Sáng 16/9/2022, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Tạp chí Ngân hàng xuất bản số đầu tiên (9/1952 - 9/2022).
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm
Dự gặp mặt kỷ niệm có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN; đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báoViệt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tạp chí Ngân hàng, các cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Ngân hàng cùng toàn thể cán bộ, viên chức Tạp chí Ngân hàng qua các thời kỳ.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu ôn lại truyền thống lịch sử 70 năm Tạp chí Ngân hàng xuất bản số đầu tiên (9/1952 - 9/2022)
Ôn lại lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách cho biết, năm 1952, một năm sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 15/SL ngày 06/5/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Lãnh đạo ngành Ngân hàng đã chỉ đạo thành lập Tập san Ngân hàng - tiền thân của Tạp chí Ngân hàng ngày nay. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 70 năm qua, Tạp chí Ngân hàng luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, phản ánh sinh động sự phát triển lý luận, nghiệp vụ và tổng kết hoạt động thực tiễn của toàn ngành Ngân hàng qua từng giai đoạn.
Trong những năm đầu mới thành lập, Tập san Ngân hàng vừa là công cụ tuyên truyền, giới thiệu các chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động ngân hàng, cũng như tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua, biểu dương người tốt, việc tốt, những sáng kiến và kinh nghiệm công tác, phê phán cái xấu, tiêu cực, vừa phổ biến các vấn đề lý luận và nghiệp vụ, chính sách, phương hướng hoạt động ngân hàng, trả lời thư bạn đọc, giới thiệu văn bản mới. Về sau, ngoài những vấn đề nêu trên, Tập san Ngân hàng đã mở rộng giới thiệu các kinh nghiệm hoạt động ngân hàng của các nước trên thế giới; nhiều bài viết tập trung vào mối quan hệ giữa ngân hàng với bạn hàng, vấn đề quản lý kinh tế; xuất bản các số đặc biệt về thi đua ngành Ngân hàng, tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các ngân hàng…
Từ năm 1952 đến năm 1989, trong 38 năm hoạt động, Tập san Ngân hàng đã có đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành trong quá trình phục vụ hai cuộc kháng chiến thắng lợi, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đổi mới hoạt động ngân hàng nói riêng.
Cuối năm 1990, nền kinh tế nói chung và hệ thống Ngân hàng nói riêng bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện; trong đó, nổi bật là việc xây dựng và triển khai thực hiện hai Pháp lệnh về Ngân hàng. Đứng trước yêu cầu nâng cao vị thế về thực hiện nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực báo chí và tuyên truyền, Ban Lãnh đạo NHNN đã thống nhất chủ trương đề nghị và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép nâng cấp Tập san Ngân hàng thành Tạp chí Ngân hàng - Tạp chí lý luận và nghiệp vụ của NHNN, sử dụng diễn đàn này của Ngành để thu hút trí tuệ tập thể, góp phần bàn thảo những vấn đề cấp bách, thiết thực trước sự nghiệp đổi mới của Ngành.
Tiếp bước những thành công của thế hệ đi trước, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của ngành Ngân hàng Việt Nam, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Ngân hàng đã ra sức nỗ lực đưa Tạp chí tiến cùng với nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tạp chí Ngân hàng đã nhiều lần thực hiện việc đổi mới toàn diện mang tính “cách mạng” về cả nội dung và hình thức ấn phẩm xuất bản, nhằm vừa hoàn thành xuất sắc yêu cầu và nhiệm vụ được Ngành giao, vừa đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin; thu hút trí tuệ tập thể, góp phần bàn thảo những vấn đề cấp bách, thiết thực trước sự nghiệp đổi mới của Ngành.
Về nội dung, Tạp chí Ngân hàng đã đổi mới và mở thêm các chuyên mục, nâng cao chất lượng các bài viết để nội dung ngày càng phong phú, hấp dẫn. Tạp chí đã tập trung nâng cao chất lượng ấn phẩm khoa học truyền thống bằng những chủ đề, loạt bài nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực thời sự của ngành Ngân hàng, gắn với kinh nghiệm phong phú trong nước và quốc tế. Với công tác tuyên truyền các nhiệm vụ lớn của ngành Ngân hàng, Tạp chí đã có những đóng góp quan trọng, đã tiên phong trong việc tuyên truyền có hệ thống và hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật trong ngành Ngân hàng từ khi chuẩn bị, xây dựng cho tới khi ban hành cũng như quá trình bổ sung, sửa đổi; phản ánh và phân tích sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như hoạt động ngân hàng, những đóng góp trong ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tạp chí Ngân hàng đã bám sát các vấn đề trọng tâm thời sự của nền kinh tế, thường xuyên tuyên truyền sâu, rộng tiến trình đổi mới của nền kinh tế, đặc biệt là công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm và quyết liệt triển khai. Để tạo ra những kênh thông tin sâu, các bài viết có tính lý luận và thực tiễn cao, Tạp chí Ngân hàng đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên gồm hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý về kinh tế tài chính - ngân hàng trong và ngoài Ngành; Tạp chí trở thành nơi tập trung trí tuệ của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, nơi công bố các công trình nghiên cứu kinh tế tài chính - ngân hàng có giá trị.
Bên cạnh đó, với vai trò là một diễn đàn khoa học, Tạp chí Ngân hàng đã thường xuyên đăng tải các bài viết là những ý kiến đóng góp từ thực tiễn giúp các ngành, các cấp bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp. Tạp chí thực sự trở thành cầu nối giữa lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực về kinh tế tài chính - ngân hàng. Với những nỗ lực đổi mới trong cải tiến nội dung Tạp chí hướng tới mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách… Tạp chí đã góp phần nhất định vào việc định hướng các chính sách của Ngành, góp phần nâng cao uy tín và vị thế ngành Ngân hàng trong xã hội.
Những đổi mới về mặt nội dung ấn phẩm song hành với những đổi mới về hình thức. Các ấn phẩm Tạp chí Ngân hàng giấy từ chỗ chỉ in hai màu đen, trắng, bằng giấy thường, nay được in bốn màu, giấy tốt hơn, các trang ruột được trình bày hấp dẫn hơn; bìa Tạp chí từ chỗ in đơn giản, nay bám sát nhiệm vụ chính trị với hình thức và màu sắc ngày càng hiện đại hơn; số trang in tăng từ 36 trang lên 56 - 60 trang, nay là 68 trang; trở thành tác phẩm báo chí sinh động. Các ấn phẩm Tạp chí được trình bày để ngày càng đẹp, có bản sắc riêng mà vẫn giữ được nét nghiêm túc của một tạp chí chuyên ngành.
Thực hiện Quyết định số 893/QĐ-NHNN ngày 07/5/2018 của Thống đốc NHNN về việc chuyển nhiệm vụ phát hành Tạp chí Tin học Ngân hàng từ Cục Công nghệ thông tin sang Tạp chí Ngân hàng, từ tháng 7/2018, Tạp chí Ngân hàng đã thực hiện xuất bản và phát hành số chuyên đề Tin học Ngân hàng. Từ năm 2020, chuyên đề Tin học Ngân hàng được đổi tên thành chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số, với 8 kỳ xuất bản/năm. Ngoài việc xuất bản các số Tạp chí Ngân hàng định kỳ, chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số, Tạp chí Ngân hàng còn xuất bản các số chuyên đề đặc biệt, tiêu biểu như: “Hệ thống Ngân hàng Việt Nam với việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, “Quan hệ thương mại Mỹ - Trung và tác động đến kinh tế - tiền tệ của Việt Nam” (năm 2018); “Nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”, “Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp” (năm 2019); “Tác động của đại dịch Covid-19 và giải pháp ứng phó của ngành Ngân hàng Việt Nam” (năm 2020); “Tự hào Ngân hàng Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” (năm 2021); “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Cơ hội và thách thức” (năm 2022).
Tạp chí Ngân hàng bản giấy hiện nay được phát hành đến các đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh, thành phố, các đơn vị trong hệ thống ngân hàng và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng Internet đã trở nên phổ biến, ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng hệ thống thông tin điện tử, Tạp chí Ngân hàng đã xây dựng Đề án thiết lập Trang thông tin điện tử Ngân hàng và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động. Trang thông tin điện tử Tạp chí Ngân hàng hoạt động từ tháng 3/2017 đến hết tháng 7/2021 với trên 27 triệu lượt truy cập càng khẳng định thêm sự tin tưởng của cơ quan quản lý báo chí, xã hội và sự phát triển của Tạp chí Ngân hàng.
