Những ngày này, “mở mắt” ra ập vào bạn sẽ là những thông tin về Covid - 19. Bao nhiêu người đã nhiễm bệnh? ai? ở đâu? khi nào?… Song có vẻ như càng cập nhật thông tin nhanh về diễn biến dịch bệnh thì con người ta càng dễ trở nên hoang mang, hoảng loạn. Bởi thông tin chính thống thường chậm vì cần kiểm chứng, xác thực; trong khi những người cố ý tung fake news luôn có cách làm cho nó lan truyền nhanh nhất. Để bảo vệ mình trong những “ngày dịch bệnh” có nhiều giải pháp, nhưng xem ra trong đó quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, dành thời gian để phân tích, tự kiểm chứng thông tin trước khi hành động hoặc trước khi chia sẻ với người khác.
Mong muốn chung của người dân lúc này là bình an vượt qua dịch bệnh song Chính phủ cùng các bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ kép, không chỉ lo cho sự an toàn của người dân mà còn phải giữ cho kinh tế - xã hội tiếp tục vận hành, phát triển trong bối cảnh vô vàn khó khăn, thách thức.
Ảnh minh họa
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã sớm triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19. Tuần qua, bên cạnh việc tiếp tục đảm bảo an toàn cho khách hàng đến giao dịch và tăng cường các dịch vụ online để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch, hàng loạt TCTD tiếp tục công bố các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng.
Ngày 13/3/2020, NHNN đã có Văn bản số 1680/NHNN-TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ. Theo chỉ đạo của NHNN, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng - 2.000.000 đồng, áp dụng từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020; và Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020. Từ việc giảm phí của NAPAS và CIC, các TCTD sẽ cân đối để giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Đây là đợt giảm phí lần thứ hai, trên diện rộng của ngành Ngân hàng từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh: Thông tư 01 được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Quan điểm xây dựng Thông tư của NHNN là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh…
Đứng từ góc độ những người thụ hưởng chính sách – người dân, doanh nghiệp cần xác định: việc miễn, giảm lãi, phí; cho vay mới với lãi suất ưu đãi… đều là sự chia sẻ của TCTD đối với khách hàng để cùng nhau vượt qua khó khăn. Và để hỗ trợ các TCTD thực hiện nhiệm vụ này cần có sự hỗ trợ của cả khách hàng - những người gửi tiền và sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng. Đơn cử, nếu người gửi tiền vẫn muốn mức lãi suất cao thì ngân hàng rất khó để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ những ngành nghề chịu tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2 - 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Nhiều TCTD đang áp dụng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh giảm 0,5% đến 2% so với cho vay thông thường. Cá biệt một số NHTM triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho những đối tượng khách hàng nhất định với lãi suất giảm đến 3% so với cho vay thông thường. Như vậy áp lực của các TCTD trong việc cân đối chi phí để hỗ trợ khách hàng rất lớn. Chưa kể, các TCTD phải chủ động và tự chịu trách nhiệm khi triển khai các giải pháp này. Nếu để xảy ra sai sót, rủi ro họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, kể cả về pháp lý.
Vẫn biết mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là “nước lên, thuyền lên” nhưng nếu khách hàng không sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ này, thậm chí lợi dụng chính sách để trục lợi thì sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Chính vì thế, nếu được thụ hưởng chính sách, bạn hãy sử dụng nguồn lực hỗ trợ sao cho hiệu quả, thiết thực nhất; không chỉ vì bản thân doanh nghiệp, hộ gia đình bạn mà còn vì những người đã hy sinh lợi ích, cơ hội để hỗ trợ bạn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba… Chúng ta tin tưởng vào quyết sách, hành động của nhà điều hành; vào sự đoàn kết, thống nhất, “một người vì mọi người, mọi người vì một người” để cùng vượt qua thử thách của những ngày Covid -19.