Sau 2 buổi làm việc chiều 09/01 và sáng 10/01/2018 tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn Ngành Ngân hàng triển khai các nội dung công việc trong năm 2018
Quang cảnh buổi làm việc sáng ngày 10/1/2018
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2018 bên cạnh những thuận lợi, cũng không ít khó khăn. Tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố mới đây, Chính phủ đã nhận định kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục có những yếu tố thuận lợi nhất định, như: dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm 2018 sẽ tạo điều kiện đề thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kết quả tăng trưởng cao trong năm 2017, cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất kinh doanh,... sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh và kích cầu tiêu dùng. Đây là những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, kinh tế thế giới và trong nước vẫn có những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể cản trở sự phục hồi của thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam; sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2017 có nguy cơ tạo ra sự suy thoái bất ngờ trên thị trường tài chính toàn cầu; CSTT của Fed, NHTW Anh, Trung Quốc và biến động khó lường của đồng USD sẽ đặt ra những thách thức cho điều hành CSTT của Việt Nam trong năm 2018. Việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% có thể gặp một số thách thức; việc thoái vốn, bán cổ phần lớn có thể gây xáo trộn đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối; Yếu tố tâm lý khi có những thông tin nhạy cảm về hoạt động ngân hàng và một số vụ án đặt ra thách thức trong điều hành của NHNN để ổn định thị trường tiền tệ”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu kết luận Hội nghị
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn nêu trên, để hoàn thành được mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 4%, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao 6,7% và thực hiện có kết quả lộ trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2018, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngay sau Hội nghị này, NHNN sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2018.
Những nội dung triển khai cơ bản như sau:
Một là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,7%); bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Năm 2018, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu.
Ba là, tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các hệ thống thanh toán, cũng như việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, chủ động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách điều hành của NHNN và hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh truyền thông về hoạt động thanh toán để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường các chương trình giáo dục tài chính cộng đồng, nhằm nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống Ngân hàng.
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
(1) Về điều hành và thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối:
- Các đơn vị tham mưu thuộc NHNN bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tạo điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và diễn biến kinh tế vĩ mô. Tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP...; tăng cường phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BT, BOT giao thông, tín dụng tiêu dùng của các Công ty tài chính...
- Các TCTD xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2018 phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quán triệt các đơn vị trong hệ thống chấp hành nghiêm các quy định của NHNN, trong đó đặc biệt là vấn đề lãi suất huy động và cho vay, phí cho vay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng... Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là lĩnh vực bất động sản, BT, BOT giao thông, chủ động rà soát để tập trung vốn đầu tư vào các dự án hiệu quả, khả thi, đảm bảo hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.
(2) Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng
- Các đơn vị thuộc NHNN tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD, quy định về công khai, minh bạch... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm hình thành những chuẩn mực, điều kiện an toàn cao hơn trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt là tập trung nguồn lực khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của các TCTD cũng như công tác quản lý nhà nước trong ngành Ngân hàng.
- Trọng tâm công tác thanh tra, giám sát trong năm 2018 là tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm đã được NHNN cảnh báo. Theo dõi chặt chẽ việc chấp hành và thực hiện Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017, các văn bản cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Củng cố, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và nhân sự của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
- NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố tập trung nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát hoạt động các TCTD trên địa bàn để phát hiện và xử lý kịp thời theo thẩm quyền, hoặc chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương, Thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống QTDND.
- Các TCTD tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 07/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, ý thức tuân thủ pháp luật trong hệ thống nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy định, quy trình nội bộ, quy định của pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng. Rà soát các quy định/quy trình, chính sách nội bộ nhằm phát hiện những kẽ hở còn có thể bị lợi dụng gây sai phạm để chủ động có các giải pháp khắc phục, điều chỉnh; đặc biệt là các quy định về nhận tiền gửi, tiết kiệm, cho vay, cho vay cầm cố, thế chấp bằng sổ/thẻ tiết kiệm, quản lý phôi thẻ/sổ tiết kiệm,.. Ngăn chặn việc lãnh đạo và cán bộ, nhân viên thông đồng, cấu kết với nhau, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự quen biết, thân cận và sơ hở của khách hàng để gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, điều hành và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao chất lượng cán bộ từ khâu tuyển dụng đến công tác đào tạo; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ; Rà soát, ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định nội bộ về luân chuyển cán bộ, đặc biệt là vị trí lãnh đạo và các vị trí dễ nảy sinh vi phạm. Chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng và bổ nhiệm người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành tại các TCTD (đặc biệt là tại các NHTM Nhà nước) được quy định tại Luật các TCTD, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan về công tác cán bộ...