Thực hiện Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị, Tạp chí Ngân hàng đã xây dựng Đề án thực hiện hai loại hình báo chí Tạp chí in và Tạp chí điện tử Ngân hàng và đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động số 484/GP-BTTTT ngày 28/7/2021. Như vậy, Tạp chí điện tử Ngân hàng chính thức hoạt động từ tháng 8/2021. Việc triển khai và cho ra mắt Tạp chí điện tử Ngân hàng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của độc giả về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động ngân hàng, về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; đồng thời, tận dụng được các ưu điểm vượt trội của loại hình Tạp chí điện tử, qua đó, đăng tải kịp thời hơn các sự kiện thời sự của Đảng, Nhà nước, của Ngành, truyền thông rộng rãi với các phương thức sinh động hơn, làm tăng khả năng tương tác với bạn đọc, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các sản phẩm báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn của đơn vị. Qua việc triển khai hai loại hình báo chí in và điện tử, Tạp chí Ngân hàng đã chủ động hơn trong việc sản xuất, đăng tải các sản phẩm báo chí và các bài viết khoa học, qua đó phát huy hiệu quả vai trò định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời nhất, tạo ra hiệu ứng truyền thông tốt về ngành Ngân hàng, góp phần làm tốt công tác tham mưu, hoạch định chính sách cho NHNN.
Tháng 5 vừa qua, Tạp chí Ngân hàng được Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN) đối với ba ấn phẩm của Tạp chí Ngân hàng, gồm: Tạp chí Ngân hàng (bản giấy) với mã ISSN mới: 2815 - 6048; và cấp mới cho hai ấn phẩm: Tạp chí Ngân hàng (bản điện tử): tên miền
http://tapchinganhang.gov.vn với mã ISSN 2815 - 6056 ; Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số với mã ISSN 2815 - 6064. Có thể nói, đây là một bước phát triển mới của Tạp chí Ngân hàng nhằm từng bước tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Tạp chí đối với bạn đọc trong nước và quốc tế đối với từng ấn phẩm của Tạp chí, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, ra quyết định của các cấp quản lý, từng bước hội nhập với các tạp chí ở khu vực và thế giới.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tạp chí Ngân hàng đã luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng và của đất nước. Những thành công đáng được ghi nhận của Tạp chí Ngân hàng trong 70 năm qua là kết quả logic của sự nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của công tác tuyên truyền lý luận và nghiệp vụ, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ sát sao, hiệu quả của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Lãnh đạo NHNN, Hội Nhà báo Việt Nam, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp; sự quan tâm, cộng tác, ủng hộ nhiệt thành của các cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài nước, cũng như sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên, viên chức và người lao động Tạp chí Ngân hàng. Ghi nhận những thành tích và đóng góp tích cực của Tạp chí Ngân hàng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Tạp chí Ngân hàng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1987); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1992); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010); nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Thống đốc NHNN, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Ngân hàng các thế hệ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh, trước những yêu cầu của công tác tuyên truyền báo chí trong điều kiện mới của đất nước, đặc biệt, đối với ngành Ngân hàng, yêu cầu đặt ra cho các đơn vị báo chí trong Ngành còn nặng nề hơn do thông tin tiền tệ, ngân hàng, tài chính có phạm vi ảnh hưởng lớn, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Lãnh đạo NHNN, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích xuất bản, tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao hơn nữa tính khoa học, tiên phong trong truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Ngành; bám sát thực tiễn để thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ nhân tố mới, đề cập và chỉ ra phương hướng, giải pháp, những vấn đề thiết thực mà xã hội và Ngành quan tâm; tham gia xây dựng, định hướng, làm chủ dư luận xã hội; động viên, cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, để hoàn thành định hướng và trọng trách nêu trên, Tạp chí Ngân hàng sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng về mọi mặt, từ nội dung đến hình thức; từ khâu quản lý, chỉ đạo đến việc viết, đặt, phản biện khoa học và biên tập bài; từ khâu in đến khâu phát hành và xuất bản bài điện tử; từ việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên đến công tác bạn đọc. Cụ thể: (i) Tạp chí Ngân hàng cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập, phóng viên để đội ngũ này không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, có năng lực và nhãn quan chính trị nhạy bén, mà còn phải tinh thông về nghiệp vụ tài chính - ngân hàng trong cuộc Cách mạng mạng công nghiệp lần thứ tư và trước những