“Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do NHNN tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 16/4/2019. Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đồng chủ trì.
Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn HN
Quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng
Theo báo cáo của ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, thực hiện các Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014,2016,2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, tập trung triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển sản xuất – kinh doanh.
Các cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ và ngân hàng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chương trình, chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp;
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng đã luôn chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt đối với khách hàng có phương án kinh doanh hiệu quả, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN; giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp không ngừng được cải tiến theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng cho doanh nghiệp đạt 4.009.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tín dụng cho DNNVV đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15.57% , chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 03/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt khoảng 3.181.158 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.919.546 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018, trong đó: (i) dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 144.608 tỷ đồng; (ii) dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng; (iii) dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng; (iv) dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng.
Các kết quả trên đã cho thấy những cố gắng của ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế Thủ đô cũng như hiệu quả của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị
TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho biết, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 256 nghìn doanh nghiệp. Số lượng DNNVV chiếm trên 97,2% số doanh nghiệp trên địa bàn, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Với vai trò là thành viên trong Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của thành phố, Hiệp hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố tổ chức nhiều hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, thị trường, thuế…. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng phối hợp với NHNN tổ chức gặp gỡ DNNVV tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực tín dụng trong quận, huyện của thành phố Hà Nội như Hoàng Mai, Mê Linh, Chương Mỹ…; đã kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm việc với các NHTM… Thông qua đó, đã có một số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm giảm bớt khó khăn về vốn, từ đó thúc đẩy sản xuất – kinh doanh.
Theo bà Lê Thị Mai – Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động thu gom, sản xuất và kinh doanh xuất khẩu của công ty. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện thành công các chiến lược kinh doanh cũng như quyết định sự phát triển của doanh nghiệp trong suốt 10 năm qua. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chủ lực của công ty đến từ Agribank chi nhánh Gia Lâm. Việc được đáp ứng nguồn tín dụng đầy đủ, kịp thời, với mức lãi suất hợp lý từ ngân hàng đã tạo điều kiện cho Công ty Tuấn Minh có được tiềm lực tài chính để kinh doanh, từ đó xây dựng được uy tín với các bạn hàng trong và ngoài nước.
Đại diện BIDV cho biết, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, BIDV luôn ưu tiên triển khai các chương trình tín dụng lãi suất để hỗ trợ vốn sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng với quy mô hỗ trợ hàng năm lên đến gần 200.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng DNNVV quy mô hỗ trợ khoảng 80.000 tỷ đồng. Năm 2018, các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ cho vay cho 8500 khách hàng doanh nghiệp với doanh số giải ngân đạt khoảng 265.000 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 115.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% so với tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp tại BIDV…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo thành phố đối với nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp – tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND trong việc triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt kết quả cao nhất trong thời gian vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đánh giá Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thực sự đã trở thành diễn đàn thường xuyên để ngành Ngân hàng có cơ hội lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, cùng đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp
Đánh giá cao ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng như những ý kiến đóng góp của đại diện một số Hiệp hội và doanh nghiệp tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội đâu đó vẫn chưa dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ tài chính ngân hàng; vẫn còn mong muốn ngành Ngân hàng tạo điều kiện hơn nữa trong tiếp cận tín dụng.
Phó Thống đốc đề nghị, thời gian tới, các Vụ, Cục thuộc NHNN cùng với ngành Ngân hàng Thủ đô cần tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19/NQ-CP (2014, 2016, 2018) và Nghị Quyết 02/NQ-CP (ngày 01/01/2019) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019 và các giải pháp cụ thể sau:
Đối với các đơn vị, Vu, Cục thuộc NHNN: (i) Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp; Hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; (ii) Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; (iii) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ phát triển DNNVV; (iv) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD; Duy trì và nâng cao chỉ số hoạt động thông tin tín dụng cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội: (i) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của NHNN trên địa bàn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; triển khai đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trong các ngành/lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu,…; (ii) Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND thành phố Hà Nội và NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; (iii) Tăng cường phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV để triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn của Chính phủ. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng; phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV; (iv) Phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, Quyết định 1058/QĐ-TTg, Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Hội sở chính của TCTD cần đưa nội dung Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vào kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội sở và chi nhánh TCTD để nâng cao hiệu quả chương trình; Đồng thời triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Tăng cường phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại địa phương để cho vay các DNNVV.
Bên cạnh đó, các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay trong khuôn khổ của chương trình nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng.
Mặt khác, thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí được phép theo quy định của pháp luật; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, hạn chế tín dụng đen; Tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn theo quy định.
Triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành, UBND thành phố, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố
Theo Phó Thống đốc, để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng có thể đẩy mạnh tăng cường cung ứng nguồn vốn tín dụng phục vụ hiệu quả cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành, UBND thành phố, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Về phía các Bộ, ngành: Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; Triển khai đồng bộ các chính sách (thuế, phí, đất đai, đào tạo, tư vấn,…) hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các ngành/lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ,…
Đối với UBND thành phố Hà Nội: Chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14; Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chương trình, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng; Chủ động triển khai có hiệu quả Luật hỗ trợ DNNNV và các văn bản hướng dẫn Luật; cấp đủ vốn điều lệ và chỉ đạo hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy trình nghiệp vụ của Quỹ bảo lãnh cho DNNVV Hà Nội để thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Các Hiệp hội DNNVV, Hiệp hội ngành nghề tích cực thông tin đến các doanh nghiệp thành viên về các chính sách của nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận với các TCTD.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trên địa bàn cần tự nâng cấp, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các TCTD; Chủ động, tích cực tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của sản phẩm, tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.
Theo sbv.gov.vn