Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của CTMTQG xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt đối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, nhiều địa phương sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã chuyển sang giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn vốn tín dụng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Trong thành công của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Trong những năm qua, triển khai các chủ trương của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG xây dựng NTM, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực tam nông, như: Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (hiện nay tối đa là 6,5%/năm); thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; chỉ đạo các TCTD từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân…
Ngoài ra, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Hiện nay, đã có 66 TCTD và gần 1.200 QTDND, nhiều công ty tài chính vi mô, các quỹ và chương trình, dự án tài chính vi mô tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, đến 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trong 17 tỉnh, thành phố đạt 437.600 tỷ đồng, là khu vực có dư nợ cho vay thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cao nhất cả nước, chiếm tỷ trọng 38,14% với khoảng 3.230.121 khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng tăng sự gắn kết giữa hội đoàn thể với người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều hạn chế; khả năng tiếp cận vốn tín dụng thương mại tại khu vực nông thôn còn gặp khó khăn...
NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong mở rộng tín dụng. Theo đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân, đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng vùng, miền; Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Ngành Ngân hàng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; áp dụng mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình MTQG xây dựng NTM...
Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trong toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016-2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.
Đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG cho rằng, chúng ta đã đạt được các mục tiêu của Chương trình sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2019, nhằm dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mỗi vùng có những điều kiện khác nhau, thậm chí mỗi tỉnh, thành có điều kiện xuất phát điểm khác nhau. Nếu như các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi nhất cả nước, thì các tỉnh vùng Bắc Trung bộ (nhất là các địa phương vùng núi, bãi ngang ven biển ở tất cả các tỉnh; các xã, thôn/bản ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An), gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng NTM và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt.
Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong xây dựng NTM, góp phần vào kết quả chung của cả nước.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM 2010-2020, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết tháng 7/2019, hai vùng đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước.
Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ đồng đều trong xây dựng NTM khi 90% số xã đạt từ 16-19 tiêu chí. Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện NTM của các nước. Thu nhập ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng là 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần. Đã có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
Nhiều sáng kiến trong sinh kế đã được thực hiện như chính sách bảo tồn cho người dân vùng đệm ở Tiên Yên (Quảng Ninh), việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Trị, chính sách hỗ trợ nuôi tôm ở Phá Tam Giang, du lịch nông thôn, xử lý nước thải - chất thải, mã vùng nông nghiệp...
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố trong khu vực đã chia sẻ nhiều giải pháp hay trong triển khai chương trình. Ông Nguyễn Thế Huy - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là một thôn thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trình độ dân trí thấp thua so với mặt bằng chung; cơ sở hạ tầng yếu kém…
Có thể nói xuất phát điểm để thôn Xuân Lập xây dựng NTM gần như là con số 0. Ban cán sự thôn đã lấy phương châm “mưa dầm thấm lâu” trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như xác định vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện các tiêu chí về thôn/bản NTM. Cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện trước.
Đối với các phần việc cụ thể, luôn tuân thủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Trong 10 năm xây dựng NTM, thôn đã huy động được trên 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Diện mạo thôn Xuân Lập không ngừng được cải thiện; đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao…
Ông Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ: Song song với việc xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, Hà Tĩnh xác định rõ xã được công nhận đạt chuẩn NTM chỉ là bước đầu và mục đích không phải để được công nhận đạt chuẩn mà quan trọng là phải luôn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để “mỗi làng quê là một nơi đáng sống”...
NN