Trong bối cảnh đột phá công nghệ số, số lượng thông tin có thể mã hóa và các công cụ có sẵn để xử lý thông tin đã tăng đáng kể. Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) là những người chơi mới trên thị trường lại có thế mạnh trong xử lý dữ liệu lớn và các công ty này cũng có tham vọng cung cấp các dịch vụ tài chính vốn là dịch vụ truyền thống và thế mạnh của ngân hàng.
Bài viết phân tích những tác nhân dẫn đến bối cảnh đột phá công nghệ số trong ngành Ngân hàng, đặc điểm của những người chơi mới và những kịch bản về sự thay đổi của ngân hàng trong tương lai; đồng thời, đưa ra một số thay đổi của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh đột phá công nghệ hiện nay.
1. Bối cảnh đột phá công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Đột phá công nghệ số (Digital disruption) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được thúc đẩy bởi các yếu tố ở cả bên cung (chủ yếu là sự phát triển của công nghệ) và bên cầu (là sự thay đổi trong kỳ vọng về dịch vụ của khách hàng (OECD, 2020).
Các yếu tố ở bên cung bao gồm giao diện lập trình ứng dụng trên Internet (Application Programming Interface - API), điện toán đám mây (Cloud Computing), điện thoại thông minh (Smart Phone), tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Các API cho phép cải tiến dịch vụ, đặc biệt là thanh toán nhanh hơn và đã cung cấp hỗ trợ để phân nhóm các dịch vụ dễ dàng hơn. Chúng đã trở thành tiêu chuẩn để chia sẻ dữ liệu trong các ứng dụng ngân hàng mở (Open Banking), cho phép bên thứ ba truy cập vào dữ liệu ngân hàng của người tiêu dùng (với sự đồng ý của người tiêu dùng) và đang trở thành một công cụ cơ bản của công nghệ số. Nó được thiết lập để hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn và cải thiện trải nghiệm tài chính cho khách hàng. Ngân hàng mở được xem là một trong các xu hướng Fintech sẽ làm thay đổi hoạt động của hệ thống ngân hàng và là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất trong hệ sinh thái ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Nhờ có ngân hàng mở, khách hàng không chỉ sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ nhiều ứng dụng khác nhau ngoài ứng dụng ngân hàng số, mà còn có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của mình từ các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng hiện tại. Bên cạnh đó, người chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc người có thu nhập thấp cũng nhận được nhiều lợi ích hơn, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của họ bằng dữ liệu tài chính thay thế. Về phía ngân hàng, ngân hàng mở giúp ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác.
Điện toán đám mây đề cập đến hoạt động sử dụng mạng các máy chủ từ xa, thường được truy cập qua Internet, để cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Nó có ưu điểm là có tính linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ và hiệu quả về chi phí. Nó đã được sử dụng để quản lý quan hệ khách hàng, nguồn nhân lực, kế toán tài chính và đang được thử nghiệm để sử dụng trong thanh toán tiêu dùng, chấm điểm tín dụng, sao kê và lập hóa đơn. Cả API và điện toán đám mây nếu không được quản lý an toàn hoặc giám sát thích hợp có thể làm phát sinh những rủi ro mới, gây nguy hiểm cho sự ổn định của cấu trúc thị trường. EU, Vương quốc Anh, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông, Trung Quốc đã và đang phát triển các khuôn khổ cho việc áp dụng API.
Bên cạnh đó, thiết bị di động đã trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng, làm gia tăng sự sẵn có của các dịch vụ tài chính và trở thành nền tảng cho các nhà phát triển dịch vụ. Họ cung cấp cho khách hàng nhiều chức năng bao gồm thanh toán (thông qua ví kỹ thuật số), chuyển tiền và mua sắm trực tuyến. Ví kỹ thuật số là một trong những thị trường công nghệ phát triển nhanh nhất. Sự tích hợp của chúng rất tiên tiến ở châu Á, nơi các ứng dụng thanh toán hiện đang phục vụ một tỷ người dùng và là một phần của gói gồm thương mại điện tử, trò chuyện, giao hàng, đặt đồ ăn và gọi xe. Thanh toán dựa trên thiết bị di động có tác dụng đáng kể trong các khu vực có tỷ lệ dân số sở hữu tài khoản tiền gửi thanh toán thấp. Điều này thường xảy ra ở các nước châu Phi, nơi chỉ 1/4 dân số có tài khoản ngân hàng nhưng lại có nhiều người có điện thoại di động (The Economist, 2015). Việc cung cấp phương thức thanh toán mới cũng như các khoản vay tới những người tiêu dùng có lịch sử tín dụng ngắn thường được thử nghiệm tại các khu vực địa lý có đặc điểm giống như các nước châu Phi thể hiện bước nhảy vọt về công nghệ đã đem lại tiện ích cho những người không có tài khoản ngân hàng nhưng có thể tiếp cận đến các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động của họ.
Các hệ thống thanh toán và ngân hàng truyền thống cũng có thể bị tác động đáng kể bởi các loại tiền kỹ thuật số. Tiền mặt ngày càng được sử dụng ít hơn. Nhiều ví dụ về sự xuất hiện của các loại tiền tệ kỹ thuật số như Alipay và WeChat Pay ở Trung Quốc, M-Pesa ở Kenya, Libra được tài trợ bởi Facebook, tiền điện tử... Mặc dù không có sự đồng thuận về định nghĩa của tiền kỹ thuật số nhưng về cơ bản nó giống như tiền ngân hàng, song, về nguyên tắc thì chúng không có sự bảo lãnh của chính phủ. Các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin có những nhược điểm cố hữu (ví dụ như thời gian và chi phí giao dịch, sự không chắc chắn về quy định dẫn tới chúng có thể được sử dụng cho hoạt động tội phạm và rửa tiền) khiến chúng trở thành một khoản đầu cơ thay vì một kho lưu trữ giá trị và/hoặc phương tiện để giao dịch.
Blockchain là công nghệ đứng đằng sau để xây dựng nên Bitcoin. Bên cạnh tiền điện tử, Blockchain đã và đang được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là tài chính. Các hoạt động bên trong mạng Blockchain được chia sẻ cho tất cả các bên, do đó loại bỏ sự tham gia của người trung gian hoặc bên thứ ba. Tính năng này đặc biệt hữu ích vì nó giúp người tham gia tránh khỏi các xung đột trong các tiến trình cũng như tiết kiệm thời gian. Mặc dù Blockchain còn có những vấn đề riêng chưa được giải quyết, tuy nhiên, công nghệ này đã cung cấp các tùy chọn nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn so với các hệ thống truyền thống. Hợp đồng thông minh có thể được coi là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất của công nghệ Blockchain. Hợp đồng thông minh được thiết kế để hoạt động dựa trên các mã lệnh điều kiện (if, this, then, that), sẽ tự động thực hiện giao dịch chỉ khi số tiền cũng như các quy tắc đi kèm được thỏa mãn. Tiền giao dịch và quyền sở hữu sẽ được lưu trữ trên hệ thống phân tán được chứng kiến cũng như xác thực bởi tất cả các bên tham gia trong mạng, do vậy, không có cơ hội cho việc gian lận. Hơn nữa cũng không cần đến bên thứ ba trung gian bởi tất cả các chức năng trước kia được thực hiện bởi đại lý bất động sản bây giờ có thể được mã hóa dưới những dòng Code trong hợp đồng thông minh nên tiết kiệm chi phí cho cả người mua và người bán.
Yếu tố bên cầu liên quan đến kỳ vọng dịch vụ lớn hơn của công dân thời đại số hóa
Kỳ vọng của khách hàng cao hơn là kết quả của việc số hóa thương mại và khả năng giao dịch theo thời gian thực của các thiết bị được kết nối Internet mang lại các dịch vụ tài chính với tiện lợi hơn, tốc độ cao hơn và thân thiện hơn với người dùng được cung cấp bởi Uber, Amazon... Các công ty Fintech đã tận dụng các nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng trong việc thanh toán và chuyển tiền (chẳng hạn như chuyển tiền quốc tế), tín dụng và tư vấn đầu tư. Yếu tố nhân khẩu học và sự suy giảm danh tiếng của những trung gian tài chính hiện tại cũng đóng một vai trò nhất định vì thế hệ trẻ có xu hướng sử dụng các sản phẩm Fintech từ các ngân hàng kỹ thuật số hơn. Thêm nữa, một số người tiêu dùng có thể nhận thức được tín dụng Fintech và đặc biệt là cho vay ngang hàng (P2P) mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong xã hội hơn cũng như mang lại giá trị xã hội lớn hơn so với sản phẩm do ngân hàng thông thường cung ứng (Ernst & Young, 2017; IMF, 2017; FSB, 2019). Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi nhu cầu về các dịch vụ tài chính và khiến lĩnh vực này hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm.
Các công nghệ trên được nắm giữ và khai thác bởi những người chơi mới trên thị trường tài chính, đó là các công ty Fintech và các công ty công nghệ lớn (Big Tech)
Thông qua các công nghệ nói trên, các công ty Fintech cung cấp nhiều tiện ích hơn cho người dùng, từ đó gia tăng hiệu quả theo một số cách.
Thứ nhất, nó có thể sàng lọc hiệu quả hơn các đề xuất vay vốn thông qua các mô hình thống kê dựa trên dữ liệu lớn, từ đó, khắc phục tình trạng bất cân xứng thông tin vốn là gốc rễ trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Quan trọng hơn là thông tin có thể thay thế cho tài sản thế chấp nên các công ty Fintech có thể cung cấp các khoản vay cho các công ty và hộ gia đình mà không cần yêu cầu về tài sản đảm bảo (thường là bất động sản). Hơn nữa, các khoản vay cũng có thể được phê duyệt ngay lập tức mà không ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn vay.
Thứ hai, sử dụng công nghệ ở cả bên cung và cầu về dịch vụ giúp làm giảm nhu cầu về nhân sự (ví dụ như nhân viên cho vay và giao dịch viên).
Thứ ba, giá cả của các dịch vụ được xác định căn cứ theo mức độ rủi ro của người dùng. Điển hình là các tổ chức Fintech sử dụng các mô hình thiết lập lãi suất cho các khoản vay mua nhà thế chấp có hiệu quả vượt trội so với các mô hình được sử dụng bởi các tổ chức tín dụng truyền thống.
Thứ tư, các công ty Fintech có thể thúc đẩy phổ cập tài chính bằng cách mở rộng cánh cửa đối với các dịch vụ tài chính cho các nước kém phát triển cũng như các bộ phận dân cư và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) hiện chưa tiếp cận được tới các dịch vụ của ngân hàng truyền thống. Cuối cùng, các công ty Fintech với quy mô gọn nhẹ, năng động cho phép họ có năng lực đổi mới cao hơn so với các đơn vị truyền thống.
Bên cạnh các công ty Fintech là các công ty Big Tech như Alibaba, Amazon, Google và Tencent với ba ưu thế rõ rệt gồm quy mô rộng lớn, cơ sở khách hàng phong phú và quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu cũng đang dần tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng. Sự tham gia của các công ty Big Tech vào lĩnh vực tài chính bắt đầu từ các khoản thanh toán và hiện họ có thị phần đáng kể ở một số quốc gia. Họ sớm mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như cung cấp tín dụng (đặc biệt là tài chính tiêu dùng và các khoản cho vay vi mô có kỳ hạn ngắn hơn), ngân hàng, huy động vốn cộng đồng, quản lý tài sản và bảo hiểm. Về mặt địa lý, sự mở rộng của các Big Tech sang các dịch vụ tài chính đã rõ ràng hơn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi so với các nền kinh tế phát triển. Một lý do là mức độ thấp của tài chính toàn diện (Financial inclusion) ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ được cung cấp bởi các công ty Big Tech, đặc biệt là đối với dân số không tiếp cận được tới các dịch vụ của ngân hàng truyền thống (FSB 2020). Cách thức các công ty Big Tech tham gia vào thị trường tài chính khá đa dạng. Họ trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính để cạnh tranh với các tổ chức tài chính truyền thống hoặc trong các quan hệ đối tác sử dụng các sản phẩm và cơ sở hạ tầng hiện có và cũng có thể tham gia bằng cách giữ cổ phần thiểu số trong các tổ chức tài chính. Dịch vụ tài chính vẫn đóng một vai trò nhỏ trong mô hình kinh doanh của các công ty này, nhưng điều này có thể thay đổi nhanh chóng vì bốn lý do.
Thứ nhất, hiệu ứng mạng. Khi một Big Tech đã thu hút đủ số lượng người dùng, hiệu ứng mạng sẽ phát huy tác dụng, thúc đẩy sự phát triển của nó và tăng lợi nhuận theo quy mô. Mỗi người dùng tăng thêm sẽ tạo ra giá trị cho tất cả những người còn lại. Nền tảng càng có nhiều người dùng thì càng tạo ra nhiều dữ liệu. Do đó, nhiều dữ liệu hơn sẽ cung cấp cơ sở tốt hơn cho phân tích dữ liệu, giúp nâng cao các dịch vụ hiện có và do đó thu hút nhiều người dùng hơn (BIS, 2019).
Thứ hai, vai trò người gác cổng (Gatekeeping). Hiệu ứng mạng đáng kể có thể cho phép các Big Tech trở thành người gác cổng cho một số loại dịch vụ nhất định. Điều này có thể bao gồm quyền kiểm soát ai có thể tham gia thị trường, ai nhận loại dữ liệu nào và thị trường hoạt động như thế nào. Điều này cho phép họ tận dụng vị trí thống lĩnh của mình trong một thị trường nhất định để tạo ảnh hưởng đến hoạt động của nó.
Thứ ba, vấn đề thu hút người dùng. Với cơ sở người dùng lớn và cố định được xây dựng thông qua mạng lưới khách hàng rộng khắp và cùng với chi phí thu hút khách hàng qua Internet thấp, các công ty Big Tech có thể mở rộng quy mô nhanh chóng trong các phân khúc thị trường bên ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ.
Thứ tư, đầu tư công nghệ. Các công ty Big Tech dành nguồn lực đáng kể để phát triển và có được các công nghệ hiện đại, đặc biệt là khả năng phân tích dữ liệu. Sau tất cả, việc truy cập vào một lượng lớn dữ liệu chỉ tạo ra giá trị nếu đi kèm với khả năng phân tích phù hợp.
2. Các kịch bản về ngân hàng trong bối cảnh đột phá công nghệ số
Đột phá công nghệ số với sự ra đời của các công nghệ mới và người chơi mới dẫn đến “cuộc chiến” tranh giành khách hàng và dữ liệu về khách hàng. Kết quả của nó sẽ quyết định vai trò của các ngân hàng trong tương lai. Ngân hàng Thanh toán quốc tế - BIS (2018) đã tổng hợp các kịch bản khác nhau về ngân hàng trên cơ sở quan hệ tương tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng đương nhiệm¹. Có thể chia thành ba kịch bản chính:
Thứ nhất, kịch bản ngân hàng phân tán (Distributed Bank) và ngân hàng xuống hạng (Relegated Bank). Hai loại hình ngân hàng này có thể được xem như các cơ hội hợp tác win-win giữa công ty Fintech và ngân hàng.
Ngân hàng phân tán: Sự phân chia của các dịch vụ tài chính giữa các công ty Fintech và các ngân hàng. Trong kịch bản ngân hàng phân tán, các dịch vụ tài chính ngày càng trở nên đa dạng hóa, nhưng ngân hàng có thể tạo ra đủ thị trường ngách để tồn tại. Các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các ngân hàng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác, cho dù là Fintech hay Big Tech, tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính này đều có thể vận hành và cung cấp dịch vụ trên các giao diện kỹ thuật số. Một số lượng lớn các tổ chức mới xuất hiện đang nỗ lực cung cấp các dịch vụ chuyên biệt thay vì cố gắng trở thành các ngân hàng bán lẻ toàn cầu hoặc tích hợp. Họ có thể chọn không cạnh tranh nhằm giành quyền sở hữu toàn bộ quan hệ khách hàng. Các ngân hàng và những người chơi khác cạnh tranh để sở hữu mối quan hệ khách hàng cũng như cung cấp các dịch vụ ngân hàng cốt lõi. Trong kịch bản ngân hàng phân tán, các ngân hàng và công ty Fintech hoạt động dưới dạng liên doanh, đối tác hoặc các cấu trúc khác mà việc cung cấp dịch vụ được chia sẻ giữa các bên. Vì vậy, để giữ chân nhóm khách hàng với kỳ vọng về tính minh bạch và chất lượng dịch vụ tăng lên thì các ngân hàng cũng có xu hướng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp bên thứ ba nhiều hơn. Người tiêu dùng có thể sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính thay vì chỉ giao dịch với một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính duy nhất. Một số bằng chứng điển hình cho sự tồn tại của kịch bản này như: (i) Các nền tảng cho vay hợp tác và chia sẻ với các ngân hàng về các sản phẩm bán hàng và tín dụng, quy trình phê duyệt, cấp vốn và quản lý tuân thủ. Các nền tảng cho vay cũng có thể có được giấy phép, cho phép họ kinh doanh mà không cần hợp tác với các ngân hàng; (ii) Các dịch vụ thanh toán sáng tạo được cung cấp thông qua liên doanh giữa ngân hàng và công ty Fintech. Các hiệp hội được hỗ trợ bởi các ngân hàng hiện đang tìm cách thiết lập các giải pháp thanh toán di động cũng như kinh doanh dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT) để tăng cường quy trình chuyển tiền giữa các ngân hàng tham gia; (iii) Dịch vụ cố vấn Robot hoặc tư vấn đầu tư tự động được cung cấp bởi các công ty Fintech thông qua ngân hàng hoặc là một phần của liên doanh với ngân hàng.
Ngân hàng xuống hạng: Các ngân hàng truyền thống trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa và các mối quan hệ khách hàng thuộc sở hữu của những tổ chức mới. Trong kịch bản ngân hàng xuống hạng, các ngân hàng đương nhiệm trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa và nhường lại mối quan hệ khách hàng trực tiếp cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác như các công ty Fintech và Big Tech. Các công ty Fintech và Big Tech sử dụng các nền tảng khách hàng đầu cuối (Front-end) để cung cấp nhiều dịch vụ tài chính từ một nhóm nhà cung cấp đa dạng. Họ sử dụng các ngân hàng đương nhiệm đã được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng để cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản như cho vay, nhận tiền gửi và các hoạt động ngân hàng khác. Ngân hàng bị xuống hạng có thể phản ánh hoặc không phản ánh các rủi ro trên bảng cân đối kế toán liên quan đến các hoạt động này tùy thuộc vào mối quan hệ hợp đồng với công ty Fintech. Trong kịch bản ngân hàng xuống hạng, dữ liệu lớn (Big Data), Cloud Computing và trí tuệ nhân tạo (AI) được khai thác triệt để thông qua các cấu hình khác nhau bởi các nền tảng đầu cuối nhằm sử dụng sáng tạo và rộng rãi kết nối và dữ liệu để cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các nhà khai thác các nền tảng này có nhiều cơ hội hơn để cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng để giành quyền sở hữu mối quan hệ khách hàng. Ví dụ, nhiều chương trình tổng hợp dữ liệu cho phép khách hàng quản lý các tài khoản tài chính đa dạng trên một nền tảng duy nhất. Người dùng ngày càng cảm thấy thoải mái hơn với các chương trình tổng hợp là giao diện khách hàng. Các ngân hàng trong kịch bản này được coi là nhà cung cấp dịch vụ cho các nền tảng quản lý quan hệ khách hàng. Mặc dù kịch bản ngân hàng xuống hạng thoạt đầu có vẻ khó xảy ra, nhưng dưới đây là một số ví dụ về ngành dịch vụ tài chính được điều chỉnh, nơi các ngân hàng xuống hạng chỉ cung cấp các dịch vụ cụ thể cho tổ chức khác sở hữu mối quan hệ với khách hàng. Một vài biểu hiện của kịch bản này là: (i) Sự phát triển của các nền tảng thanh toán dẫn đến việc các ngân hàng cung cấp hoạt động hỗ trợ (Back office) trong các lĩnh vực như ngân quỹ và các chức năng tuân thủ, còn các công ty Fintech sẽ trực tiếp giao dịch với khách hàng và quản lý mối quan hệ liên quan tới sản phẩm. Tuy nhiên, ngân hàng được cấp phép vẫn cần xác thực khách hàng để truy cập tiền từ các tài khoản và thẻ thanh toán đã đăng ký; (ii) Các nền tảng cho vay trực tuyến trở thành kênh cung cấp dịch vụ tài chính công khai và có thể mở rộng phạm vi các dịch vụ được cung cấp để trở thành trung gian mới giữa khách hàng và ngân hàng. Các ngân hàng đương nhiệm sẽ chỉ tồn tại để cung cấp các cơ chế hoạt động và cấp vốn…
Thứ hai, kịch bản tích cực nhất gồm ngân hàng tốt hơn (Better Bank) và ngân hàng mới (New Bank). Kịch bản này nhấn mạnh sự nỗ lực đầu tư vào các giải pháp công nghệ của chính ngân hàng nhằm cạnh tranh với các công ty công nghệ.
