Sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.
Các TCTD đã kịp thời cơ cấu lại nợ, giãn hoặc hoãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN - cho biết: Khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, ngành ngân hàng đã sớm rà soát đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch. Tháng đầu tiên khoảng 300 ngàn tỷ đồng, tháng sau đã lên tới 890 ngàn tỷ đồng, và 2 tháng sau lên tới 1,8 -2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ.
Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Đồng thời, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% với số tiền 16.000 tỷ đồng, để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Đặc biệt, trước Thông tư 05, ngành ngân hàng cũng kịp thời ban hành Thông tư 01 triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Sau hơn 02 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, đến 8/6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Từ những kết quả trên, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: Dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng khoảng 2,3% tuy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhưng trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay đó là một sự nỗ lực rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN
Tiếp tục đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ
Khi được hỏi vì sao đã hơn 1 tháng triển khai nhưng gói tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng vẫn còn y nguyên mà chưa DN nào “chạm” đến được? Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dù tích cực được triển khai song đến nay chưa giải ngân được, việc này được ông Hùng giải thích: Điều kiện để phê duyệt DN đủ điều kiện vay vốn là có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 30/3. Thêm vào đó, DN phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019… Cũng do các điều kiện tiếp cận khoản vay này không dễ nên chưa ai đáp ứng được.
Theo ông Hùng, để tháo gỡ khó khăn này, vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với NHNN điều chỉnh tiêu chí để DN tiếp cận được. Hiện tiêu chí điều chỉnh này đã trình Chính phủ nhằm sớm hỗ trợ DN.
Liên quan vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng - khẳng định, ngành ngân hàng sẵn sàng dành ra 16.000 tỷ đồng và đã ban hành thông tư về tái cấp vốn với đầy đủ chức năng cho NHCSXH, còn những đối tượng nào được tiếp cận gói này, trách nhiệm của từng Bộ ngành và với vai trò đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… những cơ quan liên quan sẽ điều chỉnh, bổ sung quy định để gói tín dụng đến tay doanh nghiệp.
Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát… Đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với TCTD, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số… |
Minh Long - Mai Ca
Theo: congthuong.vn