Chào mừng ông Burkhard Balz - Thành viên Ban lãnh đạo NHLB Đức cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011 và hiện Việt Nam đang được Đức coi là “đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030). Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á.
Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao hỗ trợ của NHLB Đức dành cho NHNN thời gian qua: hợp tác đã có bề dày về mặt thời gian và hiệu quả (triển khai từ những năm 1990 và đã đào tạo, nâng cao năng lực cho rất nhiều cán bộ NHNN về các mảng liên quan đến nghiệp vụ và quản trị NHTW). Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa NHNN và NHLB Đức được triển khai đều đặn nhất giữa NHNN và đối tác là NHTW quốc tế.
Bản ghi nhớ về hỗ trợ kỹ thuật (MOU) giữa hai NHTW đã được ký từ năm 2012, Phó Thống đốc cho rằng, hai NHTW cần ký mới MOU làm cơ sở để các hoạt động hợp tác được triển khai bài bản, hiệu quả. Buổi làm việc này là cơ hội để NHNN đề xuất, trao đổi với NHLB Đức về một số nội dung hợp tác thiết thực, phù hợp và đưa vào MOU mới nhằm mở rộng phạm vi, nội dung hợp tác giữa hai NHTW. Lĩnh vực chuyển đổi số ngành ngân hàng và thúc đẩy tài chính xanh sẽ tiếp tục là trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hợp tác.
Trao đổi cụ thể hơn về lĩnh vực tín dụng xanh và định hướng hợp tác liên quan, Phó Thống đốc cho biết, Việt Nam có cam kết mạnh mẽ tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam nói riêng. Với vai trò là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp định hướng dòng vốn tín dụng, đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống cho các lĩnh vực xanh của Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt giá trị tương đương hơn 21 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng gần 13% so với cuối năm 2021. Tuy vậy, với thực tiễn công tác quản lý đòi hỏi ngành Ngân hàng Việt Nam hiện nay phải tuân thủ nghiêm ngặt các tỷ lệ an toàn, chú trọng quản lý chặt chẽ rủi ro, thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển hạ tầng xanh…
Phó Thống đốc cho rằng, tài chính xanh cũng là một lĩnh vực mà NHNN mong muốn mở rộng hợp tác với phía Đức. Đặc biệt, được biết, Lãnh đạo NHTW Đức hiện đang chịu trách nhiệm mảng “mở rộng tài chính xanh” thuộc Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS). Hiện nay, NHNN mong muốn, thời gian tới, có thể sớm gia nhập NFGS với mục đích nâng cao năng lực xây dựng chính sách về ngân hàng - tín dụng xanh. Mặt khác, tìm cơ hội tiếp cận, thu hút các nguồn vốn tín dụng xanh quốc tế, cũng như kinh nghiệm, chuyên môn quốc tế trong việc phát triển các công cụ tài chính xanh, nhằm khắc phục những thiếu hụt về vốn cho quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.
Trao đổi về sự phát triển của hệ thống thanh toán, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và định hướng hợp tác liên quan, Phó Thống đốc đánh giá, Đức là một trong các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Thời gian qua, NHNN đã nhận được hỗ trợ rất thiết thực và hữu ích từ NHTW Đức thông qua chương trình triển khai cùng với Dự án GIZ. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực thúc đẩy thanh toán qua hệ thống ngân hàng cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
“Chúng tôi xác định, chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp Ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, ngành Ngân hàng Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức đối với quá trình chuyển đổi số như việc xây dựng khuôn khổ pháp lý không thể bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, rủi ro về an toàn - an ninh - bảo mật, thiếu hụt về nhân sự chất lượng cao và hiểu biết đại chúng về công nghệ số... Trong bối cảnh đó, NHNN rất mong muốn tăng cường hợp tác với NHTW Đức về nội dung chuyển đổi số ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc chia sẻ thêm.
Bày tỏ cảm ơn Phó Thống đốc đã dành thời gian tiếp đoàn và có những đánh giá cao đối với NHLB Đức, ông Burkhard Balz khẳng định, NHLB Đức sẵn sàng gia hạn và kéo dài hợp tác MOU với NHNN. Ông Burkhard Balz cho rằng, những nội dung mà Phó Thống đốc trao đổi trên cũng là những vấn đề quan tâm của NHTW Đức, đó là tín dụng xanh, chuyển đổi số. Đây là những vấn đề hai bên có thể tăng cường hợp tác và đưa vào bản ghi nhớ sắp tới.
Ông Burkhard Balz cho biết, NHTW Đức có thành lập một Trung tâm về phát triển tài chính xanh và phát triển bền vững. Trong tương lai, hai bên có thể hợp tác về lĩnh vực này.
Chia sẻ về chuyển đối số trong ngân hàng, theo ông Burkhard Balz, NHLB Đức trong những năm vừa qua đã thực hiện được nhiều hoạt động như thiết lập một Vụ phụ trách về việc số hóa các ngân hàng. Bên cạnh đó, thời gian qua, trong lĩnh vực giám sát ngân hàng, NHLB Đức cũng thiết lập đơn vị phụ trách vấn đề chuyển đổi số ngân hàng. Chúng tôi cũng giám sát thường xuyên các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với NHNN trong lĩnh vực chuyển đổi số ngân hàng.
Cũng tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi một số nội dung quan trọng khác như vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngân hàng, thanh toán xuyên biên giới, xuyên quốc gia, tiền kỹ thuật số…
Thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc cảm ơn NHLB Đức nói chung và cá nhân ông Burkhard Balz nói riêng đã ủng hộ, hỗ trợ NHNN trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực trong thời gian qua.
Phó Thống đốc tin tưởng, các cán bộ kỹ thuật của hai NHTW sẽ trao đổi tích cực về dự thảo MOU mới, trong đó, bên cạnh các nội dung hợp tác rất hiệu quả vẫn được tiến hành trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ NHNN trong các mảng nghiệp vụ trọng yếu của NHTW, thanh tra, giám sát ngân hàng, quản trị nguồn nhân lực với sự hỗ trợ tích cực của GIZ. Hai bên có thể bổ sung thêm nội dung hợp tác về chuyển đổi số ngành ngân hàng, tài chính, tín dụng xanh và nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm mới, phù hợp để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai NHTW.