“Năm 2020 gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19. Ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế…” đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng ngày 26/12/2020.
Toàn cảnh hội nghị
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Trên cơ sở đó, NHNN đã ban hành một loạt các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, văn bản quan trọng, mang tính đột phá là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng; Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 yêu cầu các TCTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; Thông tư 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 và Thông tư sửa đổi, bổ sung số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg , tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, thời hạn NHNN giải ngân tái cấp vốn đến hết ngày 31/01/2021; Thông tư số 08/2020-TT-NHNN ngày 14/8/2020, trong đó lùi 01 năm lộ trình áp dụng đối với tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho TCTD có thêm nguồn vốn cho vay trung-dài hạn.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động thành lập các Đoàn công tác địa phương do Lãnh đạo NHNN làm trưởng đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19, lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách của NHNN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN .
Chỉ đạo các TCTD miễn phí đối với các giao dịch trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và miễn phí cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tra cứu thông tin tín dụng cho các đối tượng trên; thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục hệ thống công nghệ thông tin trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), CIC 02 lần và các TCTD 03 lần liên tiếp miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán, thông tin tín dụng. Chỉ đạo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) miễn phí cho các TCTD và khách hàng vay đối với các giao dịch tại Cổng thông tin kết nối Khách hàng vay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tất cả các TCTD (kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài) đều vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 167.797 khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới đối với 2.001.835 khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho biết, hệ thống Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai tại Miền Trung, Tây Nguyên theo đúng chỉ đạo của NHNN với 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 8 lần giảm phí dịch vụ; Triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-2,5% so với trước khi có dịch bệnh; cơ cấu thời hạn trả nợ cho 15.023 khách hàng, tổng số 38.605 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 1.460 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi 6.508 tỷ đồng. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lũ lụt tại Miền Trung với dư nợ 6.284 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribnak Phạm Đức Ấn phát biểu tại hội nghị
Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHTMCP Bưu điện Liên Việt Huỳnh Ngọc Huy cho biết, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch covid, Ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn: Gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng, đồng hành với các khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm. Chương trình ưu đãi lãi vay với mức lãi suất giảm từ 0.5% - 1.5% giúp khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau nhiều lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 ước tính khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng, số thu phí thông tin tín dụng giảm khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng và lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ các chính sách ứng phó với tác động của dịch và phục hồi kinh tế sau dịch; đồng thời là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đối với việc phòng, chống dịch covid -19, phục hồi kinh tế sau dịch của Việt Nam; vận động toàn hệ thống ngân hàng dành một phần kinh phí hỗ trợ, ủng hộ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống và ứng phó với tác động của dịch.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt Miền Trung - Tây Nguyên: Trước tình hình mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên gây lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố bị bão lũ thống kê, rà soát thiệt hại, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng đã tổ chức Hội nghị giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; tại Hội nghị Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng quán triệt tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão, lũ, đặc biệt là các khách hàng gặp khó khăn kép do dịch Covid-19 và thiên tai; các TCTD cần tập trung chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, đảm bảo công tác hỗ trợ được thực hiện quyết liệt, thực chất và hiệu quả; tập trung hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất cho vay các lĩnh vực, ngành nghề tại các khu vực bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, các TCTD đang hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại qua các giải pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4.712 khách hàng với dư nợ 262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 30.439 khách hàng với dư nợ 31.958 tỷ đồng; cho vay mới 40.077 khách hàng với số tiền cho vay mới 8.375 tỷ đồng.
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn tại ĐBSCL cuối 2019 – đầu 2020: Trước tình hình đợt hạn mặn tại ĐBSCL kéo dài gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn tại ĐBSCL. Kết quả, các TCTD đã: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.833 khách hàng với dư nợ trên 2.083 tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi vay cho 627 khách hàng với số tiền gần 1,9 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với 924 khách hàng với doanh số cho vay đạt trên 740 tỷ đồng; (iv) Riêng NHCSXH đã và đang thực hiện khoanh nợ cho 278 khách hàng với dư nợ trên 4,1 tỷ.
NN
Theo sbv.gov.vn