Tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã giao các các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Ảnh minh họa
Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Chương trình hành động này.
Trong đó, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nâng cao hiệu quả và đưa công tác tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào chiều sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến. Tận dụng triệt để công nghệ số để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình hành động là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm sau đó nhân rộng đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng gây rủi ro cao. Việc triển khai thí điểm, thử nghiệm phải xác định rõ phạm vi không gian và thời gian.
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, phân tích chính sách, soạn thảo, ban hành, tổ chức, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm cơ chế phản hồi thông tin, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội…
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó, NHNN được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung nhằm tiết giảm đầu mối và chi phí kết nối để cung ứng dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí hợp lý. Hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý giám sát các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới.
Đồng thời, NHNN được giao phối hợp với các các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ của Chương trình hành động này. Trong đó, quan trọng là phối hợp với Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện chính sách tài chính, quản lý thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị chủ trì), Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước. Hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài.
Ngoài ra, tại danh mục đề án, nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động này, NHNN được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án quy hoạch hạ tầng thanh toán số quốc gia; hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý giám sát các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới.