Hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, năm 2019, Báo Tuổi trẻ khởi xướng “Ngày không tiền mặt 16/6” trở thành hoạt động thường niên, là cột mốc quan trọng cho hoạt động thanh toán của Việt Nam trong tương lai. Sau 3 năm tổ chức, sự kiện “Ngày không tiền mặt” đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch Covid-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng.
Họp báo Công bố sự kiện “Ngày không tiền mặt 2022” ngày 20/5/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ý nghĩa của chương trình “Ngày không tiền mặt” và các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2022”
Bắt đầu từ năm 2019, ngày 16/6 - Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ đề xuất - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ); và Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu quan trọng của chương trình “Ngày không tiền mặt” là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Một số hoạt động chính của chương trình “Ngày không tiền mặt 2022” như sau: (i) Cuộc thi Dance Cover khởi động vào ngày 27/5/2022. Người tham dự sẽ cover lại điệu nhảy trên nền nhạc này, và giải thưởng sẽ được trao cho những bài nhảy vui nhộn nhất; (ii) Hai phiên chợ không tiền mặt (ngày 04/6/2022 và ngày 12/6/2022) được tổ chức tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Khu Chế xuất Tân Thuận; (iii) Hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” theo truyền thống, được tổ chức dự kiến vào ngày 16/6/2022, tại khách sạn Melia, Hà Nội, với quy mô khoảng 400 khách mời từ Trung ương đến địa phương; (iii) Chuyến xe Không tiền mặt, xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19/6/2022, hành trình ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/7/2022.
Những sự kiện này được tổ chức và thiết kế phù hợp để kích thích sự quan tâm của 3 nhóm đối tượng: Từ những người chưa quen thuộc hoặc chưa biết gì về TTKDTM đến những người đã, đang sử dụng TTKDTM và nhóm người có những ảnh hưởng vĩ mô về chính sách trong lĩnh vực này.
Một trong những điểm nhấn trong chuỗi sự kiện của Chương trình “Ngày không tiền mặt 2022” là việc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng với Sacombank và Công ty trung gian thanh toán NextPay đã ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tài chính cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thẻ tín dụng nội địa. Theo đó, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng dịch vụ của NextPay có thể dễ dàng tiếp cận tới nguồn tín dụng từ Sacombank thông qua việc phát hành thẻ tín dụng nội địa NAPAS. Đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho các chủ doanh nghiệp, với đầy đủ các tính năng của chiếc thẻ tín dụng nội địa từ rút tiền mặt, thanh toán tại POS, thanh toán trả góp với lãi suất thấp, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phục vụ các hoạt động kinh doanh. Chủ thẻ cũng được cộng hưởng các ưu đãi trong hệ sinh thái các đơn vị thuộc liên minh chuyển đổi số của NextTech và những ưu đãi dành riêng từ Sacombank và NAPAS. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc NAPAS về ý nghĩa của sự hợp tác này thì: “Thẻ tín dụng nội địa là giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn và là phương tiện thanh toán giúp quản lý chi tiêu ngân sách của doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Với những giải pháp cụ thể cùng những cam kết chung giữa NAPAS, Sacombank và NextPay trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng thẻ tín dụng nội địa sẽ tiếp tục phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thúc đẩy TTKDTM, phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen...”.
Kết quả đạt được từ những giải pháp đồng bộ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành nhằm thúc đẩy TTKDTM thời gian qua
Một là, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và quy định về hoạt động TTKDTM; hệ thống văn bản từ nghị định đến thông tư được ban hành khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển TTKDTM và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. NHNN đã: (i) Trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và đã phối hợp với các bộ cấp phép thí điểm Mobile-Money cho 03 nhà mạng viễn thông; (ii) Ban hành các tiêu chuẩn về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ Chíp nhằm tăng cường kết nối, xử lý liên thông trong thanh toán cũng như tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác…; (iii) Ban hành hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân, mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC). Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM, dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nói chung, hoạt động thanh toán nói riêng.
Hai là, nâng cấp hệ thống, mở rộng dịch vụ, tính năng của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đảm bảo các hạ tầng toàn Ngành này hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số. Cụ thể, 04 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống TTĐTLNH tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rộng, bao phủ cả nước có 20.552 ATM và 347.374 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Ba là, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái thanh toán bao trùm với các dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền ATM không cần thẻ qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Một số kết quả nổi bật như sau: (i) Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 đến năm 2021; (ii) Khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC); (iii) Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile-Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ); (iv) Đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Một số giải pháp¹ thúc đẩy TTKDTM thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM, trong đó chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo; trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
¹Theo phát biểu của ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán - NHNN tại Họp báo Công bố sự kiện “Ngày không tiền mặt 2022” ngày 20/5/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Minh Châu