Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, sự phát triển, quá trình chuyển đổi số và những tiến bộ của công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Các công nghệ của CMCN 4.0 cho phép tùy biến sản phẩm để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng,giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn. Công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là một trong những nền tảng để phát triển tài chính số; đồng thời, tài chính số lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới người dân, doanh nghiệp trong xã hội, cụ thể:
Ở phương diện vi mô, tài chính số giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí hợp lí, thuận tiện và an toàn hơn so với các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống; giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiết giảm chi phí, tùy biến hơn trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ, từ đó, mở ra tiềm năng lớn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Nhiều tính toán cho thấy chi phí mỗi giao dịch thực hiện trên kênh kỹ thuật số giảm đến 80 - 90% so với các giao dịch truyền thống.
Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như ngân hàng di động, đại lí ngân hàng, cùng với các sản phẩm, dịch vụ như ví điện tử, tiền di động tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, nhờ việc áp dụng tiền di động, số lượng người trưởng thành có ít nhất 1 tài khoản tại một ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoặc với nhà cung cấp dịch vụ tiền di động đến năm 2021 đạt 76% (trong khi năm 2011 chỉ ở mức 25%). Ngân hàng di động và đại lí ngân hàng còn cho phép người dân thực hiện các giao dịch tài chính qua thiết bị di động và sử dụng đại lí bán lẻ để gửi, nhận tiền, thanh toán hóa đơn… Tiện ích này đặc biệt được minh chứng rõ trong đại dịch Covid-19.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Ở phương diện vĩ mô, tài chính số giúp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp; qua đó cải thiện đáng kể thu nhập và chất lượng cuộc sống của họ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan. Những con số ấn tượng và chuyển đổi số mang lại có thể kể đến như: Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Giá trị giao dịch qua ngân hàng trung bình lên tới 900.000 tỉ đồng (tương đương với hơn 40 tỉ USD) với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Đã có 68% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng với hơn 114 triệu tài khoản đã được mở tại các ngân hàng. Thông qua chuyển đổi số, tỉ lệ chi phí/doanh thu của các ngân hàng đã giảm 30 - 40%, giúp tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dịch vụ tài chính số, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan tới quyền riêng tư và mất an toàn dữ liệu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống tài chính và hoạt động đổi mới công nghệ.
Do đó, việc tổ chức Tọa đàm “Niềm tin của người tiêu dùng với các dịch vụ tài chính số” có ý nghĩa thực tiễn cao, là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với hệ thống tài chính nói chung và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính nói riêng. Kết quả buổi Tọa đàm này sẽ được các đơn vị liên quan để tham khảo, làm cơ sở cho việc định hướng, thực thi các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính số.
Ông Nguyễn Hải Linh - Trưởng phòng Home Credit trình bày tham luận
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam; Các yếu tố tác động tới niềm tin của người tiêu dùng với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số; Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - cơ hội cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính; Ứng dụng công nghệ, giảm chi phí tiếp cận khoản vay cho người tiêu dùng tài chính...
Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, kết quả buổi Tọa đàm đã góp phần cung cấp thêm cái nhìn toàn diện về vai trò của người tiêu dùng theo tinh thần “lấy khách hàng làm trung tâm” trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số tại Việt Nam để ngày càng nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với các nhà cung cấp.
Nội dung Tọa đàm đã khái quát toàn cảnh về kinh nghiệm của một số quốc gia và ngân hàng trên thế giới trong thực thi bảo vệ người tiêu dùng tài chính số, các bài học rút ra đối với Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp/vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dung đối với hệ thống tài chính nói chung và các dịch vụ tài chính số nói riêng, cụ thể:
Về phía NHNN: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lí, các quy định liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân; quy định về việc cung ứng dịch vụ mới, hiện đại của các TCTD, tổ chức công nghệ tài chính, công ty bảo hiểm, công ty viễn thông; quy định yêu cầu chuẩn hóa về cơ chế giải quyết khiếu nại, quyền của người tiêu dùng đối với hệ thống thông tin tín dụng.
Tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện ích phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng kết luận buổi Tọa đàm
Cùng với đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tham gia bảo vệ người tiêu dung dịch vụ tài chính (cơ chế chia sẻ thông tin, cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dung dịch vụ tài chính…).
Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân. Có thể phối hợp các nền tảng số để triển khai các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực tài chính.
Nghiên cứu, đổi mới các công cụ chính sách để tăng hiệu quả chính sách (quy định dựa trên kết quả, quy định thử nghiệm sandbox…)
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính: Hình thành bộ phận chuyên trách trong an ninh tài khoản và bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng; Xây dựng cơ chế tiếp nhận, quản lí và giải quyết khiếu nại và quy trình xử lí rủi ro trong trường hợp phát sinh sự cố, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Phân tích và đánh giá những rủi ro hay khó khăn mà khách hàng có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số để thiết lập cơ chế an ninh bảo mật và tiếp nhận, xử lí khiếu nại phù hợp hơn.
Đồng thời, thiết kế trải nghiệm sản phẩm số thuận tiện kết hợp với chốt chặn an toàn; Liên tục truyền thông, nâng cao nhận thức khách hàng để khách hàng có thể chủ động phát hiện, nhận biết các rủi ro tiềm ẩn. Sử dụng hệ thống phân tích trí tuệ nhân tạo, nhận diện giao dịch bất thường khi phát hiện giao dịch tiềm ẩn rủi ro; đưa ra khuyến cáo cho khách hàng qua các kênh khác như SMS, notification; Phối hợp cơ quan quản lí nâng cao nhận thức người dân trong môi trường đổi mới số, để khách hàng có thể tự bảo vệ bản thân trong môi trường số.
Theo sbv.gov.vn