Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật PCRT) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực PCRT.
Cùng với Bộ luật Hình sự 2009 (đã được thay thế bằng Bộ luật Hình sự 2015) và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đầy đủ về lĩnh vực PCRT, giúp công tác PCRT ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bài viết này cùng nhìn lại công tác PCRT sau gần 10 năm thực hiện Luật PCRT, những kết quả đạt được, cũng như một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật PCRT cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới và một số đề xuất kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Điểm cầu Việt Nam - Hội nghị toàn thể đặc biệt (trực tuyến) phê
duyệt Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam năm 2021"
Một số kết quả đạt được
Từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Sau khi Luật PCRT được ban hành, hàng loạt các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện pháp luật PCRT và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ sở pháp lý về PCRT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCRT, đồng thời, với việc ban hành Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn, Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận nỗ lực trong việc giải quyết những thiếu hụt nghiêm trọng trong cơ chế PCRT và đáp ứng cơ bản các Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền.
Hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác PCRT: Sau khi Luật PCRT được ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan có trách nhiệm trong công tác PCRT, bao gồm: kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về PCRT; thiết lập đầu mối chịu trách nhiệm về công tác PCRT tại hàng loạt các bộ, ngành và đơn vị liên quan; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với trách nhiệm là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCRT đã kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục PCRT để thực hiện vai trò là Cơ quan PCRT theo quy định của pháp luật PCRT và là đơn vị tình báo tài chính của Việt Nam.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết của cơ quan quản lý và đối tượng báo cáo về công tác PCRT: Công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về PCRT được đẩy mạnh trong thời gian qua. NHNN - với vai trò là cơ quan đầu mối đã phối hợp với các bộ, ngành và đối tác có liên quan ở trong và ngoài nước tổ chức: (i) hàng chục khóa tuyên truyền về pháp luật PCRT cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhân viên của các bộ, ngành, đơn vị và đối tượng báo cáo tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; (ii) hàng trăm khóa đào tạo về PCRT cho nhiều đối tượng báo cáo thuộc các loại hình khác nhau; xây dựng các đặc san, xuất bản cẩm nang về PCRT, công trình nghiên cứu khoa học, cùng nhiều bài viết nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật PCRT. Các bộ, ngành liên quan cũng chủ động triển khai nhiều lớp tập huấn về PCRT, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt thực hiện pháp luật PCRT; cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn rửa tiền đưa vào chương trình giáo dục pháp luật hàng năm. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền tại các bộ, ngành; cải thiện việc tuân thủ thực hiện pháp luật PCRT của các đối tượng báo cáo.
Tăng cường hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát về PCRT: Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố và xử phạt vi phạm hành chính đã được các bộ, ngành bước đầu được triển khai. Từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra về PCRT tại các tổ chức báo cáo.
Hiệu quả việc thực hiện các biện pháp PCRT: Trên cơ sở quy định của pháp luật PCRT, hiện nay, hầu hết các đối tượng báo cáo trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino đã xây dựng quy định nội bộ, thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, thực hiện trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo cũng chủ động xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo hàng năm để nâng cao nhận thức về PCRT.
Tính từ năm 2013 đến năm 2021, Cục PCRT đã tiếp nhận khoảng 12.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo (trong đó số lượng báo cáo do các tổ chức báo cáo là ngân hàng chiếm số lượng lớn nhất). Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của Cục PCRT đã nhận các báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử và giao dịch tiền mặt giá trị lớn liên quan đến khoảng 425 triệu giao dịch. Số lượng báo cáo mà Cục PCRT tiếp nhận trong giai đoạn này tăng nhiều lần so với giai đoạn trước khi Luật PCRT được ban hành, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ tăng 6 lần so với giai đoạn 2006 - 2013, chất lượng báo cáo cũng có sự cải thiện rõ rệt.
Trong giai đoạn 2013 - 2021, Cục PCRT đã chuyển giao hơn 1.000 vụ việc cho các cơ quan chức năng; phối hợp cung cấp thông tin cho gần 1.000 lượt đề nghị phục vụ công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra. Thông tin, tài liệu do Cục PCRT chuyển giao, cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đã có hàng chục vụ việc được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền bước đầu có chuyển biến tích cực: Trong vài năm trở lại đây, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền ngày càng được chú trọng, theo đó, Việt Nam đã hoàn tất xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền và đang điều tra truy tố hàng chục vụ việc.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong PCRT tiếp tục được đẩy mạnh: Công tác trao đổi thông tin về PCRT được đẩy mạnh thông qua việc đàm phán và ký kết 9 Bản ghi nhớ (MOU) trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố; đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo tài chính với các đối tác quốc tế. Việt Nam thực hiện vai trò thành viên tích cực tại Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) nhất là hoạt động đánh giá đa phương giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hạn chế, bất cập trong quy định của Luật PCRT cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 10 năm thực hiện, Luật PCRT đã bộc lộ những hạn chế dẫn đến sự chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai, chưa phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực quốc tế mới về PCRT, cần được nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, một số lĩnh vực, hoạt động có rủi ro rửa tiền cao chưa được quy định là đối tượng báo cáo theo Luật PCRT. Quy định về đối tượng báo cáo tại Luật PCRT chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế. Theo đó Luật PCRT hiện chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền như: cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ... Hạn chế này xuất phát từ việc thời điểm Luật PCRT được ban hành một số lĩnh vực chưa xuất hiện ở Việt Nam hoặc Luật chưa quy định rõ nên chưa có cơ sở để tổ chức triển khai.
Thứ hai, thiếu các quy định về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác PCRT. Luật PCRT năm 2012 không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát PCRT trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác PCRT được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong bộ 40 Khuyến nghị của FATF về PCRT được Đoàn đánh giá đa phương của APG khuyến nghị bổ sung để khắc phục những khuyết thiếu trong cơ chế PCRT.
Thứ ba, quy định về các biện pháp PCRT áp dụng đối với đối tượng báo cáo vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt so với yêu cầu tại 40 khuyến nghị của FATF về các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, như: (i) Quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) không điều chỉnh đối với PEPs trong nước - là nhóm đối tượng khách hàng có rủi ro rửa tiền (từ tham nhũng) cao; (ii) Các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng; (iii) Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới trong một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể; (iv) Quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới còn chưa đầy đủ, rõ ràng; (v) Các quy định về nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ, hoạt động ngân hàng đại lý, chuyển tiền điện tử, kiểm soát nội bộ, tiết lộ thông tin, dựa vào bên thứ ba... còn hạn chế, thiếu hụt, chưa đáp ứng yêu cầu trong khuyến nghị của FATF.
Thứ tư, quy định về việc thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về PCRT chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ cơ bản, chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối và NHNN như công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện công tác PCRT.
Thứ năm, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT còn thiếu và chưa rõ ràng. Xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay tại một số lĩnh vực chưa có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý, do đó chưa có quy định rõ ràng về cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động PCRT đối với đối tượng kinh doanh các loại kim loại quý, đá quý khác. Bên cạnh đó, khi các đối tượng báo cáo mới được bổ sung, Luật PCRT cũng cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT đối với các lĩnh vực mới phát sinh này.
Một số đề xuất, kiến nghị
Việc ban hành Luật PCRT (sửa đổi) là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCRT trong thời gian tới. Bài viết xin đưa ra một số đề xuất kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Luật PCRT như sau:
Một là, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật PCRT cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác PCRT để bao quát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, đảm bảo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền phải thực hiện các nghĩa vụ về PCRT.
Hai là, bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng đối tượng báo cáo; áp dụng các biện pháp thích hợp quản lý rủi ro về rửa tiền.
Ba là, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo đảm bảo tuân thủ rộng nhất có thể các Khuyến nghị của FATF.
Bốn là, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin PCRT.
Năm là, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT.
Cục Phòng, chống rửa tiền - NHNN