Better Bank hướng vào hiện đại hóa và số hóa các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống. Trong trường hợp này, các ngân hàng tự thực hiện số hóa và hiện đại hóa để một mặt giữ được mối quan hệ khách hàng và các dịch vụ ngân hàng cốt lõi, mặt khác tận dụng các công nghệ mới để thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại của họ. Các ngân hàng truyền thống nhìn chung đang chịu áp lực phải cải thiện đồng thời hiệu quả chi phí và mối quan hệ với khách hàng. Tuy nhiên, do họ có hiểu biết về thị trường và năng lực đầu tư tốt hơn nên kết quả là các ngân hàng đương nhiệm có thể cung cấp dịch vụ và sản phẩm tốt hơn bằng cách áp dụng công nghệ mới hoặc cải tiến công nghệ hiện có. Các công nghệ hỗ trợ như Cloud Computing, Big Data, AI và DLT đang được áp dụng hoặc được tích cực coi là phương tiện để cải thiện và gia tăng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động hiện tại của ngân hàng. Các ngân hàng sử dụng các công nghệ mới để phát triển các ý tưởng và kế hoạch gia tăng giá trị mà cơ sở hạ tầng hiện tại của họ không thể được cung cấp một cách hiệu quả. Các công nghệ và quy trình tương tự được sử dụng bởi các công ty công nghệ phi ngân hàng cũng có thể được thực hiện bởi các ngân hàng truyền thống. Chẳng hạn: (i) Các công nghệ mới như sinh trắc học, Video, Chatbot hoặc AI có thể giúp các ngân hàng tạo ra năng lực vượt trội để duy trì và đem lại giá trị tăng thêm cho mối quan hệ với khách hàng sẵn có; đồng thời, đảm bảo các giao dịch và giảm thiểu rủi ro gian lận. Nhiều công nghệ mới giúp thiết lập các quy trình xác định khách hàng thuận tiện và an toàn; (ii) Các dịch vụ thanh toán sáng tạo cũng sẽ hỗ trợ tình hình ngân hàng tốt hơn. Hầu hết các ngân hàng đã phát triển các dịch vụ thanh toán di động có thương hiệu hoặc các dịch vụ thanh toán đòn bẩy do các bên thứ ba cung cấp tích hợp với các nền tảng đã được ngân hàng vận hành từ trước. Khách hàng có thể tin rằng, ngân hàng của họ có thể cung cấp dịch vụ thanh toán di động an toàn hơn so với các tổ chức công nghệ phi ngân hàng; (iii) Các ngân hàng cũng có thể cung cấp dịch vụ cố vấn Robot tự động một phần hoặc hoàn toàn, các công cụ quản lý tài sản kỹ thuật số và thậm chí cả các dịch vụ bổ sung cho khách hàng với mục đích duy trì vị thế cạnh tranh trong thị trường ngân hàng bán lẻ, giữ chân khách hàng và thu hút khách hàng mới; (iv) Ngân hàng tiến hành số hóa các quy trình cho vay để đáp ứng nhu cầu của người đi vay về tốc độ, sự thuận tiện và chi phí ra quyết định tín dụng. Số hóa yêu cầu các giao diện, công cụ xử lý hiệu quả hơn, tích hợp với các hệ thống kế thừa và hệ thống quản lý tài liệu, cũng như các công cụ ngăn ngừa gian lận và nhận dạng khách hàng tinh vi. Để làm được những điều này, ngân hàng có thể phát triển nền tảng cho vay của chính mình hoặc mua một nền tảng có sẵn, hoặc thuê bên thứ ba cung cấp dịch vụ.
New Bank thay thế ngân hàng truyền thống bằng những Challenger Bank (tạm dịch là ngân hàng thách thức). Trong tương lai, theo kịch bản ngân hàng mới, những người đương nhiệm không thể tồn tại trước làn sóng đột phá về công nghệ (Technology-enabled disruption) và được thay thế bởi các ngân hàng dựa trên công nghệ mới, chẳng hạn như Neo Bank, hoặc ngân hàng do các công ty Big Tech thành lập, với đầy đủ dịch vụ ngân hàng được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số. Các ngân hàng mới áp dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp các dịch vụ ngân hàng theo hướng đổi mới và hiệu quả hơn. Những người chơi mới có thể nhận được giấy phép ngân hàng theo các chế độ quy định hiện hành và sở hữu mối quan hệ khách hàng, hoặc họ có thể có các đối tác là các ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng mới tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực ngân hàng bằng các mô hình quan hệ số hóa và hiện đại hóa thay vì mô hình quan hệ khách hàng lấy chi nhánh làm trung tâm. Các ngân hàng mới không bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng kế thừa và có thể tận dụng công nghệ mới với chi phí thấp hơn, giao dịch nhanh hơn và ở định dạng hiện đại hơn. Các ví dụ điển hình cho mô hình ngân hàng mới trên thế giới như Ngân hàng Atom và Ngân hàng Monzo ở Vương quốc Anh, Bunq ở Hà Lan, WeBank ở Trung Quốc, Simple và Varo Money ở Hoa Kỳ, N26 ở Đức, Fidor ở cả Vương quốc Anh và Đức, Wanap ở Argentina.
Thứ ba, kịch bản ngân hàng phi trung gian hóa (Disintermediated Bank). Đây có thể xem là kịch bản xấu nhất cho ngành Ngân hàng. Ngân hàng gần như hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho các doanh nghiệp Fintech và cả Big Tech.
Các ngân hàng đương nhiệm không còn là trung gian tài chính quan trọng vì nhu cầu về một bên thứ ba đáng tin cậy đã bị loại bỏ. Trong kịch bản này, các ngân hàng bị thay thế bằng các nền tảng và công nghệ nhanh nhạy hơn trong các giao dịch với khách hàng, đảm bảo sự phù hợp trực tiếp với nhu cầu tài chính của người dùng cuối cùng (vay, thanh toán, huy động vốn...). Khách hàng có thể có tiếng nói trực tiếp hơn trong việc lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp. Tuy nhiên, họ cũng có thể chịu trách nhiệm trực tiếp hơn trong các giao dịch, nguy cơ rủi ro của họ cũng tăng lên. Ví dụ, trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P), khách hàng cá nhân có thể là người cho vay (người có nguy cơ gặp rủi ro tín dụng) hoặc là người đi vay (người có thể phải đối mặt với rủi ro đạo đức gia tăng từ những người cho vay tiềm ẩn không được kiểm soát và có thể thiếu tư vấn hoặc hỗ trợ tài chính trong trường hợp túng quẫn). So với các kịch bản khác thì kịch bản này được xem là ít có khả năng xảy ra do nhiều nguyên nhân về cả phía ngân hàng truyền thống, các công ty công nghệ, môi trường và khách hàng.
3. Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh đột phá công nghệ số
Tại Việt Nam, lĩnh vực Fintech xuất hiện, áp dụng đầu tiên trong lĩnh vực thanh toán. Từ năm 2008, nắm bắt được xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mối liên hệ mật thiết giữa công nghệ thông tin với hoạt động thanh toán, trên thị trường đã xuất hiện các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia vào thị trường cung ứng dịch vụ thanh toán. Đến nay, sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech trong lĩnh vực thanh toán ngày càng nở rộ, đã có 32 doanh nghiệp Fintech (tổ chức không phải là ngân hàng) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để cung ứng dịch vụ chính thức trên thị trường. Một số doanh nghiệp Fintech đã phát triển được thương hiệu như VNPay, ZaloPay, Payoo, AirPay, OnePay, MoMo, Moca, ViettelPay, Ngân lượng, Vi mô... Tiếp theo sự phát triển của Fintech trong lĩnh vực thanh toán, từ năm 2015, các doanh nghiệp Fintech hoạt động trong một số lĩnh vực khác bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam với làn sóng về các Startups. Các lĩnh vực mà các Startups lựa chọn như crowdfunding (FundStart, Comicola, Betado hay Firststep...); dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Tima, Trust Circle); quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (Moneylover, Mobivi, Kiu); quản lý dữ liệu khách hàng (CircleBi, Trusting Social); ngân hàng kỹ thuật số (Timo); so sánh dịch vụ tài chính (BankGo, GoBear); cầm đồ online (F88)... Bên cạnh đó, còn một số lĩnh vực Fintech tiềm năng khác như công nghệ quản lý tài sản (WealthTech), RegTech và InsureTech cũng đang được đầu tư phát triển.
Dưới áp lực cạnh tranh của Fintech và sự dẫn dắt của Fintech trong một số lĩnh vực thanh toán, các ngân hàng Việt Nam buộc phải thực hiện các chuyển đổi và đang thực hiện quá trình này một cách tích cực. Bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số, một số ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ số và lựa chọn các giải pháp Core Banking mới nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số. Để chuyển đổi, các ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả của hệ thống các phát kiến tài chính (financial innovations). Quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thứ nhất, nhằm cạnh tranh với các công ty Fintech và đa dạng nền tảng khách hàng, các ngân hàng Việt Nam định hướng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Mục tiêu của dịch vụ ngân hàng bán lẻ là khách hàng cá nhân, hộ gia đình, SMEs nên các dịch vụ thường đơn giản, dễ thực hiện và thường xuyên, tập trung vào dịch vụ tiền gửi và tài khoản, vay vốn mua xe hơi, nhà, mở thẻ tín dụng... Một lượng rất lớn dân cư chưa được biết đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong tương lai đã, đang và sẽ tham gia vào lĩnh vực này. Riêng với khách hàng cá nhân, nhóm đối tượng khách hàng chính của các dịch vụ ngân hàng điện tử được xác định là nhóm thế hệ X (gen X - sinh trong giai đoạn từ năm 1965 - 1980); nhóm thế hệ Y (gen Y - sinh trong giai đoạn từ 1980 - 2000). Đặc biệt, xu thế này sẽ được củng cố khi có hàng triệu các khách hàng mới từ nông thôn tới đô thị đang tiếp cận các sản phẩm tài chính mới.
Thứ hai, ngân hàng điều chỉnh chính sách giá, phí cạnh tranh hơn trước đây. Các tác động của Fintech với chính sách giá phí của ngân hàng thể hiện rõ nhất trong mảng thanh toán. Để cạnh tranh với các công ty Fintech và với các ngân hàng khác, rất nhiều ngân hàng đã áp dụng hình thức miễn, giảm các loại phí dịch vụ như phí chuyển tiền, phí rút tiền ATM, phí quản lý...
Thứ ba, chất lượng dịch vụ thanh toán được cải thiện rõ rệt. Hoạt động thanh toán được nhìn nhận là lĩnh vực thay đổi đầu tiên và mạnh nhất của các ngân hàng Việt Nam. Các giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ ngày càng được ưa chuộng như thanh toán phi tiếp xúc - ứng dụng của công nghệ NFC (Near-Field Communications), thanh toán bằng QR code, ví điện tử... Các ứng dụng công nghệ mới mang lại các trải nghiệm thanh toán đồng nhất và tiện dụng cho khách hàng. Các ngân hàng cố gắng nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua việc bắt đầu ứng dụng hình thức eKYC để đơn giản hóa việc đăng ký dịch vụ thanh toán trực tuyến, mở tài khoản; đưa ra các giao diện thanh toán đơn giản, cho phép khách hàng tự lựa chọn các hình nền giao diện ứng dụng thanh toán, thực hiện cá thể hóa các sản phẩm dịch vụ hay sử dụng... Các ngân hàng cũng tập trung vào việc số hóa các sản phẩm dịch vụ truyền thống tại quầy giao dịch, các giao dịch offline tại các điểm thanh toán đưa vào hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ phục vụ từ nhu cầu đời sống hằng ngày cho đến các nhu cầu giải trí, du lịch, đầu tư tài chính, bảo hiểm.
Thứ tư, các ngân hàng không ngừng cải thiện quy trình quản trị rủi ro phù hợp với chuyển đổi số. Kinh nghiệm và năng lực quản trị các loại rủi ro truyền thống như tín dụng, thanh khoản, giá... là ưu thế vượt trội của ngân hàng so với các công ty Fintech và cả Big Tech. Sự phát triển và định hướng chuyển đổi số của các ngân hàng và cạnh tranh từ Fintech nên các ngân hàng đang phải đối mặt với các loại rủi ro mới như rủi ro chính sách; rủi ro quản lý đại lý; rủi ro danh tiếng; rủi ro hợp tác đối tác... Do sự xuất hiện của các loại rủi ro mới và sự gia tăng tính phức tạp của các rủi ro hiện hữu đã đặt các yêu cầu về hoàn thiện quy trình và hệ thống cảnh báo rủi ro của các ngân hàng, tăng cường đào tạo về kiến thức, kỹ năng và văn hóa quản trị rủi ro cho nhân viên ngân hàng, từ đó truyền thông và hướng dẫn khách hàng để sử dụng sản phẩm phòng ngừa rủi ro. Các ngân hàng cũng ngày càng nhận thức được việc cần tăng cường truyền thông tới các khách hàng về các hành vi giả mạo hay phương thức lừa đảo phổ biến. Ngày nay, các khách hàng cũng không còn ngạc nhiên khi nhận được các thông điệp cảnh báo giao dịch lừa đảo của các ngân hàng gửi tới thông qua hình thức SMS, OTT hay email cảnh báo.
