Phấn đấu đến năm 2025 có 45% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một trong những mục tiêu được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đặt ra, để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm hoạt động an toàn của các tổ chức tín dụng, giữ gìn niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, BHTGVN cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, bao gồm: Quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ như thế nào, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thông tin cơ bản về tổ chức BHTG.
Đánh giá nhận thức công chúng - xác định hiệu quả truyền thông chính sách BHTG
Theo thông tin từ BHTGVN, mục tiêu nói trên được xác định trên cơ sở các nghiên cứu quốc tế về mức độ nhận thức công chúng để đảm bảo niềm tin vào hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính. Cụ thể, Tổng Công ty BHTG Canada xác định, nhận thức công chúng về BHTG cần đạt 60 - 65% và đặt mức nhận thức mục tiêu là 65% trong 5 năm tới (so với mức hiện tại là 50%). Tại Đài Loan, mức độ nhận thức công chúng về BHTG trên 60% và Tổng Công ty BHTG Đài Loan đang có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông để tăng chỉ số này lên trên 70%. Tổng Công ty BHTG Malaysia đặt mục tiêu tỷ lệ nhận thức về BHTG nói chung là 57 - 60% trong giai đoạn 2018 - 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, những năm qua, BHTGVN đã tích cực triển khai công tác truyền thông chính sách BHTG thông qua việc đa dạng hóa các kênh truyền thông, thông điệp chính sách cần chuyển tải và hướng tới các đối tượng công chúng mục tiêu.
BHTGVN đã xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm truyền thông, trong đó có hai kênh truyền thông chính thức là Website BHTGVN và Bản tin BHTG với tần suất cập nhật thông tin thường xuyên, đảm bảo độ chính xác cao, đã truyền tải tiếng nói của tổ chức cũng như trở thành diễn đàn về BHTG, thu hút nhiều đối tượng công chúng và là nguồn thông tin tham khảo của người gửi tiền cũng như các cơ quan có liên quan.
BHTGVN cũng thực hiện truyền thông với độ bao phủ rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; phát triển và sử dụng nhiều sản phẩm, công cụ truyền thông hiệu quả như: Cẩm nang BHTG, tờ rơi, sổ tay, poster, standee, các video clip tuyên truyền, vật phẩm tuyên truyền… Các nội dung chính sách được thể hiện một cách trực quan, gần gũi, dễ hiểu, khiến cho công chúng dễ dàng tiếp nhận.
BHTGVN triển khai tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc, hướng đến lãnh đạo, cán bộ giao dịch và thành viên của các quỹ tín dụng nhân dân cũng như người gửi tiền; thực hiện các chương trình giao lưu, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách BHTG, với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, cao đẳng - đối tượng người gửi tiền tiềm năng; tham gia tuyên truyền trong các chương trình truyền thông lớn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với VTV - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện như: Tiền khéo tiền khôn, Tay hòm chìa khóa...
Để chính sách BHTG được chuyển tải theo tiêu chí “dễ hiểu - dễ gần - dễ nhớ”, BHTGVN đã thực hiện lồng ghép các nội dung chính sách cùng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ.... Thí điểm việc tuyên truyền phổ rộng thông qua hệ thống Bưu điện Việt Nam - đơn vị có mạng lưới toàn quốc, vươn xa tới các xã, phường với đối tượng công chúng mục tiêu là khách hàng tới giao dịch. Nhờ vậy, chính sách BHTG đã được lan tỏa tới mọi đối tượng công chúng, giúp công chúng nắm bắt được những vấn đề cơ bản một cách dễ gần, dễ lan tỏa nhất.
Để đánh giá hiệu quả triển khai công tác truyền thông cũng như nhận thức của công chúng về chính sách BHTG, BHTGVN đã từng bước áp dụng các biện pháp khảo sát, đánh giá mức độ hiểu biết định kỳ về các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG của người gửi tiền, qua đó đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Theo kết quả điều tra định lượng chọn mẫu ngẫu nhiên toàn quốc quy mô hẹp do BHTGVN thực hiện, trong số 1.069 người tham gia khảo sát, có 34,6% cùng lúc nắm được tất cả các thông tin cốt lõi về chính sách BHTG. Đa số người gửi tiền đã nhận biết được một phần (ít nhất 01 thành tố chính sách cốt lõi) nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, chiếm tỷ lệ 61,6%. Đáng chú ý, có 3,8% người gửi tiền tham gia khảo sát hoàn toàn không nhận biết bất cứ thành tố chính sách nào nêu trên.