biến động không ngừng của tình hình kinh tế thế giới; đồng thời, biết ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và công nghệ phục vụ công việc chuyên môn; (ii) Tăng cường hơn nữa số lượng và chất lượng bài viết khoa học trên Tạp chí Ngân hàng bản giấy và Tạp chí điện tử Ngân hàng; mở rộng và duy trì quan hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các ban, ngành ở Trung ương và địa phương, có chính sách phát triển cộng tác viên là các nhà khoa học có uy tín thuộc lĩnh vực ngân hàng - tài chính trong và ngoài nước để viết bài và tham gia phản biện khoa học bài viết; phấn đấu nâng điểm khoa học cho Tạp chí Ngân hàng, qua đó tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Tạp chí Ngân hàng đối với bạn đọc trong nước và quốc tế, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, ra quyết định của các cấp quản lý, từng bước hội nhập với các tạp chí ở khu vực và thế giới; (iii) Triển khai hoạt động truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là cơ chế, chính sách mới về lĩnh vực ngân hàng - tài chính nhằm tạo sự đồng thuận của công chúng và dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần chủ động, tăng cường tổ chức hội thảo và tọa đàm khoa học nhằm thảo luận về những vấn đề thời sự, còn nhiều ý kiến tranh luận để trao đổi, tổng kết và đề xuất định hướng, giải pháp; (iv) Trong bối cảnh sự phát triển của kỹ thuật số hóa, báo chí truyền thông phải tìm cách để thích ứng với môi trường truyền thông mới, do đó, việc xây dựng các tòa soạn hội tụ đã và đang trở thành xu thế phát triển của ngành báo chí - truyền thông hiện đại. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường nguồn thu cho Tạp chí Ngân hàng để nâng mức độ tự chủ về tài chính theo lộ trình chung của Chính phủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí cần nghiên cứu, từng bước xây dựng nền tảng công nghệ để chuyển đổi cơ cấu, mô hình tổ chức Tòa soạn theo hướng đa phương tiện, qua đó tăng cường mối quan hệ đa chiều và tính tương tác giữa các bộ phận trong Tòa soạn nhằm phát huy tính linh hoạt, sáng tạo, cộng tác của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên; (v) Quan tâm, có chính sách khuyến khích và tôn vinh những cộng tác viên thường xuyên hợp tác, đóng góp tích cực, hiệu quả với Tạp chí Ngân hàng.
Thay mặt các cộng tác viên tích cực của Tạp chí Ngân hàng, PGS., TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viên Ngân hàng chia sẻ, cách đây gần 30 năm, khi còn là sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh đã được tiếp cận với những bài nghiên cứu trên Tạp chí Ngân hàng - đây được coi là những nguồn tư liệu rất quý giúp PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh có được các kiến thức chuyên ngành rất tuyệt vời. Hiện tại, với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, PGS., TS. Phạm Thị Hoàng Anh thường xuyên cộng tác, gửi bài đăng Tạp chí Ngân hàng; đồng hành, gắn bó mật thiết với Tạp chí với cả hai vai trò là cộng tác viên và thành viên của Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng.
PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh mong muốn trong thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng tiếp tục phát triển, nâng tầm các bài công bố trên Tạp chí, nâng hạng/điểm tạp chí trong danh mục Hội đồng Giáo sư Nhà nước; tiếp tục phát huy là một diễn đàn uy tín, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành Ngân hàng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm, PGS.,TS. Phạm Ngọc Phong, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng cho rằng, trải qua 70 năm hoạt động, Tạp chí Ngân hàng ngày nay đã trở thành một Tạp chí có bề dày lịch sử và có chỗ đứng xứng đáng trong làng Tạp chí về kinh tế, tài chính và ngân hàng nước ta; đã có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, trưởng thành và đổi mới hoạt động ngân hàng trong suốt 70 năm. Điều đó đã được ghi nhận và khẳng định qua những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Ngành trao tặng. PGS.,TS. Phạm Ngọc Phong mong muốn trong thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao hàm lượng khoa học và trí tuệ các bài viết, cải tiến hình thức trinh bày và mở rộng công tác phát hành…, tiếp tục phục vụ tốt công cuộc đổi mới hoạt động ngân hàng ở nước ta. Đồng thời, với sự quan tâm của Ban Lãnh đạo NHNN, của cơ quan quản lý báo chí, nhất là phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Ngân hàng để trong tương lai gần Tạp chí Ngân hàng có thể vươn ra tầm khu vực và thế giới, góp phần đáp ứng nhu cầu hội nhập, toàn cầu hóa về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng đang là một xu thế và đòi hỏi cấp bách hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc vì bề dày lịch sử phát triển và cống hiến của Tạp chí Ngân hàng. Nhìn lại dấu ấn phát triển của ngành Ngân hàng với sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ một cấp sang hai cấp và hiện nay là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Tạp chí Ngân hàng đã song hành cùng với ngành Ngân hàng, có những đóng góp rất tích cực, thiết