NHCSXH tỉnh Thái Bình đã thực hiện giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho 221.149 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ hoạt động dịch vụ, SXKD với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng.
Vay vốn ưu đãi nuôi dê giúp gia đình ông bà Khiên - Hường ở thôn Nguyễn Trãi,
xã Vũ Đông, Thái Bình có thu nhập ổn định
Cái nắng hanh vàng tháng 10 khiến cho làng quê ở Thái Bình thêm bừng sáng bởi những con đường bê tông khang trang sạch sẽ, nhiều ngôi nhà mái ngói, nhà cao tầng mọc lên san sát tạo nên sự trù phú của bức tranh quê. Những thành quả này không phải tự nhiên có được mà nhờ sự nỗ lực của người dân một nắng hai sương, cần cù chịu khó và cũng nhờ vận hành hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước. Một trong những chính sách đó là Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).
Chúng tôi về xã Vũ Đông - một xã vùng ven của thành phố. Khoảng 5 năm trở lại đây, Vũ Đông đã phát triển đa dạng mô hình sản xuất, kinh doanh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Được sự tuyên truyền vận động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tìm hiểu cách làm ăn mới. Đơn cử như hộ ông bà Nguyễn Văn Khiên và Trần Thị Hường ở thôn Nguyễn Trãi, xã Vũ Đông với mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Khiên kể, khi mới đầu thực hiện mô hình này, trong thôn ai cũng ngại ngùng bởi thường họ chỉ nghe thấy nuôi dê ở chân núi chứ ở đồng bằng thì chưa từng. “Nhiều đêm trăn trở nhưng đã quyết là làm. Tôi phải lặn lội lên tận Tuyên Quang để học hỏi kinh nghiệm nuôi dê mới có thành công như ngày hôm nay”, ông Khiên tâm sự.
Thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, qua các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã “bơm” 20 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để gia đình ông Khiên phát triển đàn dê. Đến nay, đàn dê đã có 29 con chuẩn bị xuất chuồng vào dịp giáp Tết Nguyên đán này. Nhẩm tính thì cuối năm nay, gia đình ông thu lãi khoảng 60 triệu đồng. “Vay ngân hàng 20 triệu mà nay lãi 60 triệu là “một vốn ba lời rồi” các anh nhỉ”, ông Khiên nói vui.
Chia sẻ thêm câu chuyện vay vốn ưu đãi để nuôi dê, bà Hường cũng tỏ ra hân hoan: “Nếu không có vốn của NHCSXH thì không giải quyết được bài toán vươn lên thoát nghèo đâu. Tôi rất vui và cảm ơn đến NHCSXH”. Hiện nay, ngoài chăn nuôi dê, gia đình ông bà Khiên - Hường còn trồng 6 sào lúa và một sào rau màu nên kinh tế cũng dư dả. Nguyện vọng của gia đình là tiếp tục được NHCSXH cho vay thêm để phát triển đàn dê, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Một hộ gia đình khác ở xã Vũ Đông chúng tôi đến thăm không chỉ sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả mà còn là điển hình vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. So với gia đình khác trong thôn Lê Lợi, xã Vũ Đông, hộ ông Trần Văn Chiến có hoàn cảnh thiệt thòi khi vợ và con gái đầu lòng lần lượt ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Ông không đi bước nữa mà ở vậy nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, tăng gia sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Khởi đầu là năm 2014, ông Chiến được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, ông lại tiếp tục được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng. Hiện nay, ông Chiến đã có đàn bò 7 con và đang tiếp tục nhân giống để phát triển đàn. Ngoài ra, hộ ông Chiến còn chăn nuôi thêm gia cầm, làm hoa màu để tăng thu nhập.
Nhiều năm gắn với công tác cho vay ủy thác vốn ưu đãi, bà Trần Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Đông đúc kết: Nguồn vốn của NHCSXH có ý nghĩa quan trọng với người dân vùng nông thôn bởi lãi suất ưu đãi, giải ngân tại xã, ủy thác qua hội đoàn thể. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 thì các cấp ngành địa phương càng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn vốn vay bằng các việc làm cụ thể, như tuyên truyền, hướng dẫn các mô hình sản xuất, giám sát nguồn vốn chặt chẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện dư nợ của NHCSXH tại xã Vũ Đông đã đạt gần 14 tỷ đồng, trong đó cho vay ủy thác của Hội Phụ nữ là 7 tỷ đồng; người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả nên không có nợ quá hạn.
Theo ông Tạ Tiến Khẩn - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, nguồn vốn tập trung ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi và kịp thời. NHCSXH Thái Bình đã thực hiện giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho 221.149 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ hoạt động dịch vụ, SXKD với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 59.835 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 71 nghìn hộ gia đình xây dựng được trên 181.482 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; hơn 8.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chương trình HSSV…
Đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Tỉnh ủy Thái Bình cho thấy, Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, ngưới đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, ngày càng trong sạch vững mạnh.
UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản tới chính quyền cấp cơ sở tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với NHCSXH, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn… Nhờ đó, các chủ trương, chính sách ưu đãi của các kênh tín dụng được người dân nắm bắt, thực hiện tương đối tốt từ khâu triển khai chủ trương chính sách, họp bình xét vay vốn, nhận vốn vay, sử dụng vốn vay, trả nợ gốc, lãi cho NHCSXH. Mặt khác, thông qua Ban mặt trận thôn, trưởng thôn, Ban thanh tra nhân dân nên hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ, đồng vốn đến đúng tay đối tượng thụ hưởng.
Xác định nhiệm vụ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị, Tỉnh ủy Thái Bình đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách, thực hiện tốt công tác điều tra, xác nhận đối tượng được vay vốn tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến hoạt động tín dụng tại cơ sở.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. UBND các cấp tiếp tục quan tâm chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của NHCSXH.
Bên cạnh đó là tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, trong đó cần tập trung triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh; tập trung nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã; tham mưu củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp để tín dụng chính sách xã hội thêm mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần xây dựng quê lúa Thái Bình ngày càng phát triển và giàu đẹp.
Nguồn: TCNH số 1+2/2020