Ngày 15/10/2018, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh đã đến dự và chứng kiến lễ trao Biên bản hợp tác chung giữa Cục Công nghệ thông tin với Cơ quan Xúc tiến Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (NIPA) và Viện Tài chính viễn thông và Thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) về giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong lĩnh vực ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Tổng Thư ký Hiệp hội
Ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng chứng kiến Lễ trao Biên bản
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) gần đây đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của hệ thống tài chính - ngân hàng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Trong những năm vừa qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã luôn chủ động trong việc tiếp cận, nghiên cứu nhằm ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ để cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nhiều tiện ích, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, qua đó góp phần tạo bước đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực Fintech cũng đặt ra các thách thức mới đối với NHNN trong việc thiết lập khuôn khổ quản lý và pháp lý đối với lĩnh vực này. Nhận thức được tầm quan trọng và các thách thức đặt ra từ sự phát triển của lĩnh vực Fintech, từ tháng 3/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Fintech của NHNN do một Phó Thống đốc NHNN làm Trưởng ban. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 8/2018 cũng đã xác định định hướng về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ và phát triển dịch vụ ngân hàng phải gắn liền với các lợi thế, công nghệ đặc trưng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc buổi Lễ
Triển khai nhiệm vụ chiến lược về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những hoạt động của NHNN là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo hệ sinh thái đồng bộ cho các ngân hàng và công ty Fintech phát triển, cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp và theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng. Theo đó, cùng với tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, NHNN nghiên cứu ban hành chuẩn dữ liệu mở (Open API) sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng và cộng đồng Fintech hướng đến một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ mang ý nghĩa nâng cao trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ ngân hàng gia tăng mới trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo ra một sân chơi bình đẳng, qua đó các ngân hàng lớn phải cạnh tranh nhiều hơn với các ngân hàng nhỏ và mới thành lập. Open API là một vấn đề mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API ngoài vấn đề công nghệ còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý.
Quang cảnh buổi Lễ
Cục Công nghệ thông tin được giao làm đầu mối nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ đặc trưng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam, hiện nay Cục CNTT đang tổ chức triển khai nhiều nhóm nghiên cứu về Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, Ngân hàng số, Blockchain, trí tuệ nhân tạo và Chuẩn dữ liệu mở (Open API).
Với mục tiêu hướng đến một hệ thống ngân hàng Mở, thúc đẩy tính cạnh tranh về dịch vụ ngân hàng, khuyến khích nhiều bên cung cấp các dịch vụ sáng tạo và tích hợp nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng, NHNN tiếp tục nghiên cứu, ban hành khung pháp lý về Chuẩn dữ liệu mở (Open API) cho phép Bên thứ ba truy cập vào và cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ chính dữ liệu của ngân hàng. Đây là một xu thế trong tiến trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng trên khắp toàn cầu, nhưng đây cũng là vấn đề rất mới ngay cả đối với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Về Chuẩn dữ liệu mở (Open API), trong quá trình nghiên cứu Cục CNTT nhận thấy để triển khai được trong ngành Ngân hàng Việt Nam, có nhiều vấn đề về pháp lý và công nghệ cần được làm rõ và tháo gỡ như: đảm bảo bí mật, tính riêng tư của thông tin cá nhân; mô hình và chuẩn kết nối thông tin giữa hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech; phạm vi và lộ trình mở dữ liệu của ngân hàng; các vấn đề về an ninh CNTT trong việc bảo vệ hệ thống thông tin khỏi các nguy cơ truy nhập bất hợp pháp...
Theo đó, mỗi vấn đề đều cần có đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đồng bộ để từ đó có thể tham mưu cho Thống đốc NHNN, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định để tạo dựng môi trường pháp lý cho việc mở thông tin của ngành ngân hàng Việt Nam nằm trong tiến trình chung về chuyển đổi số của toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Từ đó giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên: ngân hàng, các công ty Fintech và nhất là khách hàng.
Tại Hàn Quốc, nền tảng dữ liệu mở dùng chung cho các ngân hàng (Common Open Platform for Banks in Korea) được triển khai chính thức từ tháng 8/2016 do Viện Tài chính viễn thông và thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) vận hành, có 16 ngân hàng và 23 công ty chứng khoán là thành viên.
Việc hợp tác giữa Cục CNTT với NIPA và KFTC sẽ giúp Cục CNTT học hỏi được kinh nghiệm thực tiễn triển khai Open API từ Hàn Quốc, giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, tham mưu cho Thống đốc NHNN.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tặng hoa chúc mừng các bên tham gia hợp tác
Sau Lễ trao Biên bản, các bên đã nghe cán bộ Cục CNTT trình bày về hiện trạng và nhu cầu, các thách thức triển khai Open API trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, cán bộ Vụ Pháp chế nói về các vấn đề pháp lý về đảm bảo bí mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng; chuyên gia của KFTC giới thiệu về hệ thống thanh toán bán lẻ tại Hàn Quốc, nền tảng mở chung cho các ngân hàng Hàn Quốc; Chuyên gia đến từ Ngân hàng Nonghyup thuyết trình về Case study “Nền tảng mở Fintech ACIO (All Connected in & out).
Buổi chiều, các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi, thảo luận về các thách thức rủi ro; cách tiếp cận khung pháp lý Open API trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với Việt Nam; các vấn đề pháp lý cần triển trai; dữ liệu mở và các giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật để triển khai Open API tại Việt Nam; an toàn an ninh bảo mật đối với Open API…
Theo sbv.gov.vn