Mỗi doanh nghiệp FDI đều là một đối tác quan trọng
Theo Kết quả khảo sát năm 2022 do JETRO thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, có 60% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN; 56,5% doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất… Trong khi đó theo khảo sát về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút ĐTNN sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn ĐTNN được dự báo giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao.
Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: (i) công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; (iii) năng lượng sạch;… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà ĐTNN đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Khẳng định mỗi một doanh nghiệp FDI đều là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít năng lượng, đất đai, tài nguyên nhưng đem lại giá trị gia tăng cao; Tăng cường trao đổi, liên hệ kịp thời với các cơ quan quản lí về đầu tư tại Trung ương và địa phương để có được sự hỗ trợ, hướng dẫn và sớm có được quyết định đầu tư; Xây dựng tinh thần chia sẻ, hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tổ chức sản xuất kinh doanh bền vững, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ; Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng các cơ hội và lợi thế mỗi bên. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.
Với 100 đầu cầu trong nước; 83 đầu cầu nước ngoài, đây là Hội nghị trực tiếp, trực tuyến với các nhà ĐTNN có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Trên tinh thần thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, khẩn trương và hiệu quả, Hội nghị đã lắng nghe khoảng 20 lượt ý kiến từ các đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài lớn phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, giải quyết thủ tục hành chính, khó khăn về pháp lí,… và các đề xuất tháo gỡ cũng như các lĩnh vực mà Việt Nam cần tập trung cải thiện để tăng thu hút ĐTNN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát các vấn đề nổi lên mà các đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vừa phản ánh trước đó. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lí ngay theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ kí ban hành văn bản chỉ đạo sau Hội nghị này về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả ĐTNN.
Môi trường an toàn, minh bạch, cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài
Về các định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà ĐTNN yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề mà nhà đầu tư kiến nghị.
Chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: (i) Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: (i) Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; (ii) Tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; (iii) Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; (iv) Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.
Trên tinh thần đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới đối với các Bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng chỉ rõ là tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, bảo đảm yếu tố cân đối, hợp lí, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp (nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; phát triển thị trường trong nước gắn với mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…).
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về pháp lí, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI có tính lan tỏa cao, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng cũng mong muốn sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, vì lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”.
Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển. Thành công đến từ sự hợp tác, tin tưởng, chung sức, đồng lòng.