Theo kinh nghiệm quốc tế, hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) càng cao ở mức hợp lý, thì người gửi tiền càng yên tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới, nhiều nước như Armenia, Kenya, Bangladesh, Jamaica hay Philippines... cũng đã đánh giá, đề xuất nâng hạn mức BHTG hoặc đã điều chỉnh tăng hạn mức BHTG nhằm mở rộng khả năng bảo vệ người gửi tiền.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, hạn mức chi trả BHTG là 75 triệu đồng như hiện nay là không còn phù hợp. Tuy nhiên, hạn mức chi trả tăng ở mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là nguồn chi trả.
Khi xác định tăng hạn mức BHTG, nhiều quốc gia điều chỉnh tăng phí BHTG để đảm bảo đáp ứng khả năng chi trả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động bởi dịch bệnh Covid -19 như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tổ chức BHTG ngoài việc dự nguồn cho chi trả, cũng cần duy trì một khoản cần thiết để hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG, xử lý đổ vỡ, ngăn ngừa rủi ro các tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa, phá sản.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, nghĩa là hạn mức sẽ tăng 66% so với mức hiện hành. Mức điều chỉnh dự kiến này cho thấy Chính phủ, NHNN cũng như tổ chức BHTG đã có những đánh giá, phân tích mức độ phù hợp của hạn mức, nhằm đưa công cụ chính sách quan trọng này bắt kịp với những bước phát triển của hệ thống ngân hàng và mức thu nhập của quốc dân để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Tính toán của NHNN cho thấy, với hạn mức đề xuất là 125 triệu đồng (tương đương gần 2 lần GDP bình quân năm 2020) và bảo vệ toàn bộ được khoảng 90,94% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng, phù hợp với mức khuyến nghị 90 - 95% của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
Hạn mức này cũng được đánh giá phù hợp với năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Tính đến hết ngày 31/7/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng tài chính quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm với hạn mức phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế mà không cần tăng phí BHTG.
Có thể nói, với năng lực tài chính hiện tại của BHTGVN, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG là hoàn toàn khả thi, từ đó giúp người gửi tiền an tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần tăng huy động vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.
Tuấn Hưng