Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một lĩnh vực khá mới mẻ và đang là xu hướng phát triển chung trên toàn thế giới bởi khả năng xử lý hàng triệu thông tin trong vài phút và nếu có bất kỳ thay đổi nào thì AI cũng có thể giúp giải quyết nhanh chóng và chính xác trong thời gian thực, điều mà ngay chính con người nhiều lúc gặp khó khăn trong thực hiện.
Nhờ những ứng dụng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số hoá dựa trên kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và nền tảng mở (Open Platforms). Ngày nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, AI len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.
AI đã đưa thế giới công nghệ vào cơn bão lớn khi nó cho phép các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tự động hóa một loạt các quy trình, cũng như thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà AI đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông... Và ngành Ngân hàng là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ dưới sự tác động của công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Hiểu về AI
Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về AI. Có thể hiểu AI là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi... như trí tuệ con người, xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
AI là ngành khoa học máy tính tạo ra các máy hoạt động thông minh và có phản ứng giống con người
AI là sự pha trộn giữa ba công nghệ tiên tiến: học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy tính nhận thức. Khái niệm AI là để mô phỏng trí thông minh của con người vào các máy nhân tạo với sự trợ giúp của việc học máy tinh xảo và các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Động cơ chính cho ý tưởng chuyển giao trí thông minh từ con người sang máy móc là khả năng mở rộng, nó vượt qua ranh giới của trí thông minh con người bởi luôn luôn có một giới hạn về tốc độ khi con người thực hiện các nhiệm vụ nhất định. Tóm lại có thể hiểu AI là ngành khoa học máy tính tạo ra các máy hoạt động thông minh và phản ứng giống con người dựa trên nền tảng lý thuyết vững chắc như biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói…
Những lợi ích và khó khăn khi sử dụng AI trong các hoạt động ngân hàng
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động đối với ngành Ngân hàng trên nhiều khía cạnh. Như việc các tổ chức tài chính có thể sử dụng AI để đánh giá chất lượng tín dụng, giá cả, hợp đồng bảo hiểm và tự động tương tác với khách hàng; các quỹ đầu tư, đại lý môi giới có thể sử dụng AI để tìm hiểu lợi nhuận cao hơn và tối ưu hoá việc thực hiện giao dịch... Các ngân hàng cũng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và quản lý cơ sở dữ liệu ở mức độ chính xác và tốc độ xử lý nhanh hơn con người.
- Đơn cử trường hợp công nghệ AI được ứng dụng trong việc phân tích khách hàng để cung cấp các khoản vay ngắn hạn. Mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, tức là nâng cao khả năng thu thập dữ liệu khách hàng, đánh giá chất lượng ngân hàng trên quan điểm của khách hàng, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quan sát sở thích của khách hàng, cung cấp đa dạng các kênh phân phối tự phục vụ và tương tác cá nhân tới khách hàng.
Theo đó, sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu và các thuật toán để xử lý một khối lượng thông tin lớn mà các phương pháp phân tích truyền thống không thực hiện được để đưa ra kết quả đánh giá khách quan về độ tin cậy tín dụng của khách hàng và mức lãi suất phù hợp. Khi ứng dụng các kỹ thuật khai thác dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn kết hợp với AI sẽ giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, sát với nhu cầu thực tế của khách hàng, mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích, trải nghiệm mới, mỗi sản phẩm dịch vụ được cá thể hóa để phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau.
- Phát hiện gian lận: Đây là một trong những lĩnh vực then chốt trong lĩnh vực ngân hàng, và cũng là nơi hệ thống thông minh nhân tạo được sử dụng sớm nhất và đạt được nhiều thành công nhất hiện nay. Bằng cách xem xét các hành vi và mô hình của khách hàng thay vì các quy tắc cụ thể, các hệ thống dựa trên AI có thể giúp các ngân hàng luôn tuân thủ các quy định, giảm thiểu rủi ro và chi phí... Trong thập kỷ qua, AI không chỉ cải thiện đáng kể quá trình giám sát mà còn có thể phản ứng trong thời gian thực để phát hiện gian lận tiềm ẩn.
- Chatbots được xem là ứng dụng dễ thấy nhất sức ảnh hưởng của AI được áp dụng trong hoạt động của ngân hàng mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên ngân hàng. Với ứng dụng này, khách hàng không cần phải đến các ngân hàng để truy vấn thông tin và tìm hiểu các dịch vụ bổ sung khác. Các trợ lý dịch vụ tự động này đang cung cấp cho khách hàng sự tiện lợi trong việc giải quyết các truy vấn của họ thông qua một hệ thống nhắn tin trực tuyến, có thể sử dụng máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh của họ thay vì phải đến một chi nhánh.
