Năm 2022, bên cạnh những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với bốn rủi ro, thách thức từ nội tại như áp lực giá cả, lạm phát đang gia tăng; hoạt động bán lẻ và dịch vụ phục hồi, song sức cầu vẫn còn yếu; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng; rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Các chuyên gia kinh tế mới đây đã dự báo, trong năm 2022, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ phục hồi mạnh hơn, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022, có thể đạt trung bình từ 5,5% đến 6%. Đáng lưu ý, các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 có quy mô ước tính khoảng 347 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 15,3 tỷ USD (4,13% GDP năm 2021), để đáp ứng nhu cầu tài chính cho Chương trình này, nợ công dự báo sẽ tăng cao hơn trong năm 2022-2023; có thể ở mức từ 45% đến 46% GDP năm 2022 (cao hơn từ 0,8 đến 1,8 điểm % so với năm 2021) và từ 47% đến 48% GDP năm 2023, nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn khi cách xa ngưỡng 60% GDP.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, sở dĩ nợ công có được nền tảng an toàn như vậy là nhờ một số yếu tố như tăng tỷ trọng vay trong nước với lãi suất khá thấp, việc sử dụng vốn vay đều có mục đích rõ ràng và khả năng hấp thụ đã được chú trọng. Về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, cuối năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước tính khoảng 23% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), thấp hơn ngưỡng giới hạn 25%.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023, một trong những giải pháp huy động nguồn lực chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ trong nước sẽ khiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể tăng lên mức từ 24% đến 25% tổng thu NSNN trong hai năm này. Sang năm 2024 và 2025, Chính phủ sẽ điều tiết các nghĩa vụ nợ trực tiếp dần về quỹ đạo (khoảng từ 22% đến 23% tổng thu NSNN). Như vậy, áp lực trả nợ cả giai đoạn 2021-2025 sẽ không quá lớn.
Đi sâu phân tích thị trường tài chính (gồm thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...), các chuyên gia ghi nhận đóng góp trụ cột của thị trường bảo hiểm đối với sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam. Năm 2022, Chính phủ bắt đầu thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030, với mục tiêu là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm; đến năm 2025, quy mô doanh thu phí bảo hiểm tương đương từ 3% đến 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm; đến năm 2030, quy mô đạt khoảng từ 3,3% đến 3,5% GDP.
Về thị trường ngân hàng, với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2023, dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm nguồn cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022.
Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ phối hợp chính sách tài khóa nhằm thực hiện thành công chương trình hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ đồng trong hai năm (2022-2023) và chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm trong hai năm. Trong khi đó, lãi suất điều hành dự báo vẫn được giữ nguyên trong năm 2022 do dư địa giảm không còn nhiều trong khi áp lực lạm phát tăng mạnh.
Đối với thị trường chứng khoán, các chuyên gia khẳng định: dư địa phát triển của thị trường cổ phiếu còn lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nghiêm túc hơn yêu cầu niêm yết đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Thị trường vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước khi thanh khoản được duy trì ở mức cao, mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, tiếp tục là động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước trong khi áp lực rút vốn của khối ngoại tăng không đáng kể do tiềm năng, giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cổ phiếu; nhất là tình hình giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần thắt chặt tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, điều này sẽ tạo thêm áp lực lãi suất tăng, rút vốn của khối ngoại và tỷ giá.
Riêng đối với thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), các chuyên gia dự báo, năm 2022, khối lượng phát hành TPCP dự kiến không đổi so với năm trước do quy mô đáo hạn TPCP thấp hơn so với các năm trước, chỉ vào khoảng 50 nghìn tỷ đồng so với mức bình quân từ 100 đến 150 nghìn tỷ đồng, đã góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm TPCP để tái cơ cấu nợ công. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được dự báo sẽ phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn, phụ thuộc khá nhiều vào nghệ thuật điều hành hợp lý của cơ quan chức năng.
Nhìn chung, năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ vận hành theo hướng có điều chỉnh, lành mạnh hóa và quy định chặt chẽ hơn với ba trụ cột là thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm.
Tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+,triển vọng "ổn định"
Ngày 26-5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19. Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.
|