Phát biểu tại lễ Tiếp nhận hỗ trợ mua vắc-xin phòng COVID-19 của ngành ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết dưới sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã khống chế, kiểm soát thành công 3 đợt dịch và từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4. Bộ trưởng nhấn mạnh lại quan điểm chỉ đạo thống nhất chung của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 là làm sao tiếp cận vắc-xin COVID-19 sớm nhất, đảm bảo cung cấp cho người dân một cách rộng rãi nhất.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Thành Long, vừa qua, Bộ Y tế đã nỗ lực cố gắng đàm phán với các đơn vị, công ty cung ứng vắc-xin. Đến nay, tổng số liều vắc-xin COVID-19 có được thông qua đàm phán là hơn 100 triệu liều bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Tuy nhiên, so với yêu cầu có đủ 150 triệu liều để tiêm cho 75% dân số, số lượng này vẫn thiếu. Có đủ nguồn vắc-xin tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng, NHNN Việt Nam, và các NHTM, tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ vào Quỹ mua vắc xin COVID-19 để làm sao người dân được tiêm chủng vắc xin, góp phần đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. “Sự hỗ trợ quý báu của ngành ngân hàng nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, đồng thời mong muốn NHNN cùng các đơn vị tiếp tục đồng hành với ngành y tế và cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bộ trưởng khẳng định nguồn hỗ trợ của các đơn vị rất quan trọng để tiếp cận mua sắm vắc-xin, để mọi người dân được tiêm vắc-xin, bởi chỉ có vắc-xin mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội toàn cầu. Tại Việt Nam, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, trong đó Bộ Y tế với vai trò thường trực đã có những đóng góp rất quan trọng, giúp nước ta thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là điểm sáng.
Bày tỏ sự cảm ơn tới ngành Y tế, các cán bộ y tế trên cả nước đã nỗ lực cống hiến cả thời gian, công sức, tình cảm vì công cuộc phòng chống đại dịch nói chung, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao vai trò quan trọng của Bộ Y tế trong thành quả phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Còn từ góc độ của ngành Ngân hàng, để chung tay phòng dịch COVID-19 đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, từ đầu năm 2020, ngành Ngân hàng vào cuộc sớm, đánh giá phân tích dự báo đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân như đưa ra các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, và thực hiện nhiều giải pháp chính sách theo chủ trương chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay kết quả đạt được con số rất đáng ghi nhận từ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh thực hiện các giải pháp như vậy ngành Ngân hàng cũng gắn kết với các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục rà soát các chính sách để chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn những nỗ lực và đóng góp quan trọng của Bộ Y tế trong thành quả phòng chống dịch
Theo Thống đốc, tùy theo tình hình tài chính của từng ngành doanh nghiệp, toàn hệ thống doanh nghiệp, hết sức trách nhiệm và ủng hộ chủ trương của NHNN trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân. Đặc biệt, hoạt động an sinh xã hội cũng được toàn ngành Ngân hàng rất quan tâm. Đó là hoạt động truyền thống của hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo cũng như các thế hệ cán bộ công chức của NHNN, TCTD qua các thời kỳ đều rất quan tâm.
Trong nhiệm kỳ vừa qua con số về tài trợ an sinh xã hội rất đáng kể. Mỗi năm ngành Ngân hàng dành trên 1.000 tỷ đồng triển khai các chương trình an sinh xã hội trên toàn quốc. Từ năm 2020 đến nay, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng đã dành khoảng 500 tỷ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2021 là khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19, mua sinh phẩm chẩn đoán COVID-19, mua vắc-xin...
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, NHNN đã vận động các ngân hàng thể hiện quyết tâm chung tay thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị, của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin. Ngày hôm nay (21/5/2021), 4 NHTM là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng để mua vắc-xin. “Tuy số tiền ủng hộ của ngành Ngân hàng cũng chưa phải là nhiều, chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với chương trình mua và sử dụng vắc-xin nhưng đây là tấm lòng và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của các ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Đồng thời, Thống đốc NHNN bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức cá nhân,tập đoàn mạnh thường quân làm sao hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị cũng như chương trình chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin vì đất nước vì nhân dân tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Về phía ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng bằng các giải pháp, cơ chế chính sách cùng với Bộ Y tế, các bộ ngành khác thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ giao tiếp tục thực hiện thành công kiểm soát dịch COVID-19 và hỗ trợ nền kinh tế.
VA