Ngọc Danh
Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình đã không ngừng được giải ngân đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những đồng vốn đã thật sự phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Câu chuyện về những ngày đầu mang dòng vốn đến với đồng bào A-Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch vẫn thường được nhiều người nhắc lại. Ngày đó, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Con đường từ động Phong Nha lên tới bản dài chưa đầy 40 kilômét, nhưng ô tô cũng phải đi mất nửa ngày mới tới nơi. Chưa kể, sự hiểu biết, kinh nghiệm sống cũng như nhận thức của đồng bào cũng là một “khoảng cách” không nhỏ, khiến sự lưu thông vốn khó khăn nếu thiếu sự hợp tác, gắn kết của các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ nơi đây.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ: Cùng với cán bộ tín dụng của ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,… cũng thường xuyên theo sát đồng bào để “cầm tay chỉ việc”, nói cho họ hiểu và làm theo, từ đó bà con sẽ tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, so với thời điểm năm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi với 97 hộ, trong đó 91 hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH cũng đã đến được với 63 hộ gia đình trong bản để phát triển chăn nuôi, 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở. Nhiều hộ gia đình từ đó cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, trang trải cuộc sống. Gia đình ông Đinh Trặp vay khoảng 5 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, đến nay đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua được tivi và nhiều đồ dùng gia đình thiết yếu khác.
Không riêng bà con ở xã Tân Trạch, nhiều người dân ở huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung, cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng vốn chính sách ưu đãi. Gia đình ông Nguyễn Văn Lý ở xã Phúc Trạch hơn 5 năm trước, gia đình ông đã vay 50 triệu đồng từ vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư nuôi bò. Sau một thời gian có thu nhập từ bò, ông Lý thấy cây tiêu có thị trường tiêu thụ tốt, nên tiếp tục vay vốn đầu tư trồng thêm hơn 600 gốc cây tiêu. Năm 2017, niềm vui đã đến với gia đình ông khi vườn tiêu cho thu hoạch hơn một tấn, trừ chi phí, gia đình ông cũng thu về được gần 100 triệu đồng. Gia đình cựu chiến binh Lê Văn Soát ở thôn Tam Đa, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa năm 2012 vay vốn chương trình hộ nghèo 20 triệu đồng, đến năm 2015 trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo. Sau đó tháng 7/2015, gia đình ông lại vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển mô hình trang trại vườn, ao, chuồng. Đến nay, không những cuộc sống đã trở nên khấm khá mà ông Soát còn giúp đỡ nhiều hội viên cựu chiến binh khác có việc làm và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Sự có mặt kịp thời của nguồn vốn ưu đãi sau mỗi trận thiên tai, bão lũ, cũng góp phần động viên tinh thần, trợ lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, vươn lên thoát nghèo bền vững. Có thể kể ra ở đây như ảnh hưởng cơn bão số 10 năm 2013, hay hậu quả sự cố môi trường biển năm 2016,… đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi. Trong những thời điểm này, NHCSXH đã ngay lập tức triển khai thực hiện các biện pháp xử lý nợ rủi ro và tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người dân khắc phục và ổn định sản xuất. Bà Lê Thị Hoàn ở thôn 8 ngọn Rào, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch không bao giờ quên năm 2013, khi trận lụt dâng cao hơn 30 mét cuốn trôi nhiều thứ, cả gia đình bà phải trèo lên nóc nhà chờ cứu hộ. Ngay sau đó, gia đình cũng đã được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng làm “vốn mồi” từ nguồn vốn xây nhà chống lũ để yên tâm “an cư, lập nghiệp”.
Đến nay, tổng dư nợ NHCSXH huyện Bố Trạch đạt hơn 462 tỷ đồng, nợ quá hạn 383 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% trên tổng dư nợ. Với 15 chương trình tín dụng đang triển khai, đã có hơn 79 nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn; tạo việc làm cho 30 nghìn lao động; hơn 41 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; gần 11 nghìn học sinh, sinh viên có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 12.607 lượt hộ gia đình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Chính những kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bố Trạch giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 9,85% năm 2016 theo chuẩn mới và cơ bản không còn hộ đói, không còn hộ ở nhà tạm.
Theo Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay từ đầu năm 2018, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đã được NHCSXH và các tổ chức trong mạng lưới quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, do đó chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững. Tính đến ngày nay, toàn tỉnh Quảng Bình huy động được 263 tỷ đồng, đạt 85,8% kế hoạch, tăng 30,8 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, huy động nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 10,2 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch giao tăng trưởng; doanh số cho vay đạt 296 tỷ đồng với hơn 8,8 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, tăng 39,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; tổng dư nợ đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với đầu năm.
(Tạp chí Ngân hàng số 13, tháng 7/2018)