Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC là một “cầu nối” tín dụng vững chắc giữa khách hàng và TCTD
Có thể nói hoạt động của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) như một “tấm lưới” bao quát toàn bộ hoạt động tín dụng của các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân; định danh từng cá nhân, doanh nghiệp đang vay vốn, còn dư nợ ở đâu, bao nhiêu, lịch sử tín dụng như thế nào, nợ xấu hay nợ tốt?... Từ đó, xây nên một “bức tường” vững chắc bảo vệ an toàn cho cả hệ thống tín dụng.
“Thưa mà khó lọt...”
“Có những doanh nghiệp nhìn thì “hoành tráng” lắm song họ nợ khắp nơi, có cả nợ xấu, song cũng có những doanh nghiệp nhìn qua thì “không ổn”, nhưng lại làm ăn rất tốt, báo cáo tài chính minh bạch, vay trả nợ đầy đủ... Nếu không có CIC thì chúng tôi làm sao biết được những “góc khuất” như thế. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước mở cửa, các doanh nghiệp đầu tư ngoài địa bàn ngày càng nhiều. Có doanh nghiệp ở Cà Mau song kinh doanh, mở dự án ở Lạng Sơn, Quảng Ninh... nếu không có CIC, rất khó có thể nắm bắt được hoạt động tín dụng của những doanh nghiệp ấy!”, anh Lâm Văn Đức - cán bộ tín dụng Agribank chia sẻ.
Có thể nói, hoạt động của CIC như một “tấm lưới” bao quát toàn bộ hoạt động tín dụng của các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân; định danh từng cá nhân, doanh nghiệp đang vay vốn, còn dư nợ ở đâu, bao nhiêu, lịch sử tín dụng như thế nào, nợ xấu hay nợ tốt... Từ đó, xây nên một “bức tường” vững chắc bảo vệ an toàn cho cả hệ thống tín dụng. Không chỉ có vậy, CIC còn cung cấp những thông tin chuẩn xác, kịp thời, làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có những quyết sách điều hành chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, phù hợp.
Anh Trương Hùng Lân, cán bộ CIC chia sẻ: “Ai cũng tưởng rằng CIC chúng tôi “ngồi mát ăn bát vàng” khi chỉ nhận thông tin miễn phí từ các ngân hàng về rồi bán. Mấy ai hiểu, để được như vậy, hàng trăm cán bộ của CIC đang phải lao động miệt mài để thu thập, xử lý dữ liệu, đối chiếu, so sánh từng dòng dữ liệu nhỏ nhất để từ đó thiết kế, tạo lập ra những sản phẩm thông tin tín dụng (TTTD) khách quan, trung thực nhất cung cấp cho khách hàng! Mấy ai biết được, cán bộ CIC phải “trốn”, phải nhờ công an can thiệp khi có hàng chục dân "xã hội đen" vây kín cổng để bắt “sửa” nợ xấu trên CIC. Thế nhưng cán bộ CIC nào có “sửa” được nợ đâu! Mọi TTTD tại CIC đều được lưu giữ một cách khách quan, trung thực. Khách hàng muốn “sửa” nợ xấu thì bản thân phải “sửa” hành vi, thái độ trong việc vay trả nợ, luôn có ý thức vay trả nợ đúng hạn!”. CIC chỉ thực hiện sửa đổi đối với những trường hợp được xác định là nhầm lẫn và có văn bản yêu cầu chỉnh sửa từ các tổ chức tín dụng (TCTD) đã ghi nhận nợ xấu với khách hàng. Có lẽ chỉ cần nhìn con số 48.049 yêu cầu CIC hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trong năm 2021 là đủ thấy áp lực đối với mỗi cán bộ CIC.
Quả thật, có đồng hành cùng các cán bộ CIC mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà các anh chị phải đối mặt. Trước hết, đó là cả một kho dữ liệu đồ sộ lên tới 48,5 triệu khách hàng vay. Với kho dữ liệu đồ sộ ấy, năm 2021, CIC đã cung cấp cho các vụ, cục NHNN hơn 2.200.000 báo cáo TTTD của khách hàng, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Đặc biệt, lượng báo cáo tín dụng truyền thống và báo cáo tín dụng khác theo yêu cầu do CIC cung cấp cho các TCTD vẫn tiếp tục tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2021, tỷ lệ tự động hóa đạt 89%. Độ phủ TTTD tiếp tục được cải thiện so với năm 2020, tăng hơn 2.900.000 khách hàng vay (trên 11.396.000 hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu TTTD quốc gia lên trên 48,5 triệu khách hàng. Trong năm 2021, CIC đã tiếp nhận 48.049 yêu cầu hỗ trợ, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020, xử lý 117 trường hợp thắc mắc, khiếu nại từ tổ chức, cá nhân bằng văn bản; 6.567 trường hợp thắc mắc, đề nghị qua email, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nhận 6.474 phiên giải đáp thắc mắc qua webchat, thực hiện 101 lượt tiếp công dân thường xuyên và định kỳ...