Thứ năm, các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn tới hoạt động marketing, thực hiện đổi mới sáng tạo trong các hoạt động marketing. Một trong số các giải pháp truyền thông được sử dụng tương đối phổ biến là ứng dụng mạng xã hội để mở rộng liên kết với khách hàng. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều đã có các Website riêng với những nội dung chính liên quan đến các lịch sử hình thành phát triển của ngân hàng, thông tin đầu tư, dịch vụ thanh toán, các cơ hội việc làm và những thông tin tài chính quan trọng khác. Tuy nhiên, bên cạnh Website chính, một số ngân hàng đã sử dụng các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, LinkedIn, Youtube để mở rộng thị phần. Tại Việt Nam, Facebook vẫn là một kênh liên kết được sử dụng nhiều nhất do tính thân thiện.
Những kết quả trên cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đang thay đổi theo hướng của kịch bản thứ nhất dưới hình thức ngân hàng phân tán và kịch bản hai theo mô hình ngân hàng tốt hơn. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đang có xu hướng hợp tác hơn là đối đầu với các công ty Fintech. Tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2019, phân khúc dịch vụ tài chính mà Fintech hợp tác với ngân hàng tập trung theo 3 lĩnh vực chính: (i) Thanh toán (61%), (ii) Cung cấp tín dụng (3%), (iii) Tài chính cá nhân (6%). Ngoài ra cũng tồn tại mô hình ngân hàng góp vốn thành lập công ty Fintech, qua đó, Fintech trở thành một phần trong hệ sinh thái của ngân hàng, đóng góp nguồn thu cho ngân hàng từ việc chia sẻ lợi nhuận hoạt động của Fintech. Ví dụ, Công ty TNHH BeFinancial (BeFinancial) - Công ty thành viên trực thuộc Be Group - sẽ tham gia vận hành ngân hàng số Cake trên cơ sở thỏa thuận Hợp tác chiến lược dài hạn giữa VPBank và Be Group. Đây được coi như hệ sinh thái tài chính công nghệ để cung cấp nhu cầu thanh toán, tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, tài xế được ký kết giữa Be Group và VPBank tháng 5/2019. Theo thỏa thuận Hợp tác này, công ty BeFinancial thực hiện các công việc đặc thù về lĩnh vực Fintech: Cung ứng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ phần mềm công nghệ, phát triển, vận hành các giải pháp công nghệ mới như định danh khách hàng trực tuyến (eKYC), giao kết hợp đồng điện tử (chữ ký số - eContract/e.Signature)... cho hệ thống giải pháp ngân hàng số Cake. Lĩnh vực hoạt động chính của BeFinancial là nghiên cứu, phát triển, cung cấp các giải pháp liên quan đến lĩnh vực Fintech. Đồng thời, Be Group cũng hỗ trợ Cake thực hiện các hoạt động phát triển khách hàng, phát triển kinh doanh trên môi trường số.
4. Kết luận
Các ngân hàng truyền thống với lịch sử và thương hiệu lâu năm, mạng lưới hoạt động rộng lớn có lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, khả năng tài chính và kinh nghiệm hoạt động so với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác trên thị trường. Tuy nhiên, nếu so với các công ty Fintech và Big Tech, các ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ. Song, ngân hàng cũng là ngành có khả năng thích nghi cao với những thay đổi của môi trường kinh doanh, bao gồm những đột phá về công nghệ. Tiếp cận và đầu tư vào công nghệ, con người, tiếp đến là thay đổi mô hình và chiến lược kinh doanh là hướng đi mà các ngân hàng đang hướng tới. Để trở thành ngân hàng theo kịch bản thứ nhất hoặc kịch bản thứ hai ở trên thì còn tùy thuộc rất nhiều vào ý chí của ban quản trị, ban điều hành và năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị của ngân hàng.
¹ Các kịch bản này chủ yếu được tập hợp từ các nguồn: Bank NXT, The future of banking: four scenarios, October 2015, banknxt.com/53478/future-banking-scenarios/; Accenture, The future of Fintech banking, 2015, www.accenture.com/us-en/insight-future-Fintech-banking; McKinsey & Co, Cutting through the Fintech noise, December 2015, www.mckinsey.com
Tài liệu tham khảo:
1. BIS (2018), Sound Practices: implications of Fintech developments for banks and bank supervisors, https://www.bis.org/bcbs/publ/d431.htm
2. IMF (Int. Monet. Fund), 2017, Fintech and financial services: initial considerations, IMF Staff Discuss. Note, https://www.imf.org/en/Publications/Staff-Discussion-Notes/Issues/2017/06/16/Fintech-and-Financial-Services-Initial-Considerations-44985
3. Ernst & Young (2017), EY Fintech Adoption Index 2017: the rapid emergence of Fintech, Report, London. https://www.ey.com/Publication/vwLUAssets/ey-Fintech-adoption-index-2017/$FILE/ey-Fintech-adoption-index-2017.pdf
4. FSB (Financ. Stabil. Board) (2019), Fintech and market structure in financial services: market developments and potential financial stability implications, Report, https://www.fsb.org/wp-content/uploads/P140219.pdf
5. OECD (2020), Digital Disruption in Banking and its Impact on Competition http://www.oecd.org/daf/competition/digital-disruption-in-financial-markets.htm
6. The Economist (2015), The bank in your pocket, https://www.economist.com/special-report/2015/05/07/the-bank-in-your-pocket
Trương Thị Hoài Linh
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân