Ảnh minh họa
Nhiều điểm sáng nổi bật
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2020, có thể thấy tình hình kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm. Theo đó, trong 9 tháng vừa qua nền kinh tế có nhiều điểm sáng nổi bật. Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.
Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý́ III/2020 tăng khá.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương; trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI. Xuất siêu đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD…
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại; các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn… Đặc biệt tăng trưởng GDP quý III khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%; 9 tháng tăng 2,12%, tạo tiền đề rất lớn để đạt mức tăng trưởng dương cả năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài chính. Thách thức nội tại như ngành công nghiệp, xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm trước, thể hiện người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng.
Hạ lãi suất, thúc đẩy tín dụng
Trong 3 tháng còn lại của năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5 - 3% trong năm nay. Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.
Chia sẻ về kế hoạch từ nay đến cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ tối đa cho tăng trưởng kinh tế, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của DN cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực, thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, trong đó mức trên 9% là khả thi.
Để đạt được mục tiên đó, thời gian qua NHNN đã thực hiện rất tích cực nhiều giải pháp đồng bộ, như xử lý khó khăn cho DN thông qua cơ cấu lại các khoản nợ, lãi đến hạn. Tuy nhiên Phó Thống đốc đánh giá giải pháp quan trọng nhất chính là giảm lãi suất. Theo đó, từ đầu năm đến nay NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, đặc biệt là lần thứ 3 (ngày 1/10) đã có hiệu lực tức thì. Cộng hưởng lại mức giảm sau 3 lần là khoảng 1,5-2%, sẽ tạo nguồn vốn rẻ cho các NHTM để tạo điều kiện cho DN và người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh đó, bản thân các NHTM cũng đã giảm chi phí, giảm các điều kiện để hỗ trợ DN vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế vấn đề hỗ trợ thông qua hạ lãi suất, kể cả việc cho vay mới hay các khoản vay cũ, đều tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn. “NHNN cho rằng việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá.
Cùng với nhiều chính sách về tín dụng, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn thông qua cơ chế hỗ trợ về thuế, tài chính… cũng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng. Trên cơ sở các điều kiện thực tế như vậy, NHNN đặt ra kỳ vọng hết năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tối ưu là 9-10%.
Liên quan đến vấn đề định danh người sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt là giải pháp để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đây là vấn đề mà NHNN hết sức quan tâm. Cùng với các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ thông tin và Truyền thông, NHNN đã và đang tích cực rà soát, xây dựng lại hành lang pháp lý chặt chẽ và an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, để xác định cũng như tạo điều kiện cho vấn đề định danh của khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán hay dịch vụ thẻ, NHNN đã và đang nghiên cứu để xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành về Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Dự kiến Thông tư này sẽ sớm được ban hành trong tháng 10/2020.