Có một “cầu nối” tín dụng vững chắc
“Chúng tôi tin Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC sẽ là một điểm nhấn trong tương lai rất gần. Một “cầu nối” tín dụng đúng nghĩa đã được CIC dày công xây dựng. Còn gì lý tưởng hơn khi khách hàng vay và TCTD được kết nối trực tiếp trên cổng thông tin này? Khách hàng có thể tìm thấy các gói vay phù hợp với nhu cầu, TCTD cũng có thể dễ dàng thực hiện kết nối, tiếp cận với các khách hàng vay có nhu cầu, giảm thiểu thời gian, chi phí tìm kiếm, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen. Đây là điều mơ ước đối với mỗi khách hàng và cả các TCTD” - một chuyên gia về lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhận xét.
Đặc biệt, CIC đã hoàn thiện mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân CB 2.0 theo tiêu chuẩn quốc tế vào tháng 4/2021. Cùng với đó, các sản phẩm TTTD khách hàng vay của CIC cũng đã được cập nhật, bổ sung các thông tin như: Điểm và hạng tín dụng, thông tin quan hệ tín dụng, tài sản đảm bảo... Kết quả, trong năm 2021, CIC ghi nhận trên 280.000 khách hàng thể nhân, tăng gấp 2 lần năm 2020 và 160 khách hàng pháp nhân đăng ký tài khoản, nâng tổng số tài khoản khách hàng đến thời điểm hiện tại là 500.000 tài khoản. Điều đó cho thấy Cổng TTTD của CIC đã và đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, CIC đã áp dụng bổ sung điểm, hạng, ngày chấm điểm, đánh giá điểm tín dụng theo mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân 2.0 trong sản phẩm chi tiết khách hàng vay thể nhân được cung cấp qua Website của CIC từ ngày 15/4/2021 và kênh kết nối trực tiếp (H2H) từ ngày 04/5/2021. CIC cũng thiết kế thêm sản phẩm cung cấp riêng điểm hạng khách hàng thể nhân để tạo điều kiện cho các TCTD linh hoạt khai thác theo lượt hoặc theo gói. Các sản phẩm có điểm, hạng đều nhằm hỗ trợ TCTD có thể chuyển đổi danh mục các khoản vay từ có tài sản bảo đảm sang cho vay tín chấp, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, cũng trong năm 2021, CIC đã nâng cấp và hoàn thiện giải pháp H2H chuẩn, đôn đốc các TCTD đã ký H2H giai đoạn 1 chuyển đổi sang giai đoạn 2 và thực hiện triển khai báo cáo thông tin qua kênh H2H. CIC tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, truyền thông về hệ thống H2H mới đến các TCTD có nhu cầu nhằm hỗ trợ các TCTD tiết kiệm được thời gian, nhân lực, giảm chi phí hoạt động và đảm bảo TTTD an toàn, minh bạch. Trong năm 2021, CIC đã ký Hợp đồng H2H với 16 TCTD, nâng tổng số TCTD đã kết nối H2H lên 29 TCTD, số lượng báo cáo cung cấp qua phương thức này đạt hơn 564.000 báo cáo, tăng trưởng trên 17% so với cùng kỳ năm trước.
Từ những mảnh “lưới” đơn sơ ban đầu qua hàng chục năm “đan tơ, dệt sợi” bằng sự chắt chiu, sự cần cù, chịu khó của mỗi thế hệ cán bộ CIC, tấm lưới TTTD ngày càng dày và bền chặt hơn. Tấm lưới ấy giúp Chính phủ, NHNN, các TCTD, người dân, doanh nghiệp lọc đi những nợ xấu, nợ có rủi ro để hoạt động tín dụng ngày càng an toàn hơn cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế.
Thanh Thủy ( Hà Nội )