngày càng phát triển mạnh mẽ, sôi nổi hơn, đem lại hiệu quả và những lợi ích thiết thực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác nữ công ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các mục tiêu, hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, cụ thể như sau:
- Thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của TLĐ Lao động Việt Nam về công tác vận động lao động nữ;
- Bám sát nội dung, phấn đấu đạt được các mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 06b/NQ-BCH của TLĐ Lao động Việt Nam đã đề ra như: Xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng lớn mạnh, nâng cao trình độ mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; coi trọng việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nữ CNVCLĐ. Tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ ở các thành phần kinh tế vào tổ chức Công đoàn; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ của tổ chức Công đoàn, kiện toàn Ban Nữ công các cấp cả về số lượng và chất lượng;
- Làm tốt công tác đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo, duy trì và phát triển các quỹ để hỗ trợ cho nữ CNVCLĐ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;
- Phối hợp trong công tác tạo việc làm ổn định, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho CNVCLĐ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ;
- Phát hiện, giới thiệu những nữ CNVCLĐ ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, tham gia vào các cấp ủy, bộ máy lãnh đạo công đoàn, chính quyền các cấp.
Với thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng đã được TLĐ Lao động Việt Nam, Thống đốc NHNN, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương đến địa phương đánh giá, ghi nhận và trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:
- Đối với danh hiệu thi đua “Phụ nữ hai giỏi”: Tính chung toàn hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hằng năm có trên 80% nữ cán bộ, đoàn viên đạt danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” từ cấp cơ sở trở lên, như vậy, đã cơ bản đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết 06b/NQ-BCH của Ban Chấp hành TLĐ Lao động Việt Nam đề ra.
- Đối với Cờ thi đua và Bằng khen các cấp: Trong 5 năm qua, đã có 85 tập thể được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của TLĐ Lao động Việt Nam, Thống đốc NHNN, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về thành tích trong phong trào thi đua hai giỏi. 325 tập thể và 800 nữ cán bộ, đoàn viên xuất sắc được tặng Bằng khen các cấp; 42.000 cá nhân nữ tiêu biểu được tặng Giấy khen về thành tích hai giỏi. 29 tập thể được TLĐ Lao động Việt Nam, Thống đốc NHNN tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào vận động nữ CNVCLĐ và phong trào hai giỏi nhân dịp tổng kết 10 năm (giai đoạn 2010 - 2020) thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị 03/CT-TLĐ. 250 nữ cán bộ, đoàn viên được khen thưởng cấp Nhà nước và nhiều nghìn chị được khen thưởng cấp bộ, ban, ngành và cấp tỉnh, thành phố về các thành tích trong hoạt động chuyên môn cũng như công tác an sinh xã hội, sáng kiến, sáng tạo,… Các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, luôn quan tâm, tạo điều kiện cho nữ cán bộ, đoàn viên, lao động phát triển, vì mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Qua phong trào thi đua, các cấp công đoàn trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nữ CNVCLĐ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trên cơ sở đó quan tâm, chú trọng lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với các phong trào thi đua yêu nước do TLĐ Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… tổ chức, phát động.
Quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và Phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 - 2020, về nhiệm vụ thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị tập trung triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần xác định xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của ngành Ngân hàng; tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, từ đó lựa chọn giới thiệu những nữ cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, quy hoạch và bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo quản lý, qua đó tạo điều kiện để cán bộ nữ đóng góp nhiều hơn nữa với sự nghiệp phát triển của Ngành.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2020 - 2025, Ban VSTBPN và công đoàn các cấp cần chú trọng đến các giải pháp thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế tối đa hoạt động mang tính hình thức; tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp để tạo sự thay đổi tích cực trong cả suy nghĩ và hành động của cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị trong Ngành về công tác cán bộ.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Ban VSTBPN ngành Ngân hàng và Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác cán bộ nữ của Ngành.
Thứ tư, tăng cường tìm kiếm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai công tác bình đẳng giới, VSTBPN và các phong trào thi đua mang tính đặc thù về giới trong ngành Ngân hàng.
Thứ năm, trong dài hạn, Ban VSTBPN và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nghiên cứu giải pháp để phụ nữ ngành Ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam và của cộng đồng, qua đó góp phần nhất định vào việc xây dựng uy tín, hình ảnh của Ngành.
Để tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về bình đẳng giới và VSTBPN, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đề ra mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025 như sau: “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, đoàn thể các đơn vị trong Ngành trong thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng; tạo điều kiện và cơ hội bình đẳng để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy năng lực, tham gia, đóng góp, tiếp cận nguồn lực chung và thụ hưởng các thành quả trong mọi lĩnh vực, tiến tới bình đẳng giới thực chất, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuấn Nguyên
Theo Tạp chí Ngân hàng số 24/2020