Chiều ngày 11/10/2022, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cùng đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và một số lãnh đạo Bộ, ngành liên quan khác…
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ngành Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số đã trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Điều này đã thể hiện rất rõ tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đánh giá ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, tại Nghị quyết 52 đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực. Có thể kể đến như ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của Ngành; đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.
“Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn
Dẫn chứng cụ thể, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.
Chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm
Mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan nhưng theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi đến từ khắp nơi trên thế giới, từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại ngân hàng mình, ông Nguyễn Hưng- Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, việc thay đổi tư duy con người chính là chìa khoá của chuyển đổi số thành công và việc này không phải chỉ xuất phát từ ý chí lãnh đạo mà phải xuất phát từ từng cá nhân. Ngoài ra, ngân hàng cần có đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách đến từng Khối Nghiệp vụ, triển khai theo Chiến lược tổng thể, đồng bộ toàn ngân hàng.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác - Tổng Giám đốc VinCSS cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, các nhà băng cũng cần nâng cao các công nghệ bảo mật, an toàn để bảo vệ thành quả của công cuộc số hoá.
Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN kiến nghị cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... để hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), qua đó tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Đồng thời, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các Bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và tăng cường lòng tin đối với giao dịch điện tử.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn cấp cao “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc CMCN lần thứ tư” có một Phiên Diễn đàn cấp cao và 4 Phiên Hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng; Xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số; Xu thế và giải pháp công nghệ mới trong phát triển dịch vụ ngân hàng số; Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Smart Banking 2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Cục Công nghệ thông tin thuộc NHNN tổ chức Diễn tập chủ động phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense sẽ là sự kiện thường niên lớn nhất về phòng chống tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam.
Diễn tập chủ động phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense 2022 hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng phối hợp, trau dồi kỹ năng, giảm thiểu thời gian xử lý và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công được trang bị kỹ thuật, chiến thuật mới; nâng cao năng lực về an toàn, an ninh mạng của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong các tổ chức tài chính, ngân hàng. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc các ngân hàng và tổ chức tài chính phải chủ động trong việc xử lý, bảo vệ dữ liệu và quản lý rủi ro an ninh, an toàn thông tin để "bứt tốc" và nâng cao sức cạnh tranh trong cuộc đua chuyển đổi số.
Theo sbv.gov.vn