Chào mừng Kỷ niệm 71 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2022) Ký ức về sự nghiệp đào tạo cán bộ ngân hàng
06/05/2022 08:35 2.121 lượt xem


Lớp học đầu tiên tại Vũng Tàu, đào tạo các Trưởng, Phó ngân hàng tỉnh, huyện, thị xã ở miền Nam năm 1976
 
I- Từ tay trắng tạo dựng nên cơ nghiệp
 
Thời kỳ đầu thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, những cán bộ tiền bối được Trung ương Đảng chọn từ nhiều nguồn: một số tỉnh ủy viên đang học ở Trường Nguyễn Ái Quốc, từ Ban Kinh tài Trung ương, từ cán bộ Ngân khố, cán bộ kháng chiến, cán bộ cốt cán chính trị… ở các khu, tỉnh, thành phố. Hầu hết số cán bộ này chưa hề hiểu biết và có kiến thức về hoạt động ngân hàng. Công việc cấp thiết là trang bị kiến thức về hoạt động ngân hàng cho đội ngũ cán bộ này. Cố Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Lương Bằng và người kế nhiệm là ông Lê Viết Lượng đã đặc biệt quan tâm đến việc tuyển chọn và cập nhật kiến thức về ngân hàng khi giao trọng trách cho họ.
 
Tại chiến khu Việt Bắc, khóa học đầu tiên về ngân hàng được khai giảng ngày 29/3/1951. Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến huấn thị và giao nhiệm vụ cho khóa học. Ba nội dung thiết yếu: Kiến lập ngân hàng, đấu tranh tiền tệ với địch, phát hành giấy bạc ngân hàng, được truyền đạt cấp tốc trong 7 ngày. Học viên gồm cán bộ Ban Tài chính Trung ương, khu, tỉnh, thành phố, cán bộ lãnh đạo Bộ Tài chính, Nha Tín dụng sản xuất và một số cán bộ lãnh đạo ở Nam Bộ Liên khu V ra dự Đại hội Đảng lần thứ II cùng ở lại tham dự. Tiếp đó, các hội nghị toàn ngành được kéo dài thêm một số ngày hoặc triệu tập cán bộ ngân hàng địa phương về ATK (an toàn khu) để bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ ngân hàng.
 
Số cán bộ tiền bối lớp đầu tiên trên đây, sau khóa học cấp tốc, được giao đảm trách các chức vụ trọng yếu: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và phần lớn là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Hiệu trưởng, Trưởng chi nhánh ngân hàng Khu, tỉnh, thành phố, số lượng lên tới trên 100 người, nay một số cụ còn sống cũng đã trên dưới 90 tuổi.
 
Lớp kế tiếp sau, những người trẻ hơn, được tuyển chọn để đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng, thời gian dài hơn. Có thể kể đến các khóa học sau đây:
 
- Năm 1952 - 1953, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tuyển chọn các học sinh cấp II, cấp III để đào tạo về kế toán ngân hàng. Tại chiến khu Việt Bắc thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, lớp kế toán trưởng đầu tiên, thời gian học 6 tháng, được khai giảng năm 1952. Tiếp sau đó, cũng tại đây, mở tiếp các lớp kế toán trưởng để đáp ứng yêu cầu mở rộng mạng lưới ngân hàng.
 
- Tháng 5/1955, sau khi miền Bắc được giải phóng (tức sau 7 tháng tiếp quản thủ đô Hà Nội) một khóa học 3 tháng được khai giảng, địa điểm tại tầng hầm của tòa Nhà băng Đông Dương (nay là Trụ sở Ngân hàng Trung ương). Đây là khóa học sơ cấp đầu tiên, học về nghiệp vụ ngân hàng và nghiệp vụ ngoại hối. 127 học viên, được tuyển chọn chủ yếu ở các tỉnh Liên khu IV, Liên khu III và một số thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc. Khóa học có 2 lớp: Lớp nghiệp vụ ngân hàng và lớp nghiệp vụ ngoại hối. Học xong, học viên được phân công công tác tại các Vụ, Cục ở Ngân hàng Trung ương và một số tỉnh, thành phố.
 
- Ngoài lớp sơ cấp nói trên, năm 1954 - 1955, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam còn mở các lớp sơ cấp tại Ấp Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) và mở trường sơ cấp tại Xuân La (Hà Nội).
 
- Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chủ trương nâng trình độ của lãnh đạo ngân hàng lên cao hơn; năm 1957, mở thêm trường Bổ túc cán bộ Ngân hàng, tại số nhà 35 Hồng Bàng, Hải Phòng để bồi dưỡng nhanh trình độ Trung cấp ngân hàng cho cán bộ lãnh đạo, các Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng ở Ngân hàng Trung ương. Khóa I (1957) có 143 học viên, khóa II (1957 - 1958) có 142 học viên; thời gian học 9 tháng. Ngay từ khóa I, ông Lê Viết Lượng đã chỉ đạo: Tất cả cán bộ lãnh đạo cấp Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố phải bàn giao việc điều hành cho cấp phó để yên tâm về trường dự khóa học. Nếu cán bộ nào thi đỗ, được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, hoặc được bổ nhiệm chức vụ tương đương; không đỗ thì ôn tập để thi lại; nếu thi lại không đỗ, bị bố trí sang công việc khác; nếu đỗ thủ khoa, được nâng lương vượt cấp.
 
- Thời gian từ 1959 - 1960, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mở thêm 2 trường nghiệp vụ ngân hàng tại Cổ Mễ (Bắc Ninh) và Cự Đà (Hà Đông). Ngân hàng Quốc gia Việt Nam giao cho các Chi nhánh Ngân hàng tỉnh, thành phố tuyển chọn học sinh cấp II, III vào học, thời gian 6 tháng. Nội dung học cao hơn sơ cấp. Đây là bước đột phá mới về đào tạo, với quy mô lớn. Mỗi khóa tuyển chọn từ 200 - 300 học sinh, liên tục đào tạo 3 - 4 khóa học. Như vậy, những năm 1959, 1960, 1961 các trường này đã đào tạo mới hàng ngàn cán bộ ngân hàng trẻ, đáp ứng yêu cầu mở rộng mạng lưới ngân hàng đến các huyện ở miền Bắc.
 
Gọi là trường, nhưng đâu đã có lớp học, hội trường, ký túc xá như sau này! Tất cả đều dựa vào dân. Cán bộ, học sinh đều phải trọ tại nhà dân; mượn đình, chùa, nhà kho của làng làm hội trường, lớp học; nhà bếp, nhà ăn... đều là nhà tranh, tre, nứa, lá. Thầy giáo là cán bộ đương chức tại Ngân hàng Trung ương, vừa làm công tác chuyên môn, vừa viết giáo trình, tài liệu và lên lớp.
 
Một sự kiện lớn nữa trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngân hàng là thành lập Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, ngày 13/9/1961. Để có được kết quả ở thời điểm trên, là một thời đoạn thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo Ngành và những người thực thi lúc đó.
 
Nhiều ký ức của cán bộ ngân hàng cựu trào đã nhắc lại điều kỳ diệu này. Chuyện kể rằng: Năm 1957, khi xuống thăm lớp huấn luyện nghiệp vụ ngân hàng trong khu lăng Hoàng Cao Khải ở Ấp Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Lê Viết Lượng nảy sinh ý tưởng xây dựng ở vùng này một trường quy mô lớn để đào tạo cán bộ ngân hàng (chính ông nguyên là một nhà sư phạm, dấn thân đi làm cách mạng, nên rất nhạy cảm, quan tâm đến đào tạo cán bộ). Ông xin phép Chính phủ cấp đất và cho lập một dự án táo bạo xây dựng Trường trên khu đất gần 6 ha toàn hồ ao sình lầy hoang hóa, gần chùa Bộc, Đống Đa. Phương châm lúc đó là tự lực cánh sinh, dựa vào sức người, sức của của chính ngành Ngân hàng; tự thiết kế, tự thi công. Kiến trúc sư của ngành Ngân hàng lúc đó là ông Đặng Cao Quảng và cộng sự đảm nhiệm toàn bộ việc thiết kế, tổ chức thi công ngay từ năm 1958, 1959, 1960.
 
Ở thời điểm này, một khu trường rộng gần 6 ha mọc lên một hội trường lớn, 4 tòa nhà 3 tầng và các dãy nhà tranh, tre, nứa, lá…  là một kỳ công. Từ đây không còn cảnh lên lớp tại đình chùa, nhà kho; thầy giáo, học sinh, cán bộ quản lý… không phải trọ nhà dân như trước.
 
Thời đó, một số ngành khác cũng được thành lập, nhưng không thấy dấu hiệu mở trường, xây dựng trường đào tạo như ngành Ngân hàng.
 
