Ảnh minh họa
Ngân hàng số Timo vừa chính thức công bố đối tác chiến lược đồng hành trong giai đoạn mới là Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank), đồng thời công bố tên gọi mới là Timo Plus. Sau gần hai tháng triển khai, Timo Plus đã ghi nhận con số ấn tượng với hơn 100.000 lượt giao dịch mở mới và đã liên tục tăng cường triển khai thêm các địa điểm giao dịch mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn) – Tổng Giám đốc của Timo Plus cho biết, so với thế giới, thị trường ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam với dân số đông và lực lượng lao động trẻ năng động chính là một điểm cộng thuận lợi. Thế hệ người trẻ với tinh thần phóng khoáng sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và yêu thích những thay đổi công nghệ mang tính đột phá và hiện đại. “Tôi cho rằng đây chính là bệ phóng thích hợp và thời điểm vàng để ngành công nghệ tài chính nói chung và ngân hàng số Timo Plus nói riêng, tiếp tục phát triển, thu hút và mở rộng tập khách hàng”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói thêm.
Trong khi theo ông Ngô Quang Trung - Tổng Giám đốc VietCapital Bank, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng bởi bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng; VietCapital Bank cũng không nằm ngoài xu thế này.
“Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Bên cạnh đó chúng tôi cũng đẩy nhanh việc mở rộng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các công ty Fintech để từ đó tạo nên những trải nghiệm mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống”, ông Trung tiết lộ.
Theo thỏa thuận hợp tác, Timo Plus sẽ chú trọng đầu tư thêm vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để người sử dụng nhận được những trải nghiệm chăm sóc khách hàng tích cực. Đồng thời kết hợp với VietCapital Bank để bảo đảm hệ thống nền tảng được nâng cấp thường xuyên, giúp khách hàng cảm thấy an tâm khi sử dụng. Timo Plus cũng đang mở rộng liên kết với nhiều đối tác tài chính khác để cung cấp thêm các giải pháp tài chính riêng biệt nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của từng khách hàng.
Hai đối tác này đánh giá rằng, bức tranh tương lai của thị trường tài chính công nghệ Việt Nam vẫn còn nhiều mảnh ghép để định hình toàn diện. Trong đó, Timo Plus sẽ nỗ lực là một mảnh ghép “chiến lược” và “trọng tâm” góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như cách thức làm việc, sinh hoạt của người tiêu dùng trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 đang ứng dụng và lan tỏa khắp nơi.
Không chỉ có Timo và VietCapital Bank, trên thị trường thanh toán thời gian qua các Fintech làm về ví điện tử thực tế đã hợp tác từ rất sớm do nguyên tắc tài khoản 1:1 nên về nguyên lý phải có tài khoản ngân hàng mới dùng được ví điện tử.
Tiêu biểu nhất là Vietcombank đứng bên cạnh MoMo - một ví điện tử vừa công bố có 20 triệu tài khoản sau khi hoàn tất việc xác thực chính danh người dùng ví điện tử vào tháng 7/2020. Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết, MoMo tự hào mở đường cho hoạt động Fintech và kinh doanh số tại Việt Nam. Trong 10 năm qua MoMo đã hợp tác với 25 ngân hàng trong và ngoài nước và 200 ngàn đối tác về hàng hóa và dịch vụ. Điều này giúp Ví MoMo mở rộng ra hơn 100 ngàn điểm chấp nhận thanh toán từ nhà hàng đến các hộ kinh doanh cá thể.
Theo số liệu thống kê của NHNN, trên thị trường có khoảng 45 công ty Fintech đang hoạt động được NHNN cấp phép trong đó chủ yếu các công ty vẫn đang kinh doanh trong lĩnh vực trung gian thanh toán như ví điện tử. Tính đến tháng 7/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Một số ví điện tử không chỉ dừng lại ở việc thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn tổ chức rất nhiều hình thức tương tác với người dùng như quyên góp từ thiện và tổ chức trò chơi để thu hút người dùng ví điện tử. Đơn cử, cuộc thi Học viện MoMo sau 3 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua đã thu hút 7 triệu lượt người chơi các trò đố vui có thưởng, không bó hẹp là một ứng dụng tài chính khi biến các hoạt động thanh toán di động trở nên vui vẻ. Những hình thức trò chơi như của MoMo là một phần tạo lập thói quen cho người trẻ thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng kênh thanh toán điện tử mà ngân hàng một mô hình chuẩn không thể làm tốt bằng Fintech.