thực đối với ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương rất trân trọng, biết ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và của các cộng tác viên. Mặc dù đã nghỉ công tác nhưng TS. Nguyễn Thị Thanh Hương luôn dõi theo từng bước phát triển của Tạp chí Ngân hàng, vẫn hồi hộp, lo lắng và băn khoăn cho điều kiện phát triển của Tạp chí Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời kỳ mà kinh tế trong nước cũng như thế giới có rất nhiều biến động, thách thức đòi hỏi nội dung của Tạp chí Ngân hàng cần nhạy bén hơn, cần có những cơ sở lý luận sâu sắc hơn để tiếp tục song hành và đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cũng bày tỏ những trăn trở về vấn đề tự chủ tài chính của Tạp chí Ngân hàng. Với điều kiện hiện nay của một tạp chí khoa học thì khó có thể thương mại hóa hoàn toàn, chưa thể tự độc lập để tồn tại và phát triển. Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương rất mong muốn Tạp chí Ngân hàng tiếp tục có được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN. Đối với các ngân hàng thương mại, các đơn vị trực thuộc NHNN cần có sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Tạp chí; các ngân hàng thương mại Nhà nước, các đồng chí thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng cần quan tâm, có giải pháp thiết thực hơn nữa để ủng hộ cho Tạp chí Ngân hàng có điều kiện cơ bản để phát triển.
Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Tạp chí Ngân hàng xuất bản số đầu tiên, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Tạp chí Ngân hàng đã đi một chặng đường dài 70 năm với hành trang là lòng nhiệt huyết, sự nỗ lực không ngừng; luôn bám sát tôn chỉ mục đích, vừa đổi mới nội dung, hình thức nhằm bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại; từng bước xây dựng tòa soạn theo hướng đa phương tiện, phát triển mạnh mẽ Tạp chí điện tử; mở rộng nhiều hoạt động báo chí như tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao giải báo chí chất lượng cao góp phần nâng cao chất lượng Tạp chí Ngân hàng…
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp với những hậu quả nặng nề về cả kinh tế và con người, song, Tạp chí Ngân hàng đã giữ vững các hoạt động, ngày một phát triển hơn, góp phần vào hiệu quả truyền thông của ngành Ngân hàng nói riêng và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cơ quan báo chí.
Có thể khẳng định, chặng đường đã qua của Tạp chí Ngân hàng là một chuỗi thời gian dài, gắn liền với nhiều sự kiện lớn, nhiều biến động trong tiến trình phát triển chung của báo chí cả nước, Tạp chí Ngân hàng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là diễn đàn khoa học trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng, đóng góp vào diễn đàn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, Tạp chí Ngân hàng cần tập trung vào việc đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí cả về nội dung và hình thức, đón bắt xu hướng mới, phản ánh sinh động sự phát triển lý luận, nghiệp vụ ngân hàng, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của toàn Ngành qua từng thời điểm; đăng tải những bài viết nghiên cứu, đưa ra những giải pháp thiết thực, mang tính ứng dụng cao để bạn đọc có thể tham khảo và bình luận trên diễn đàn tạp chí một cách sôi nổi, hữu ích. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính chuyên nghiệp các mặt hoạt động của Tạp chí Ngân hàng, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động vững vàng về phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi công nghệ làm báo hiện đại, có đạo đức, bản lĩnh của người làm báo, nhạy bén và sáng tạo trong công tác.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi mong muốn Tạp chí Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thành quả đã đạt được để khẳng định uy tín, vị trí vững chắc của của một tờ diễn đàn, tạp chí hàng đầu của ngành Ngân hàng và có chỗ đứng riêng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, chặng đường 70 năm của Tạp chí Ngân hàng và 71 năm của ngành Ngân hàng gắn chặt với quá trình ra đời, đổi mới, phát triển của ngành Ngân hàng, tiền thân là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước qua các thời kỳ, các giai đoạn. Ngành Ngân hàng đã đi qua rất nhiều thăng trầm, có nhiều lúc thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn; ngành Ngân hàng đã đạt nhiều thành tích to lớn, những phần thưởng cao quý rất vinh dự và vẻ vang của Đảng và Nhà nước nhưng cũng không ít mất mát, hy sinh, kể cả trong hai cuộc kháng chiến hay khi đất nước hòa bình.Trong đó, Tạp chí Ngân hàng luôn là hơi thở của hoạt động ngân hàng, là cửa ngõ để giới thiệu về hoạt động ngân hàng với người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Tạp chí Ngân hàng; sự đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, biên tập viên, phóng viên, người lao động Tạp chí Ngân hàng trong suốt 70 năm qua và khẳng định kết quả của Tạp chí Ngân hàng đã là một phần đóng góp cho thành công chung của cả ngành Ngân hàng trong thời kỳ bao cấp cũng như giai đoạn kinh tế thị trường đổi mới hiện nay.
