“NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đây là những giải pháp tích cực rất kịp thời có ý nghĩa nhằm chung tay giảm thiểu tác động bất lợi của dịch bệnh cho nền kinh tế” đó là chia sẻ của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Sự đồng hành, giúp sức của ngành Ngân hàng trong giai đoạn khó khăn
sẽ khiến cho người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn
Giải pháp tích cực rất kịp thời
Tiếp theo văn bản số 541/NHNN-TD ngày 4/2/2020 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày 11/2/2020 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành tiếp văn bản số 727/NHNN – TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Đây là hành động thiết thực, kịp thời của NHNN trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch COVID-19, chung tay cùng với người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo nội dung của văn bản số 727/NHNN – TT, nhằm triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).
Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với Chương trình miễn, giảm phí của NAPAS, cụ thể:
Miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ: Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch); khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
TS.LS. Bùi Quang Tín cho rằng sự đồng hành, giúp sức của NHNN và các TCTD trong giai đoạn khó khăn sẽ khiến cho doanh nghiệp yên tâm hơn. Đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chắc chắn khi thị trường đầu ra/vào gặp khó khăn sẽ liên quan tới vướng mắc trong thanh toán nợ cho ngân hàng. Nếu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc được miễn, giảm lãi vay sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua được khó khăn hiện nay.
Nhanh chóng vào cuộc
Về phía các TCTD cũng nhanh chóng vào cuộc theo chỉ đạo của NHNN. Tổng Giám đốc Agribank ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh trên toàn hệ thống triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thể hiện tinh thần quyết liệt cùng ngành Ngân hàng và cộng đồng chung tay vượt qua khó khăn, kiên định cùng Chính phủ giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô.
Theo đó, Tổng Giám đốc Agribank chỉ đạo các chi nhánh tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch nCoV, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, có nhiều lao động người Trung Quốc, các doanh nghiệp đầu mối các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn, các vùng sản xuất hàng hóa lớn như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung…
Đồng thời, các Chi nhánh Agribank chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng đã triển khai giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối tượng áp dụng bao gồm: các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực như: Vận tải kho bãi; Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; Thực phẩm và đồ uống có cồn; Xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…); những ngành chịu tác động khác theo đánh giá cập nhật và thông báo của VCB.
VCB đưa ra các hàng loạt biện pháp hỗ trợ như: Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn; Giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu như sau: giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB. Thời gian triển khai: từ ngày 11/02/2020 đến hết 30/04/2020.
Ngoài ra, VCB hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi cho 7 cơ sở quân đội thuộc Quân khu I và Quân khu II được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người dân trở về từ vùng dịch nCoV. Vietcombank cam kết chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN vì mục tiêu chung ổn định tình hình chính trị xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài miễn phí giao dịch, một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay, có nơi hạ đến 1,5 điểm phần trăm cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5% mỗi năm cho khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV. Theo nhà băng này, số khách hàng của họ bị tác động đợt này có chiều hướng gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch thuộc các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang).
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản và các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc... sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5% mỗi năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1% một năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Ngân hàng An Bình (ABBank)cho biết, sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mức hỗ trợ sẽ do ngân hàng xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% mỗi năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3% một năm với cho vay trung dài hạn.
Chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-TTTD ngày 12/02/2020 về việc giảm trừ tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. triển khai giải pháp giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng. Giải pháp của CIC lần này ngoài việc giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tin tín dụng của CIC là tất cả các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian triển khai từ tháng 01/2020 đến hết tháng 04/2020.
NN
Nguồn: http://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi_intra/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV404316&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=1949546514296000#!%40%40%3F_afrLoop%3D1949546514296000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV404316%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Ds9fb9ljli_190