Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Ngân hàng cùng với Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế để vừa khống chế sự lây lan của dịch bệnh vừa hạn chế tối đa những khó khăn, thiệt hại mà tất cả các ngành nghề, lĩnh vực phải đối mặt.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01 (hiệu lực từ 13/3) với cơ chế rất mạnh, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng không giới hạn ngành nghề, loại hình và quy mô doanh nghiệp cũng như đồng tiền vay (VND hoặc ngoại tệ). Áp dụng Thông tư 01 thời gian qua các khách hàng đã được hệ thống NHTM cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn mà không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Từ đó có thể tiếp tục vay vốn mới phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc gia hạn nợ, NHNN cũng đã tạo hành lang pháp lý để các TCTD miễn giảm lãi và phí giao dịch cho khách hàng trong giai đoạn mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song song đó, NHNN đã đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để NHCSXH cho DN và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính trả lương cho người lao động bị ngừng việc, mất việc với lãi suất 0%/năm.
Theo Phó Thống đốc, thời gian qua ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, chủ động, linh hoạt từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Cụ thể, tính đến 11/5 các TCTD trên cả nước đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ gần 138.000 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 322.000 khách hàng với dư nợ 1,13 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 659.000 tỷ đồng cho hơn 188.000 khách hàng. Lãi suất cho vay mới thấp hơn trung bình từ 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Ngoài ra, các NHTM cũng đã miễn giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng và các hỗ trợ trên 80% đều được tập trung vào nhóm khách hàng DN sản xuất – kinh doanh.
Để tìm kiếm những giải pháp lâu dài thúc đẩy khôi phục nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được khống chế, Phó Thống đốc Đảo Minh Tú cho rằng, hiện tại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2021. Trong đó, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển nền kinh tế nhờ vào sự chủ động gia nhập các các chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu mới được tạo lập hoặc tái lập sau dịch.
Hiện nay các gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh vẫn đang được hệ thống TCTD triển khai quyết liệt trên phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng nhưng cũng thận trọng, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.
Trong thời gian tới, với vai trò cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp thị trường không để xảy ra bất ổn.
NHNN cũng sẽ cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch đầu năm để nguồn vốn tín dụng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ngay trong tháng 5 này, NHNN cũng đã lập đoàn công tác để làm việc tại các địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của toàn ngành Ngân hàng. Từ đó kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Chính vì vậy, mọi chính sách hỗ trợ nền kinh tế giai đoạn dịch Covid-19 sẽ vận tiếp tục được hệ thống TCTD duy trì, hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện trong những tháng tới.
Tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những chính sách ưu đãi về lãi suất, về gia hạn nợ và miễn các loại phí giao dịch thanh toán mà hệ thống ngân hàng đang thực hiện là rất thiết thực và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn các tháng vừa qua.
Ông Phương ví von ngành Ngân hàng trong những tháng qua giống như những người bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhưng ở mặt trận về vốn và nguồn lực tài chính. Những con số trên đã cho thấy hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có sự nỗ lực rất lớn.