Ngày 13/9/1961, Văn phòng Phủ Thủ tướng có Văn bản số 3072/VG, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng. Thời gian đầu, trường có 2 hệ đào tạo: Trung cấp Ngân hàng và Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng. Hệ Trung cấp có: trung cấp tập trung chính quy, tuyển sinh ngoài xã hội và trung cấp hàm thụ tại chức. Hệ Cao cấp có: hệ chuyên tu tập trung, thi tuyển chọn những cán bộ ngân hàng đã tốt nghiệp cấp III, học theo chương trình đại học 4 năm; hệ Bổ túc sau trung học, dành cho cán bộ lãnh đạo ngân hàng địa phương, học 18 tháng; hệ đại học tại chức dành cho cán bộ ngân hàng vừa công tác, vừa tự học. Sau giải phóng miền Nam, Trường thành lập cơ sở II tại Tp. Hồ Chí Minh (cuối 
năm 1976).
 
Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng giữ tên gọi này đến ngày 25/3/1993, được đổi tên thành Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, rồi Học viện Ngân hàng (1998).
 
Cùng với hệ thống cao cấp, đại học trên đây, Ngân hàng Trung ương thành lập các trường Trung cấp Ngân hàng: Trường Trung cấp Ngân hàng tại Thái Nguyên (sau này chuyển về Sơn Tây), Trường T16, đào tạo học sinh Lào, Campuchia, các trường Trung học Ngân hàng I, Bắc Ninh, trường Trung học Ngân hàng II, Tuy Hòa và trường Trung học Ngân hàng III tại Tp. Hồ Chí Minh…  
 
Như vậy ở cấp toàn ngành, cấp quốc gia, ngay từ sau khi được thành lập, ngành Ngân hàng đã lần lượt đào tạo cán bộ với trình độ từ thấp lên cao dần, sơ cấp, trung cấp đến cao cấp, đại học, từ các lớp học ít người, nhỏ, gọn, ngắn ngày đến các khóa học đông hơn, dài ngày hơn, trường lớp có quy mô lớn hơn, nhiều hơn, sau này có tới hàng ngàn học sinh…
 
Ở cấp địa phương, mỗi chi nhánh tỉnh, thành phố lại tổ chức đào tạo tại chỗ các khóa tại chức đại học, trung học (theo chương trình của Ngân hàng Trung ương, hoặc các trường sau này). Để quản lý, theo dõi, tổ chức triển khai công việc đào tạo nhất quán trong ngành, từ những năm 1958, 1959, 1960 đã có hệ thống làm công tác huấn học (sau này gọi là đào tạo) từ Trung ương đến địa phương. Ở Ngân hàng Trung ương có phòng Huấn học, trong Vụ Tổ chức và cán bộ; ở địa phương, mỗi chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố, chọn cử người làm công tác huấn học. Phải kể đến sự kiện quan trọng lúc đó: Tháng 8/1960, Ngân hàng Trung ương mở một lớp học để đào tạo những người làm công tác huấn học của ngành. Trong số 108 học sinh đã học xong lớp nghiệp vụ A tại trường Cự Đà, tuyển chọn được 32 người để trực tiếp huấn luyện thêm về nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác huấn học. Lớp học này đặt dưới sự quản lý và đào tạo trực tiếp của phòng Huấn học Ngân hàng Trung ương, sau đó học viên được phân phối về các chi nhánh tỉnh, thành phố để làm công tác huấn học.
 
Đội ngũ thầy giáo truyền đạt kiến thức về ngân hàng trong giai đoạn đầu thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và tiếp đến những năm 1960 - 1961, đều kiêm chức. Xin được nhắc đến các thầy giáo kiêm chức, đã giảng dạy các môn học quan trọng: Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng môn Triết học Mác - Lênin; Phó Tổng Giám đốc Tạ Hoàng Cơ môn Chính trị kinh tế học; Thời kỳ quá độ: Tiến sỹ Trần Linh Sơn môn Chính trị kinh tế học và môn Tín dụng; ông Nguyễn Duy Bình môn Lý luận tiền tệ - tín dụng, tái sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; ông Bùi Thúc Liêm môn Quy luật lưu thông tiền tệ; ông Trần Dương môn Chức năng của tiền tệ, kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, đấu tranh tiền tệ với địch; ông Trịnh Văn Phú và ông Phạm Cự Hải môn Kế toán ngân hàng. Sau này có thêm các thầy kiêm chức: Hoàng Mạnh Quân, Hoàng Kim, Lê Văn Lộc, Huỳnh Văn Kỳ, Phạm Thọ, Phan Hạ Uyên, Phạm Khắc Tuân, Vũ Văn Tô, Võ Tòng, Vũ Thiện…
 
Cùng với những phương thức, cách làm từng bước đào tạo cán bộ ngân hàng ở trong nước, các vị lãnh đạo tiền bối của ngành Ngân hàng cũng đã quan tâm chọn cử cán bộ đi học ở các nước. 50 người được cử đi học Trung cấp ngân hàng, thời gian hai năm rưỡi tại Bắc Kinh. Tiếp sau đó, chọn cử một số cán bộ sang học ở Liên Xô, Tiệp Khắc…
 
Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí quá khứ thời đó, mới thấy các vị lãnh đạo Ngành rất quyết tâm, linh hoạt và sự nỗ lực tuyệt vời của thầy và trò qua mỗi chặng đường phát triển của Ngành, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, dần dần từng bước để có trình độ đáp ứng được quá trình phát triển của Ngành. Từ tay trắng dựng nên cơ đồ Ngân hàng Việt Nam.
 


Cựu Phó Trưởng phòng Huấn học Ngân hàng Trung ương Trịnh Bá Tửu phát biểu tại cuộc gặp mặt các cán bộ 
huấn học - đào tạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2021
II- Đào tạo cán bộ ngân hàng ở miền Nam
 
Có thể ít người biết được trong vùng chiến khu R ở miền Nam đã có một trường nghiệp vụ ngân hàng. Theo hồi ký của ông Phạm Văn Hài (là người phụ trách đầu tiên của trường này), ông được giao trọng trách lập bộ khung cho trường. Biên chế ban đầu của trường có 12 người. Tháng 1/1969, 30 học viên tham dự lớp sơ cấp đầu tiên. Nội dung học chủ yếu là kế toán, tài vụ và những khái niệm cơ bản về ngân hàng. Ông Trần Dương chỉ đạo ông Bảy Nhung tập hợp một số người B68 tại R, phân công mỗi người soạn bài giảng và trực tiếp lên lớp. 
 
Thầy giáo và học viên đều phải tham gia xây dựng lán trại, đào hầm, hào tránh bom pháo, đào hầm rộng để cất nhà, hội trường, lớp học và luôn sẵn sàng đánh lại biệt kích.
 
Tháng 4/1969, trường có thêm các cán bộ đã tốt nghiệp đại học từ miền Bắc vào làm giáo viên chuyên trách. Hai khóa đào tạo sơ cấp, nhưng rất bổ ích đối với cán bộ tăng cường cho các địa phương. Cuối năm 1969, Ban Kinh tài R quyết định nâng cấp nội dung đào tạo lên trung cấp tài vụ - kế toán. Đối tượng học là cán bộ phụ trách kế toán của các ban, ngành của Trung ương Cục và cán bộ chủ chốt của Ban Kinh tài tỉnh, huyện thuộc Nam Bộ.
 
Mùa khô năm 1970, tình hình biên giới rất căng thẳng. Để bảo toàn lực lượng, trường cùng Ban Kinh tài và các bộ phận trực thuộc phải di chuyển về sát biên giới Việt Nam - Campuchia, vào một khu rừng tại Tây Ninh xây dựng cơ sở mới. Thế là lại phải đào hầm, hào, làm lán trại, hội trường, lớp học… 
 
Công việc đang ngổn ngang thì ngày 18/3/1970, Campuchia nổ ra cuộc đảo chính. Sáng ngày 5/9/1970, lớp học của trường đang diễn ra như thường lệ thì máy bay V0.10 đã bay lượn trên đầu khu vực nhà trường. Tiếp theo là trực thăng quần đảo tầm thấp. 12 giờ trưa trực thăng quần đảo nhiều hơn, đổ quân xuống một khoảng trống gần trường. Lệnh chỉ huy khẩn cấp: tất cả mọi người phải luồn rừng chạy thẳng theo hướng Tây, là hướng đi sâu vào đất Campuchia. Địch phát hiện được dấu vết của trường, trực thăng bắn thẳng, thả cối xuống, máy bay phản lực thả bom xuống khu vực trường. Toàn bộ khu vực trường và lân cận lọt vào vùng đánh phá của địch. Thầy trò phải lẩn tránh từng đợt đánh phá ác liệt, mãi tới 7 giờ tối mới thoát khỏi vòng vây. Sau trận càn, trường bị tổn thất nặng nề, 14 người đã hy sinh. Sau trận càn này, ông Phạm Văn Hài được chuyển sang phụ trách một chốt vận tải thuộc C32 và ông Doanh Thắng Lung được điều động từ Ban Kinh tài R phân khu 1 về làm Hiệu trưởng, ông Cao Thọ Tuyến vẫn giữ chức Phó Hiệu trưởng. Lúc này, Trường được bổ sung một số giáo viên để dạy bổ túc văn hóa đến 10/10, tạo cơ sở để học nghiệp vụ ngân hàng.
 
