Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghi định thanh toán không dùng tiền mặt
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và tổ chức trung gian thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN, việc xây dựng Dự thảo Nghị định này nhằm thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101) ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM (đã sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 và Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019).
Sau 6 năm triển khai, tại Tờ trình về sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101, NHNN cho rằng các quy định tại Nghị định 101 đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản và đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho hoạt động TTKDTM của nền kinh tế, hạn chế dần các thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, bảo đảm thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, các quy định về TTKDTM hiện hành.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định 101, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, dự thảo Nghị định quy định về TTKDTM, thay thế Nghị định 101.
Dự thảo được bố cục theo Chương, Điều, khoản, điểm, bao gồm 7 Chương và 44 Điều. Một số nội dung chính sách cơ bản được đề xuất trong dự thảo Nghị định bao gồm: (i) Bổ sung quy định đồng bộ pháp lý về tiền điện tử; (ii) Quản lý các hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế, xuyên biên giới; (iii) Hoàn thiện quy định cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; (iv) Quy định đối với cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; (v) Quy định về hoạt động đại lý thanh toán; (vi) Quy định cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Toàn cảnh hội thảo
Thực tế cho thấy, cơ chế pháp lý tử còn chưa đồng bộ (ví điện tử, thẻ trả trước...); thiếu cơ chế quản lý các giao dịch thanh toán quốc tế (các mô hình thanh toán mới đề xuất thử nghiệm như AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank...); chưa có các quy định để quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng; chưa có các quy định về hoạt động đại lý thanh toán; chưa có quy định liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực trung gian thanh toán...
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Dự thảo Nghị định lần này có nhiều quy định mới về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ TTKDTM; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán... Do đó, Dự thảo sẽ tác động đáng kể đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ của Hội thảo này, Ban tổ chức đã lắng nghe các ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, đại diện từ các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, các tổ chức, cá nhân liên quan đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101. Với vai trò là đơn vị chủ trì dự thảo Nghị định quy định về TTKDTM, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, những ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp NHNN tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ theo đúng trình tự ban hành Nghị định của Chính phủ.