Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỉ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động.
Ngày 1/5/1886, giai cấp công nhân lao động tại thành phố công nghiệp Chicago (nước Mỹ) đã tham gia cuộc biểu tình nhằm gây áp lực, buộc giới chủ thực hiện yêu sách giảm chỉ còn 8 giờ làm mỗi ngày. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã lan rộng ra toàn nước Mỹ.
Các cuộc biểu tình ngày càng rầm rộ với số công nhân tham gia đông nổ ra trên toàn nước Mỹ. Cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Đến ngày 20/6/1889, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỉ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động. Trước đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỉ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.
Nhằm chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận về việc lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đồng thời, từ năm 2017, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động.
Kể từ đó, tháng 5 - Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Mục tiêu tập trung cao nhất các nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động trong “Tháng Công nhân năm 2023”, quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
|
Theo Linh Đan/congthuong.vn