Chatbots đã được chứng minh hiệu quả bởi một số ngân hàng đang sử dụng công nghệ này thấy rằng cài đặt chatbots mang đến sự hài lòng cho khách hàng về cuộc trò chuyện hiệu quả, có hệ thống và chính xác, nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Thông qua kỹ thuật học máy, quan trọng hơn, chatbots được cải thiện một cách nhất quán liên quan đến khả năng xác định chính xác các vấn đề của khách hàng và phản hồi với các giải pháp thích hợp. AI có thể nhận ra hàng chục nghìn biến thể về các câu hỏi phổ biến mà khách hàng có thể hỏi.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI không phải không có thách thức, khó khăn, trong đó các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những vấn đề sau:
- Công nghệ hiện đại cũng đồng nghĩa song hành với rủi ro. Nhiều ý kiến cũng lo ngại về việc các hacker có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng bằng AI mà không cần nhiều công sức lao động. Khi đó, rất có khả năng là tội phạm mạng lợi dụng trí tuệ nhân tạo và internet để đưa ra những cách thức tấn công khó kiểm soát, lường trước được. Với khả năng tự học hỏi và thích nghi, tiềm năng của AI là không giới hạn trong các ứng dụng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với ngành Ngân hàng trong tương lai là nắm bắt được xu hướng, ứng dụng cách làm việc và kiểm soát AI để đảm bảo hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, hiệu quả.
- Việc ứng dụng những công nghệ mới vẫn còn nhiều rào cản tại hệ thống ngân hàng Việt Nam do nhận thức chưa đủ về công nghệ này hay tâm lý ngại chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình cung cấp dịch vụ mới. “Sự dịch chuyển sang mô hình mới cũng là một quá trình phức tạp mà trong đó phải có sự nhất quán trong mô hình quản trị, kế hoạch chuyển đổi và phương thức triển khai trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng nguồn lực, tiềm năng và những rủi ro sẽ gặp phải khi thay đổi mô hình kinh doanh”.
- Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, mang tính đột phá và có thể thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước khó có thể đưa ra quyết định tức thời về một hành lang pháp lý phù hợp, mà phải xét tới nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới này.
- Tỷ lệ thất nghiệp cao: các công nghệ tự động hóa và robot, internet và trí tuệ nhân tạo tăng trưởng một cách chóng mặt. Điều này khiến cho tốc độ các công việc biến mất nhanh hơn, có thể chúng ta không kịp tạo ra những việc làm mới một cách kịp thời, vì thế nhiều người sẽ bị mất việc làm. Khi máy móc có thể làm hầu hết những việc có tính lặp đi lặp lại, mang tính dây chuyền, thao tác đơn giản, yêu cầu độ chính xác cao, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn thì chắc chắn chúng sẽ thay thế những con người đang đảm nhận những vị trí đó.
Kết luận
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chúng ta đang ở trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Không thể phủ nhận sẽ có rất nhiều lợi ích cho con người khi công nghệ ngày càng phát triển và chúng ta lại đang tạo ra những người máy có khả năng giúp con người trong rất nhiều công việc, chúng còn có khả năng học hỏi để hỗ trợ cho loài người. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất.
Nhìn chung các ngân hàng hiện đang trong quá trình thử nghiệm AI thông qua các giao diện trò chuyện, trong đó “Chatbots” nổi lên như xu hướng chính. Ngoài ra, để AI phát triển cũng cần kể đến sự đồng thuận sử dụng AI từ phía người tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại hàng đầu của thế giới đã ưu tiên tiến bộ chiến lược công nghệ với đầu tư vào các ứng dụng AI để phục vụ khách hàng tốt hơn, cải thiện hiệu suất và tăng doanh thu.
Mặc dù có nhiều kỳ vọng về sự thay đổi tích cực mà AI có thể mang lại, nhưng cũng có sự lo ngại đáng kể xung quanh công nghệ. Khi AI tiếp tục trở nên tiên tiến hơn, những công việc liên quan đến sự lặp lại của nhân viên ngân hàng, rất có thể bị trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cho con người hoàn toàn. Vì vậy, tăng nhiều lợi ích hơn rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống là điều rất quan trọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ferber, J., & Weiss, G. (1999). Multi-agent systems: an introduction to distributed artificial intelligence (Vol. 1): Addison-Wesley Reading.
- Nilsson, J. (1998). Real-time control systems with delays.
- Thái Anh (2018), Luật cho trí tuệ nhân tạo, truy cập tại http://www.daibieu nhan dan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId-412184.
- Website:http://gianguyenjsc.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-nganh-ngan-hang-88332.html.
-Website:http://thitruongtaichinhtiente.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-ngan-hang-23267.html.
ThS. Lê Cẩm Tú
Theo Chuyên đề THNH số 8/2019