Hiện nay, BHTGVN đang xúc tiến việc tổ chức khảo sát độc lập trên quy mô toàn quốc với số lượng mẫu lớn hơn nhằm đánh giá mức độ nhận thức của người gửi tiền. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình nâng cao nhận thức công chúng, cũng là thông tin cơ sở để xác định hiện trạng nhận thức công chúng về chính sách BHTG, xác định chỉ tiêu gia tăng nhận thức hàng năm, đánh giá hiệu quả thực hiện nghiệp vụ tuyên truyền cũng như góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong từng giai đoạn.
Một số giải pháp đặt ra
Nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm hoạt động an toàn của các tổ chức tín dụng, giữ gìn niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, BHTGVN nhận thấy, mức độ nhận thức của công chúng mục tiêu là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, để thực hiện các mục tiêu trên, BHTGVN xác định các trọng tâm cần triển khai tới năm 2025, trong đó có vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động truyền thông, cụ thể là sửa đổi Luật BHTG để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN trong truyền thông chính sách BHTG và các chính sách khác liên quan tới bảo vệ người gửi tiền. Đồng thời, bổ sung quy định các tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm truyền thông chính sách BHTG và/hoặc phối hợp với BHTG trong truyền thông chính sách BHTG - một nội dung mà hiện chưa được quy định tại Luật BHTG.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng chiến lược truyền thông tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030, đảm bảo tương hợp với các chủ trương lớn của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Đây sẽ là cơ sở, là định hướng cho các hoạt động truyền thông ở tầm vĩ mô của BHTGVN trong thời gian tới.
BHTGVN cũng xác định đối tượng công chúng trọng tâm để tập trung tuyên truyền là người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng, BHTG. Tuy nhiên, các đối tượng công chúng khác cũng được quan tâm tuyên truyền, bao gồm các tổ chức tham gia BHTG, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan.
Về hình thức truyền thông, BHTGVN cho biết sẽ đa dạng hóa và thường xuyên nghiên cứu, phát triển, đổi mới các hình thức truyền thông, công cụ truyền thông nhằm tiếp cận tới từng đối tượng công chúng mục tiêu một cách hợp lý, hiệu quả với chi phí phù hợp nguồn lực của tổ chức BHTG.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh sử dụng các kênh truyền thông chính thức là Website và Bản tin BHTG; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo giấy, báo mạng, phát thanh, truyền hình) nhằm đưa thông tin về chính sách BHTG tới đa dạng đối tượng công chúng. Đặc biệt, nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công cụ truyền thông mới phù hợp với bối cảnh phát triển của cách mạng thông tin như hiện nay.
Đối với các đối tượng công chúng trọng tâm, BHTGVN sẽ tổ chức các sự kiện truyền thông, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền tích hợp, lồng ghép, dần dần gia tăng nhận thức của công chúng về chính sách BHTG; phối hợp với các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân để đưa kiến thức về BHTG vào các chương trình đào tạo cán bộ - những người trực tiếp giao dịch với người gửi tiền, để có thể tuyên truyền, giải thích về chính sách BHTG.
BHTGVN sẽ tích cực tham gia trong các chương trình truyền thông của ngành Ngân hàng, truyền tải tới công chúng các thông tin, chủ trương lớn của ngành Ngân hàng, tạo ra sự đồng thuận chung trong công chúng, đồng thời nâng cao niềm tin của công chúng. Đồng thời, từng bước áp dụng các biện pháp khảo sát, đánh giá định kỳ mức độ hiểu biết của người gửi tiền về các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG, qua đó đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thời gian tới.
Tuấn Phạm (Hà Nội)