Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thông tin đầy đủ, kịp thời sẽ có tác dụng nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho đảng viên, làm cho đảng viên củng cố quan điểm, kiên định lập trường đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; đồng thời, góp phần định hướng trong nhận thức, vững vàng trong hành động nhằm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
PGS.,TS. Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
truyền đạt nội dung Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương.
Thực tế, có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nếu các cấp ủy đảng chậm cung cấp thông tin chính thống, định hướng sẽ khiến dư luận bức xúc, đảng viên, quần chúng dễ bị kích động, lôi kéo vào những việc làm sai trái. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các cấp ủy đảng cần thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông tin cho cán bộ, đảng viên được tiến hành bằng nhiều kênh, trong đó hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên được Đảng ta xác định là đóng vai trò, vị trí rất quan trọng, có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin, bao gồm cả những thông tin có tính nội bộ về tình hình thời sự quốc tế, trong nước; phổ biến, giải thích các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn mới ban hành, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Phân tích, bình luận, làm rõ nội dung, ý nghĩa chính trị của các sự kiện, các nhiệm vụ, qua đó định hướng dư luận. Trên cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, có sức thuyết phục, báo cáo viên làm rõ bản chất các sự vật, hiện tượng, từ đó chỉ ra các nguyên nhân, dự báo chiều hướng, khả năng và triển vọng của tình hình, định hướng thông tin, nhất là những thông tin có tính chính trị cao. Từ định hướng thông tin, báo cáo viên động viên, cổ vũ người nghe, tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động theo mục tiêu chính trị đề ra.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, đặc biệt là Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Với vai trò là một khâu quan trọng trong công tác tuyên truyền, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung nêu trên mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ báo cáo viên, những năm qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đội ngũ báo cáo viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngày càng được quan tâm, từ đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương, xây dựng Đảng bộ Khối trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên cấp Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có 30 đồng chí, trong đó 10 báo cáo viên ở cơ quan Đảng ủy Khối, 20 báo cáo viên ở các đảng ủy trực thuộc bảo đảm đủ số lượng theo quy định, cơ cấu hợp lý và tính đại diện giữa các đảng bộ trực thuộc, các ban, đơn vị Đảng ủy Khối. Có 32/34 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương thành lập, chỉ định đội ngũ báo cáo viên, số lượng báo cáo viên cấp đảng ủy trực thuộc hiện có 148 đồng chí. Số lượng báo cáo viên cấp cơ sở trong toàn Đảng bộ Khối là 325 đồng chí. Đội ngũ báo cáo viên của các đảng ủy trực thuộc được thành lập đảm bảo tính đại diện các lĩnh vực, là các đồng chí lãnh đạo cấp bộ, cấp vụ có trình độ và nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác tuyên truyền miệng. Trong hoạt động, đội ngũ báo cáo viên các cấp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương luôn chấp hành và thực hiện tốt quy chế hoạt động và giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, cung cấp thông tin trong nội bộ Đảng; chủ động nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin, chuẩn bị chu đáo các nội dung được phân công truyền đạt tại hội nghị; nhiều báo cáo viên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, hấp dẫn, nội dung thông tin mang tính thời sự, có liên hệ sát với tình hình thực tiễn ở cơ quan, đơn vị, tạo được uy tín và hấp dẫn người nghe. Có thể nói, đội ngũ báo cáo viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đang ngày càng xứng đáng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cán bộ, đảng viên. Đồng thời, góp phần đấu tranh phòng ngừa, phản bác âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong Đảng bộ Khối còn một số hạn chế như: Đội ngũ báo cáo viên chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, phương thức hoạt động còn mang tính một chiều, chưa phát huy tốt hình thức đối thoại, trao đổi, giải thích các tình huống với người nghe nhất là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; một số ít báo cáo viên phương pháp tuyên truyền còn sơ cứng và nội dung chưa gắn kết chặt chẽ việc phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và đấu tranh kịp thời, quyết liệt với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm, thành tích đạt được để hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ngày càng nền nếp, đi vào chiều sâu, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương xác định cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản hướng dẫn của Trung ương và các văn bản của Đảng ủy Khối nhằm thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ báo cáo viên và ý nghĩa của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình hiện nay. Làm cho các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên thống nhất quan điểm cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, trong đó lực lượng báo cáo viên là nòng cốt.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên; định kỳ hằng năm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế hoạt động báo cáo viên; thường xuyên tổ chức, duy trì và nâng cao chất lượng hội nghị báo cáo viên; tăng cường trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền miệng giữa các đảng ủy trực thuộc và đội ngũ báo cáo viên.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động tuyên truyền miệng, đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin, nâng cao tính định hướng và sức thuyết phục của hoạt động tuyên truyền miệng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thu hút sự quan tâm của phần lớn dư luận xã hội. Gắn công tác tuyên truyền với trao đổi, đối thoại, vừa truyền tải trực tiếp những thông tin cần thiết, vừa nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa ưu thế của mạng xã hội để hỗ trợ truyền tải thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
Thứ tư, gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền miệng với hoạt động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đây là môi trường, phương tiện hiện nay các thế lực thù địch đang khai thác triệt để nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì vậy, cần tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng và lực lượng đấu tranh trên không gian mạng; bố trí để báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ của thành viên lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch nhằm tuyên truyền, định hướng tư tưởng và đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Ban Tuyên giáo cấp ủy cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động thường xuyên của lực lượng báo cáo viên; thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; thường xuyên kiểm tra để kịp thời uốn nắn, định hướng công tác tuyên truyền. Hằng năm, tổ chức đánh giá, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể...
Thứ năm, đội ngũ báo cáo viên các cấp cần không ngừng nỗ lực vượt khó, trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng các phương pháp tuyên truyền miệng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động; đầu tư thời gian, trí tuệ nghiên cứu sâu nội dung các nghị quyết, chương trình hành động, các kế hoạch, đề án,… thực hiện nghị quyết đại hội Đảng để truyền đạt hiệu quả, sinh động, liên hệ các vấn đề một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng.
Vũ Văn Chỉnh
Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương