Cùng với đó, NHNN đặc biệt quan tâm, chú trọng cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực.
Nâng cao trách nhiệm, tăng thêm áp lực cho “Tư lệnh ngành”
Theo văn bản số 4509/BC-BKHĐT ngày 1/7/2019 về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: Chất lượng báo cáo của NHNN mang hàm lượng thông tin tốt, đánh giá chi tiết, bám sát nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết. Qua theo dõi việc triển khai Nghị quyết, một số Bộ ngành đã chủ động, quyết liệt và đã đạt được những kết quả rõ ràng, trong số đó có NHNN.
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ được ban hành để thay thế cho các Nghị quyết 19 trước đây với mục tiêu trao thêm cho các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương trách nhiệm và áp lực nhưng cũng đồng thời tăng thêm tính chủ động, sáng tạo cho các Tư lệnh ngành nhằm tiếp tục triển khai một trong những đột phá chiến lược là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều này có thể thấy rõ: Nếu như các Nghị quyết 19 trước đây, Chính phủ chỉ định hàng loạt nhóm giải pháp cụ thể cho từng Bộ, ngành thì tại Nghị quyết 02, Chính phủ chuyển sang giao mục tiêu cho các bộ, không giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số. Với sự thay đổi này, Chính phủ muốn đề cao trách nhiệm cũng như nhằm “thử thách” tính chủ động, sáng tạo và bản lĩnh của các Trưởng ngành trong thực hiện nhiệm vụ.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và toàn ngành Ngân hàng đã chủ động thi hành liên tiếp hàng loạt biện pháp để tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm 2019.
NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số Tiếp cận tín dụng. Hội nghị nhằm quán triệt và thống nhất thực hiện quyết liệt các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.
Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới là nội dung được NHNN quan tâm, chú trọng, tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. NHNN đã ban hành và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử NHNN Tài liệu hướng dẫn về Chỉ số Tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới, nhằm hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương có cách hiểu đúng, thống nhất về các chỉ số thành phần của chỉ số tiếp cận tín dụng. Đối với những vấn đề cần tiếp tục phải cải thiện, NHNN đã đề xuất các Bộ, ngành liên quan phối hợp nghiên cứu và có giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, Báo cáo số 4509/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đánh giá cao tình hình và kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, được ghi nhận rõ ràng qua các chỉ số cụ thể, trong đóng góp chung đó, NHNN được ghi nhận là “một điển hình tốt”.
Để có được ghi nhận đó, NHNN trong thời gian qua đã tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội, thu hộ viện phí..., đồng thời hoàn thiện kết nối hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tại các Bộ, ngành liên quan, các ngân hàng và dịch vụ trung gian thanh toán;
Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Danh mục giao dịch bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, Ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) thẻ chip nội địa và chỉ đạo các NHTM, tổ chức phát hành thẻ triển khai Bộ TCCS thẻ chip nội địa, hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn bộ thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa bằng công nghệ chip an toàn, bảo mật, đa tiện ích, đa ứng dụng cho mọi người dân Việt Nam; Chỉ đạo NAPAS thực hiện lộ trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch”...
NHNN cũng tích cực triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình thanh toán mới, áp dụng công nghệ mới trong hoạt động thanh toán như phương án cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code, xây dựng Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Regulatory Sandbox)…
Những kết quả nói trên là thành quả của cả một quá trình không ngừng nỗ lực của ngành Ngân hàng, trước hết, đó là Ngành đã hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới và phản ứng chính sách kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đồng thời, các tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán. Cũng trong thời gian qua, NHNN đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm cung cấp các thông tin về lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong sử dụng các dịch vụ tài chính, đồng thời hướng dẫn cách đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Qua đó, người dùng được thay đổi thói quen, hành vi về thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới tạo dựng một cộng đồng có ý thức tốt về tài chính, thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện sâu rộng trong công chúng thông qua các chương trình giáo dục tài chính có sức lan tỏa như Tiền khéo tiền khôn, Ngày Thanh toán không tiền mặt…
Chấp nhận thử thách để cải tiến vượt bậc
Để có được những đánh giá tích cực trên đây, có thể nói, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Tính đến ngày 28/6/2019, các chỉ số vĩ mô cơ bản như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng 6,54% so với cuối năm 2018; huy động vốn tăng 6,87% so với cuối năm 2018; tín dụng tăng 7,33%. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% (cùng kỳ năm 2018 là 3,29%); Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% (cùng kỳ 2018 tăng 1,35%). GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76% (cùng kỳ năm 2018 là 7,05%).
Những kết quả đó đã góp phần cho các tổ chức xếp hạng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, như: Fitch nâng triển vọng của Việt Nam từ mức Ổn định sang Tích cực và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).
Điều hành lãi suất của NHNN phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên với mức giảm khoảng 0,5%/năm. Kết quả, mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm về cơ bản tiếp tục ổn định. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ linh hoạt, thanh khoản thị trường tốt; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ về từng bước hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo các mục tiêu rõ ràng.
NHNN mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, đó là chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và đưa ra lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
NHNN đã và đang vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. Trong những tháng đầu năm 2019, bên cạnh các khảo sát tại một số địa phương, liên tiếp các Hội nghị triển khai các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen đã diễn ra. Sự vào cuộc mạnh mẽ của NHNN thể hiện tiếp ở Quyết định 1178, Thống đốc NHNN vừa ban hành về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm triển khai Chỉ thị 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Không chỉ cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, ngành NH còn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là chi nhánh các tỉnh, thành phố đã bám sát, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đồng hành cùng bà con nông dân, kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ bà con bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh như hỗ trợ ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL, có chính sách hoãn, giãn nợ cho khách hàng vay bị thiệt hại do dịch tả lợn, hỗ trợ người dân vùng trồng tiêu trước hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt...
Để đẩy dòng vốn vào nền kinh tế, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được xem như sáng kiến của ngành Ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, đến nay chương trình đã tạo sự lan tỏa và hiệu quả mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, với sự phối hợp chặt chẽ của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN đã tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ở 3 thành phố lớn và có sự chỉ đạo sâu sát nhằm triển khai ở tất cả các địa phương.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được đẩy mạnh với mục tiêu tích cực cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.
Những kết quả trên đã cho thấy những thông điệp cải cách mạnh mẽ trong phương thức điều hành chính sách của NHNN theo hướng nhanh hơn, thể hiện quyết tâm cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tiếp tục củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và người dân vào công cuộc cải cách và triển vọng kinh tế của đất nước.