Hiện tín dụng cho năng lượng tái tạo là một trong 12 lĩnh vực xanh được NHNN thực hiện theo dõi dư nợ tín dụng. Việt Nam có 31 TCTD có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, có 31 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội là trên 1.184.000 tỷ đồng, với trên 491.000 khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội.
Để có được kết quả này, các chuyên gia cho rằng, đều nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành Ngân hàng. Theo đó, NHNN đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định liên quan đến chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1552/QDD-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định 1731/QDD-NHNN về Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030...
Toàn cảnh hội thảo "Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh"
Đồng thời, NHNN đã triển khai các nội dung, giải pháp phù hợp với từng mục tiêu đã đề ra. Theo đó, NHNN đã triển khai rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; yêu cầu các TCTD tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng, phát triển các sản phẩm ngân hàng hiện đại hỗ trợ tín dụng xanh; Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng - tín dụng xanh.
Đặc biệt, NHNN đã bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Đồng thời ban hành đề án Ngân hàng xanh tại Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn cho vay...
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong thời gian qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo. Bà Nguyễn Thùy Dương - đại diện Trung tâm Giải pháp tài chính VietinBank chia sẻ, ngân hàng đã chú trọng phục vụ đồng bộ chuỗi giá trị ngành năng lượng từ năng lượng sơ cấp, sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; Chủ động định hướng ưu tiên các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Chú trọng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng…
Tính tới quý III/2020, VietinBank có dư nợ tín dụng xanh là 22.700 tỷ đồng cho gần 278 dự án, trong đó tỷ trọng tập trung chủ yếu là dư nợ thuộc ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh). VietinBank đã và đang tài trợ 400 dự án năng lượng tái tạo, nhiều dự án có quy mô và công suất lớn hơn 100 MW, gồm các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng. Nhiều dự án điện đã tài trợ có hiệu quả như: Dự án điện mặt trời Trung Nam (Trà Vinh), Điện gió Hướng Tân (Hòa Bình), Thủy điện Thuận Hòa (Hà Giang)...
Với tất cả giải pháp trên, "Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực tài chính ngân hàng hướng đến phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN. Việt Nam được xếp hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs", bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đứng trước nhiều cơ hội đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững, nhưng đây là lĩnh vực đầu tư còn mới mẻ ở Việt Nam, điều này cũng tạo ra nhiều khó khăn thách thức cho cả ngân hàng và các DN đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh.
Về phía ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực xanh thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường nên việc thẩm định dự án phức tạp, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường; các chỉ tiêu cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực chưa cụ thể; năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu... Đặc biệt, EVN có quyền từ chối mua trong hợp đồng mua bán điện, dẫn tới khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án trong quá trình thẩm định tín dụng...
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng xanh, bà Nguyễn Thùy Dương nhận định, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế khi có nhiều nhà đầu tư gần như không có kinh nghiệm trong ngành điện nói chung và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng. Tuy chi phí đầu tư đã giảm so với trước đây nhưng dự án điện mặt trời và điện gió vẫn yêu cầu công nghệ cao và nguồn vốn đầu tư tương đối lớn trong khi thời gian xây dựng và lắp đặt ngắn. Nếu dự án chậm tiến độ, sẽ không đảm bảo khi phát điện được hưởng giá mua điện ưu đãi theo chính sách của nhà nước.
Trong khi đó, năng lực tài chính của các DN trong lĩnh vực này chưa thực sự vững vàng. Để giải quyết được khó khăn trên, tạo cơ hội cho DN năng lượng tái tạo tiếp cận được các chương trình tín dụng xanh của ngân hàng, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các chuyên gia chia sẻ. Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề xuất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; Xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành/lĩnh vực đồng bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành/lĩnh vực xanh…