(3) Về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
- Các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các TCTD; đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp về xử lý nợ xấu, nhất là các giải pháp theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội.
- Các TCTD tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động. Tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.
(4) Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ
- Các đơn vị thuộc NHNN rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin liên quan tới thanh toán điện tử, thanh toán thẻ phù hợp với thực tiễn phát triển, ứng dụng công nghệ, thực trạng tội phạm mạng trong lĩnh vực ngân hàng để có các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Triển khai Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; phối hợp các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong quản lý các hoạt động liên quan tới các loại tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam.
- Hệ thống TCTD tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật liên quan trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn để khách hàng nắm rõ quy trình, thủ tục giao dịch, các loại rủi ro, thủ đoạn gian lận trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Chủ động theo dõi, phản hồi, xử lý kịp thời, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của khách hàng đối với các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động thanh toán.
(5) Triển khai tích cực, mạnh mẽ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thuộc NHNN
- Tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ cải cách hành chính trên các lĩnh vực và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch hành động của Ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giữa NHNN với các TCTD, giữa TCTD với doanh nghiệp, đảm bảo hiện đại hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
- Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với lãnh đạo các đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
(6) Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, thống kê tiền tệ phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước; Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, kho quỹ và dịch vụ ngân hàng, không để xảy ra các sự cố rủi ro, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngành và quyền lợi của khách hàng cũng như TCTD; Thực hiện tốt vai trò đại diện Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng; Làm tốt công tác thông tin truyền thông để định hướng dư luận, hỗ trợ tích cực công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước; Tiếp tục làm tốt công tác quốc hội từ trung ương đến địa phương để giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, kiến nghị ngay tại từng tỉnh, thành phố...
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm
“Chỉ thị của Thống đốc NHNN là văn bản rất quan trọng, là định hướng điều hành và triển khai nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cho năm 2018 của ngành Ngân hàng. Vì vậy, tôi yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tổ chức quán triệt Chỉ thị đến tất cả các cán bộ trong hệ thống và Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Thống đốc, trước Ban lãnh đạo NHNN về kết quả triển khai thực hiện của đơn vị mình. Các Vụ, Cục chức năng của NHNN sẽ giám sát việc triển khai thực hiện và sẽ tổ chức kiểm điểm định kỳ. Những đơn vị nào trì trệ, chưa chấp hành nghiêm túc sẽ bị xử lý bằng những hình thức phù hợp” Thống đốc nhấn mạnh.
Về công tác truyền thông, năm 2017 đã triển khai tốt, năm 2018 để thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao niềm tin của người dân đối với chính sách điều hành của NHNN và hoạt động ngân hàng, các Vụ, Cục, đơn vị tại NHNN Trung ương, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD cần chủ động trong công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với Vụ Truyền thông thực hiện tốt công tác truyền thông của Ngành.
Về các kiến nghị của các TCTD tại Hội nghị, Thống đốc đề nghị Văn phòng tổng hợp, báo cáo Ban lãnh đạo, các đồng chí Phó Thống đốc phụ trách, giao cho các đơn vị chức năng xử lý cụ thể.
Về vấn đề đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018, các TCTD cần hết sức lưu ý và tập trung chỉ đạo triển khai các vấn đề: Đảm bảo hoạt động thanh toán, trả tiền ở tài khoản ATM; không tổ chức chúc tết, tặng quà, tặng hoa lãnh đạo các cấp; địa phương thì không về trung ương chúc tết lãnh đạo, không tổ chức ăn uống lãng phí, tặng và nhận quà với mục đích vụ lợi; ngay sau kỳ nghỉ tết cần khẩn trương tập trung vào các công việc.
Theo sbv.gov.vn