Sau giải phóng, chỉ một thời gian ngắn, hệ thống ngân hàng ở miền Nam được thiết lập nhanh chóng, mạng lưới ngân hàng đã có tại các tỉnh, huyện, thị xã. Mặc dù đã có hàng trăm cán bộ ngân hàng được tăng cường từ miền Bắc vào, nhưng vẫn thiếu nhiều cán bộ. Nhiều cán bộ mới bố trí giữ các chức vụ Trưởng, Phó chi nhánh, tỉnh, huyện… là cán bộ chính trị, chiến sỹ của lực lượng vũ trang vừa rời tay súng. Do vậy, việc đào tạo cấp tốc cho đội ngũ cán bộ ngân hàng từ lãnh đạo đến nhân viên nghiệp vụ rất cấp thiết.
 
Đối với đội ngũ lãnh đạo, Ngân hàng Trung ương tổ chức khóa học đầu tiên tại Vũng Tàu, khai giảng tháng 9/1975, 76 cán bộ là Trưởng, Phó ngân hàng tỉnh, huyện, thị xã đã về học khóa đầu tiên này. Ông Hoàng Mạnh Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (nguyên Trưởng phòng Huấn học), Trưởng đoàn; chúng tôi - các thành viên của đoàn vào tổ chức quản lý và giảng dạy cho khóa học này gồm: Trịnh Bá Tửu, Hà Quang Đào, Đặng Đình Túc, Nguyễn Thọ Đàm, Đinh Văn Đồng… Kết thúc khóa học, các học viên được trở lại nơi đã cử đi học. Sau này, một số được học tiếp các khóa nâng cao và được giao đảm nhiệm các trọng trách Trưởng, Phó chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố ở miền Nam.
 
Cùng thời gian trên, một khóa học sơ cấp ngân hàng đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn, với 500 học sinh, phần lớn là con em cán bộ miền Nam. Lớp học này là tiền thân của trường Trung học ngân hàng III tại Tp. Hồ Chí Minh sau này. 
 
Một lực lượng hùng hậu khác được Ngân hàng Trung ương quan tâm đón nhận và đào tạo: 1.500 sinh viên là người miền Nam của các trường Đại học Luật khoa - Huế, Đại học Sài Gòn, Đại học Chính trị kinh doanh Đà Lạt, được gọi trở lại học tập. Họ được trang bị kiến thức lý luận và nghiệp vụ ngân hàng, sau đó được phân phối về các tỉnh, thành phố; những người học giỏi, điểm cao, nói viết tốt được chọn lựa bổ sung cho các trường ngân hàng làm giảng viên.
 
Còn rất nhiều kỷ niệm về sự nghiệp đào tạo cán bộ ngân hàng chưa được đề cập trong bài viết này: Phương thức, mô hình, đối tượng đào tạo, những khó khăn, vất vả, trở ngại, đổi thay; Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng gắn liền với quá trình đào tạo; đào tạo cán bộ cho 2 nước bạn Lào và Campuchia... Mong các cây bút trong Ngành ta viết tiếp.

 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016.
2. Kỷ yếu hội thảo “Tiếp lửa truyền thống” (Học viện Ngân hàng).
3. Kỷ yếu tọa đàm “Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Lê Viết Lượng với sự phát triển và sự nghiệp đào tạo của ngành Ngân hàng”.
4. B68, ngày ấy và bây giờ (Ban Liên lạc Đoàn cán bộ ngân hàng B68).

Trịnh Bá Tửu
Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng, nguyên Chánh Thanh tra NHNN, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương, Cựu Phó Trưởng phòng Huấn học Ngân hàng Trung ương
 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
22/11/2024 08:41 48 lượt xem
Sáng ngày 21/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã họp tổng kết với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
21/11/2024 11:10 129 lượt xem
Ngày 20/11/2024, Đoàn Lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Trung ương Cuba do bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
21/11/2024 09:55 120 lượt xem
Ngày 15/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Quyết định số 2525/QĐ-NHNN ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam, ký hiệu TCCS 04:2024/NHNN.
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
21/11/2024 09:32 113 lượt xem
Ngày 18/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
20/11/2024 17:06 146 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
19/11/2024 20:56 215 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Tổ Thường trực) đã có phiên họp thứ hai…
Ngành Ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG
Ngành Ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG
19/11/2024 15:17 209 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “ESG trong ngành Ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về vốn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về vốn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
19/11/2024 15:00 158 lượt xem
Ngày 18/11/2024, tại Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
19/11/2024 10:12 199 lượt xem
Ngày 14/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 9364/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?