Đây là cam kết của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 – 2017. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào sáng ngày 11/3/2017 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị cùng đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Hội nghị đã thu hút gần 1000 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, lãnh đạo 5 địa phương trong vùng và hàng trăm doanh nghiệp tham gia thảo luận và kết ký hợp tác đầu tư, ký kết hợp tác tài trợ vốn cho các dự án đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị, về phía ngành Ngân hàng, có Thống đốc Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Đào Minh Tú; lãnh đạo một số Vụ, Cục liên quan; chi nhánh NHNN 05 tỉnh Tây Nguyên cùng lãnh đạo các NHTM Nhà nước, một số NHTM cổ phần và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tây Nguyên được đánh giá là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Việt Nam. Đồng thời là vùng trọng điểm phát triển của nhiều cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su... và vùng sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, thủy lợi, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển năng lượng tái tạo. Những năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của Tây Nguyên có sự phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 7,19%/năm, năm 2016 đạt mức 7,47%). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Cùng các Bộ, ngành khác, ngành Ngân hàng đã tích cực cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh TCTD, 8 phòng giao dịch và 7 QTDND trên địa bàn, qua đó đáp ứng kịp thời nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với DN và người dân. Hiện tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 120,6 ngàn tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng gần gấp đôi, trên 222 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay DNNVV chiếm tỷ trọng 12,3%. Các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay tái canh cây cà phê; chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do hạn hán, lũ lụt kéo dài... được các tổ chức tín dụng chủ động bố trí vốn, tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể đến từng đối tượng khách hàng thụ hưởng để khuyến khích doanh nghiệp, người dân trong Vùng vượt qua khó khăn, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các chương trình tín dụng chính sách và công tác ASXH của ngành Ngân hàng được tích cực triển khai đã góp phần giúp hơn 104 ngàn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo.
Thống đốc cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của vùng như: vấn đề quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh của vùng còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng còn nhiều bất cập; tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa DN và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp...; sản xuất công nghiệp chậm phát triển, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé; hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu…
Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, thời gian tới, Thống đốc sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung vào việc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực Tây Nguyên; bám sát quy hoạch phát triển của vùng và từng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của vùng, chú trọng phát triển các sản phẩm, chương trình tín dụng phù hợp, đặc biệt là chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là cho vay nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét nâng mức cho vay và khuyến khích hính thức vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như cấp bù lãi suất...
Cụ thể hóa một phần quyết tâm và tinh thần trách nhiệm đồng hành cùng Tây Nguyên của ngành Ngân hàng, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017, các TCTD cam kết tài trợ hơn 29 ngàn tỷ đồng, đối với 36 dự án phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 và thứ 3 của Tây Nguyên, các tổ chức tín dụng đã bố trí đủ nguồn vốn và đẩy mạnh giải ngân cho các dự án được cam kết tài trợ. Đến nay đã có 36 dự án được giải ngân với số vốn giải ngân đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng cam kết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: cà phê, cao su, giao thông, thủy điện…
Lễ trao cam kết tín dụng của ngành Ngân hàng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị, Đoàn công tác của NHNN do Thống đốc Lê Minh Hưng dẫn đầu có chuyến thăm, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn vay tại Công ty TNHH MTV Việt Đức, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk và hộ gia đình ông Ytrinh Knul, Dân tộc Ê Đê; cư trú tại BuônKao, xã EaKao, TP. Buôn Ma Thuột để lắng nghe những vướng mắc từ doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh những chính sách tín dụng đặc thù cho Tây Nguyên phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn, góp phần hỗ trợ DN tiếp tục phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân.
Thống đốc thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk
Mạnh Linh.
(Nguồn: http://www.sbv.gov.vn)