Trong mọi tình huống, trước bối cảnh khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế.
Các đại biểu dự họp Quốc hội
Về điều hành tín dụng, việc tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất không chỉ ở kỳ họp Quốc hội này mà cả ở nhiều kỳ họp trước. Bởi vì, nội tại của nền kinh tế hiện nay, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hiện tại, NHNN đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng. Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ hết và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.
Cùng với đó, NHNN cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh khoản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch Covid-19 đã bằng, thậm chí giảm hơn, với khoảng 0,3%.
Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các cái gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản 15 nghìn tỷ đồng… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng. NHNN tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.
Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm (đến ngày 27/10/2023 tăng 7,1% so với cuối năm ngoái). Chính phủ và NHNN cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, phân tích nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng NHNN đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và Tổ công tác, Hiệp hội bất động sản đã nhận diện được 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Đối với đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và những doanh nghiệp này cũng khó khăn trong cạnh tranh cũng như về tiềm lực tài chính nên NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh vay vốn. Có như vậy mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc cho biết, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ điều phối về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như của các TCTD để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD rà soát, làm sao giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn để rút ngắn quá trình xem xét tín dụng, tạo điều kiện có thể hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
Về vấn đề tín dụng thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi Nghị định được ban hành năm 2014, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn và đã tích cực chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai.
Đến nay, dư nợ tín dụng đối với chương trình này khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng có đến 8.000 tỷ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra ngoại bảng. Đúng như Đại biểu Quốc hội nêu, hiện nay doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong trả nợ vay và các TCTD cũng khó khăn trong thu hồi nợ. Như vậy, cần phải có giải pháp để xử lý vấn đề này.
Hiện nay, Nghị định này Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. NHNN ghi nhận những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và trong quá trình tham gia ý kiến đối với các Bộ, ngành để sửa đổi Nghị định 67, NHNN sẽ có những phân tích, đánh giá cụ thể.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến và khẳng định NHNN sẽ tiếp thu để phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới sao cho hiệu quả hơn, tốt hơn, đặc biệt là bám sát thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ giao phó.
Theo CKH/sbv.gov.vn