Trên cương vị Đồng chủ trì Nhóm đặc trách ASEAN về Tài chính bền vững (SLC-TF) giai đoạn 2024 - 2026, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng cai tổ chức và đồng chủ trì phiên họp SLC-TF lần thứ 7 vào ngày 19/9/2024 tại Đà Nẵng. Đây là sự kiện trù bị cho Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC).
Nhóm đặc trách về tài chính bền vững được thành lập bởi SLC vào năm 2021 nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự tài chính, ngân hàng bền vững ASEAN. Trong giai đoạn 2024 - 2026, NHNN và NHTW Indonesia giữ vai trò Đồng chủ trì SLC, đồng thời là Đồng chủ trì SLC-TF. Phiên họp có sự tham gia của đại diện các NHTW ASEAN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đại diện NHNN chia sẻ tài chính bền vững là chủ đề đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng, đòi hỏi lĩnh vực tài chính cần tăng cường vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững. Tài chính bền vững không còn là một lựa chọn mà là nhân tố thiết yếu thúc đẩy, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và đảm bảo phúc lợi kinh tế và môi trường lâu dài. Tại khu vực ASEAN, thời gian qua, chương trình nghị sự ngân hàng và tài chính bền vững thường xuyên được các NHTW quan tâm. Kể từ khi thành lập vào năm 2021, SLC-TF đã tích cực triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, qua đó thể hiện tầm nhìn và quyết tâm hợp tác của ASEAN hướng tới một hệ sinh thái tài chính bền vững toàn diện trong khu vực.
Đồng chủ trì và các Trưởng đoàn tham dự phiên họp SLC-TF
Tại phiên họp, các thành viên đã thảo luận về tiến độ triển khai 2 sáng kiến hợp tác chính của SLC-TF, bao gồm xây dựng Lộ trình xanh ASEAN (ASEAN Green Map) và xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy).
Lộ trình xanh ASEAN - ASEAN Green Map
ASEAN Green Map là sáng kiến do SLC đề xuất từ năm 2020 nhằm phác thảo tầm nhìn chung của các NHTW ASEAN về một hệ sinh thái tài chính bền vững toàn diện trong khu vực và các trụ cột để xây dựng hệ sinh thái đó. ASEAN Green Map được kỳ vọng là tài liệu hướng dẫn tổng thể cho tất cả các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các quốc gia ASEAN về các hành động và các bước cần triển khai để đạt được các mục tiêu tài chính bền vững trong khu vực.
Một trong những mục tiêu chính của ASEAN Green Map là hỗ trợ huy động vốn tư nhân cũng như nguồn vốn từ các Ngân hàng phát triển đa phương, Tổ chức tài chính phát triển quốc gia và Tổ chức tài chính quốc tế cho các sáng kiến tài chính xanh thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và thị trường tài chính xanh. Các khuyến nghị trong ASEAN Green Map hướng tới triển khai đồng bộ và thống nhất giữa các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và thị trường tài chính nhằm đạt được mục tiêu tài chính bền vững.
Trong bối cảnh khu vực ASEAN phải đối mặt với nhiều rủi ro về môi trường và khí hậu, trọng tâm của ASEAN Green Map là xác định các mục tiêu chiến lược cụ thể cho khu vực ASEAN cũng như lộ trình thực hiện các hành động tương ứng để hiện thực hóa mục tiêu trước mắt về tài chính bền vững (tăng quy mô tài chính xanh và quản lý các rủi ro môi trường, khí hậu). Cụ thể, ASEAN Green Map đã xác định các mục tiêu chiến lược (strategic objectives) để đạt được các mục tiêu trước mắt (immediate goals), đồng thời xác định các trụ cột xây dựng (building blocks) tương ứng với từng mục tiêu chiến lược đó. Dự kiến ASEAN Green Map sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2024.
Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN - ASEAN Taxonomy
ASEAN Taxonomy là sáng kiến do Ủy ban ATB (ASEAN Taxonomy Board1) xây dựng với sự hợp tác chặt chẽ của các Nhóm công tác tài chính - ngân hàng ASEAN và Ủy ban SLC. Mục tiêu của ASEAN Taxonomy là đóng vai trò một hệ thống phân loại toàn diện và đáng tin cậy cho các hoạt động tài chính bền vững. Đây là nguồn tham khảo hữu ích cho các quốc gia đang trong quá trình xây dựng Taxonomy cũng như áp dụng trên thực tiễn. Tới nay, 3 phiên bản ASEAN Taxonomy đã được ban hành.
ASEAN Taxonomy được xây dựng theo cấu trúc phân tầng, cấu thành bởi: (i) Khung cơ bản (Foundation Framework - FF) - đánh giá các hoạt động dựa trên các nguyên tắc2, áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN; và (ii) Tiêu chí bổ sung (Plus Standards - PS) - đánh giá định lượng và định tính các hoạt động, áp dụng tự nguyện đối với các quốc gia thành viên ASEAN. Trong quá trình triển khai, các quốc gia ASEAN có thể ưu tiên lựa chọn áp dụng phương pháp phân loại, đánh giá theo FF hoặc PS.
Cụ thể, theo FF, các hoạt động của chương trình/dự án được đánh giá, phân loại theo mức độ ảnh hưởng/tác động tới môi trường và tài chính bền vững dựa trên các mục tiêu môi trường và tiêu chí thiết yếu. Các hoạt động được đo lường, đánh giá và phân loại dựa trên khả năng đóng góp của hoạt động đó đối với việc thực thi các mục tiêu moi trường. Theo PS, ASEAN Taxonomy đã và đang xây dựng các Tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (Technical Screening Criteria - TSC) dựa trên 3 phương pháp là định lượng, định tính và bản chất của hoạt động để phân loại hoạt động theo các mức Xanh, Hổ phách, Đỏ.
Các thành viên SLC-TF chụp ảnh lưu niệm
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ cuộc họp, các thành viên đã tổ chức phiên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về lồng ghép các nguyên tắc bền vững và ESG vào hoạt động và chiến lược của NHTW. Theo chia sẻ, các NHTW trong khu vực đã và đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm lồng ghép các nguyên tắc về môi trường và bên vững vào hoạt động của NHTW như hoàn thiện khuôn khổ chính sách về tài chính và phát triển bền vững; khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược quản lý môi trường; triển khai các hoạt động, chiến dịch tăng cường nhận thức về môi trường… Trong thời gian tới, SLC-TF sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường năng lực về các chủ đề mà các thành viên quan tâm.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao và cảm ơn NHNN đã đăng cai tổ chức và đồng chủ trì thành công phiên họp SLC-TF lần thứ 7. Phiên họp ghi nhận nỗ lực của các thành viên trong tích cực triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra tại Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC Blueprint 2025). Các vấn đề trao đổi tại phiên hop SLC-TF lần thứ 7 sẽ được báo cáo lên Hội nghị SLC vào ngày 20/9/2024. SLC-TF cam kết sẽ triển khai các sáng kiến hiệu quả, thiết thực và kịp thời đúng theo chỉ đạo của các Thống đốc và Phó Thống đốc ASEAN vì một ASEAN phát triển bền vững và thân thiện.
1 ATB bao gồm đại diện của 10 nước thành viên ASEAN. NHTW Brunei giữ vai trò Chủ tịch.
2 ASEAN Taxonomy đưa ra các nguyên tắc cụ thể đối với từng mục tiêu môi trường.