Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội nước ta...
Vượt lên nỗi lo âu về đại dịch, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã được triển khai chủ động, linh hoạt, khẳng định rõ vai trò là “cánh tay nối dài” của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tăng hạn mức trả tiền BHTG - tăng cường bảo vệ người gửi tiền
Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền BHTG là 125 triệu đồng đối với mỗi cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG.
Theo đánh giá của NHNN, với việc nâng hạn mức trả tiền BHTG từ 75 triệu đồng (tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm) lên 125 triệu đồng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ nâng từ 87% lên 91%, phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG Quốc tế.
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, cần nhiều thời gian để phục hồi, việc nâng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng góp phần ổn định tâm lý người gửi tiền, giúp các TCTD đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc cho vay phục hồi và phát triển kinh doanh; từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng thể hiện sự phát triển năng lực tài chính ngày càng lớn mạnh của tổ chức BHTG tại Việt Nam.
Đề xuất các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung Luật BHTG
Năm 2021, BHTG Việt Nam chính thức báo cáo NHNN về các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật BHTG và báo cáo đánh giá tác động.
Theo đó, các nội dung đề xuất tập trung vào nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Ngoài ra, BHTG Việt Nam đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG theo yêu cầu của NHNN; đồng thời, thành lập Ban soạn thảo tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG và Tổ giúp việc Ban soạn thảo để chỉ đạo, thống nhất các đơn vị trong toàn hệ thống trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ của BHTG Việt Nam trong quá trình tham gia Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG theo kế hoạch của NHNN.
Tổng tài sản của BHTG Việt Nam ước đạt hơn 82.000 tỷ đồng
Trong năm 2021, BHTG Việt Nam đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam.
Từ nguồn vốn được cấp ban đầu vào năm 1999 là 1.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BHTG Việt Nam ước đạt hơn 82.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam ước đạt gần 76.000 tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng khá được tích lũy qua từng năm, BHTG Việt Nam luôn sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Nâng tầm hoạt động kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG
Ngày 27/9/2021, Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 609/QĐ-BHTG về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế kiểm tra của BHTG Việt Nam đối với tổ chức tham gia BHTG, đánh dấu một số điểm mới trong hoạt động kiểm tra, tạo sự thống nhất triển khai trên toàn hệ thống BHTG Việt Nam.
Theo đó, các quy định về hoạt động kiểm tra trên diện rộng đã được bổ sung; làm rõ hơn cách xác định các trường hợp kiểm tra đột xuất; quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra; cách thức triển khai hoạt động kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân hàng năm theo yêu cầu của NHNN.
Ngoài ra, BHTG Việt Nam cũng tăng cường kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt
Với việc NHNN ban hành Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06/7/2021 về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt (có hiệu lực thi hành từ ngày 27/10/2021), có thể thấy, BHTG Việt Nam đã ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Thông tư quy định BHTG Việt Nam cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong 3 trường hợp:
Thứ nhất, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.
Thứ hai, cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt.
Thứ ba, cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Đổi mới, gắn truyền thông chính sách BHTG với các tiện ích, dịch vụ ngân hàng
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chính sách trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành Ngân hàng, trong năm 2021, một số kênh truyền thông có lượng khán giả lớn đã được BHTG Việt Nam khai thác như VTV1, VTV2, VOV giao thông... tạo sự lan tỏa chính sách một cách sâu rộng, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với chủ trương, chính sách mới của Chính phủ về BHTG.
Ngoài việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, BHTG Việt Nam đã tham gia tuyên truyền cùng ngành Ngân hàng trong chương trình “Tay hòm chìa khóa” phát sóng trong khung "giờ vàng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, đã tạo được dấu ấn tích cực, củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động ngân hàng.
Đẩy mạnh trao đổi, hợp tác quốc tế về BHTG trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, BHTG Việt Nam vẫn đẩy mạnh và thực hiện tốt hoạt động hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ cũng như tiếp thu kinh nghiệm của các tổ chức BHTG trên thế giới, qua đó phát huy vai trò là thành viên tích cực của Hiệp hội BHTG Quốc tế, duy trì, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tổ chức BHTG. Cụ thể, BHTG Việt Nam đã tham dự và tham gia tổ chức thành công hơn 20 hội thảo quốc tế, 4 tọa đàm trực tuyến và nhiều sự kiện song phương, đa phương khác.
Ngoài ra, BHTG Việt Nam đã cử cán bộ tham gia các nhóm nghiên cứu thuộc các ủy ban của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) và Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC), thực hiện các cuộc khảo sát quốc tế của các tổ chức thành viên.
Tăng cường phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh BHTG Việt Nam với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Công văn số 8109/NHNN-TTGSNH ngày 09/11/2020 về việc Xây dựng Quy chế làm việc, trao đổi thông tin với Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Chi nhánh BHTG Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, trên cơ sở Khung Quy chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh BHTG Việt Nam và NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố, các Chi nhánh BHTG Việt Nam đã soạn thảo và ban hành Quy chế tương ứng, qua đó thực hiện ký kết Quy chế làm việc, trao đổi thông tin với hầu hết các NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố.
Những dấu ấn đậm nét trong công tác triển khai chính sách BHTG trong năm 2021 đã thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Tuấn Hưng