Giai đoạn hiện nay, hoạt động của Tạp chí Ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, Tạp chí cần tổ chức hoạt động phù hợp để đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Cụ thể, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị Tạp chí Ngân hàng thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, Tạp chí Ngân hàng phải khẳng định là một cơ quan ngôn luận, cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như đường lối, chính sách, cơ chế hoạt động của ngành Ngân hàng, đó là vai trò, là sứ mệnh và cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Tạp chí Ngân hàng đã thực hiện rất tốt trong 70 năm qua.
Tạp chí cần phải vươn lên khẳng định là một cơ quan riêng có, một cơ quan ngôn luận để tuyên truyền, đưa tin, truyền thông về cơ chế, chính sách tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được chính sách của nhà nước, trong đó có chính sách của ngành Ngân hàng.
Thứ hai, trong thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng cần phải vươn lên làm tốt hơn nữa vai trò nghiên cứu khoa học, đóng góp, xây dựng, tham mưu cho các đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách của Ngành; phải thực sự là trung tâm, là cơ quan phản biện chính sách, diễn đàn trao đổi, nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, Tạp chí Ngân hàng phải là cơ quan đầu mối tập hợp, kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, những đơn vị triển khai thực thi chính sách với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận, những nhà quản lý, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo trong và ngoài Ngành để lấy ý kiến của các chuyên gia tập hợp vào tạp chí để tạp chí thực sự có nội hàm chất lượng khoa học phục vụ người đọc.
Thứ tư, Tạp chí Ngân hàng cần có một bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có chất lượng, có trình độ chuyên môn, có cách làm nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn; đồng thời, xây dựng đội ngũ cộng tác viên có trình độ, uy tín để nâng cao chất lượng, hàm lượng khoa học các bài viết.
Thời gian qua, Tạp chí Ngân hàng đã tổ chức xuất bản nhiều ấn phẩm có nội dung tốt, hình thức đẹp, tuy nhiên, cần phải tiếp tục đổi mới, xây dựng một đội ngũ cán bộ năng động, nhanh nhẹn, hợp lý trong việc quyết định phát hành ấn phẩm về điện tử cũng như ấn phẩm giấy, có những nghệ thuật trong công tác phát hành và đặc biệt, cần gây dựng được thương hiệu của Tạp chí Ngân hàng.
Thứ năm, Tạp chí Ngân hàng cần tiếp tục đổi mới, năng động, đẩy mạnh sang cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ toàn phần. Đây cũng là xu hướng, là chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Để thực hiện được năm nội dung trên, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của Ban Lãnh đạo cùng các viên chức, phóng viên, biên tập viên, người lao động Tạp chí Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các vụ, cục, đơn vị của NHNN phải xác định Tạp chí Ngân hàng là một bộ phận cấu thành không thể khác trong bộ máy tổ chức của NHNN, do đó, tất cả các vụ, cục, đơn vị cần phải có trách nhiệm hỗ trợ Tạp chí Ngân hàng trong việc tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, nội dung cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng; tạo điều kiện tối đa, thuận lợi cho Tạp chí Ngân hàng tiếp cận được nhiều thông tin, tạo nhiều diễn đàn trao đổi; cung cấp viết bài cho Tạp chí. Bên cạnh đó, các vụ, cục chức năng, các đơn vị, các trường đại học thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại cần phải có trách nhiệm phối hợp với Tạp chí, cung cấp thông tin, truyền thông, quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho Tạp chí Ngân hàng để tạo thành mối quan hệ, sức mạnh chung cho toàn Ngành. Đặc biệt, các vụ, cục chức năng cần tạo điều kiện cho Tạp chí Ngân hàng trong vấn đề chuyển sang tự chủ tài chính.
Kết thúc chương trình kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng trân trọng cảm ơn những đánh giá và chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của các bác nguyên là lãnh đạo Tạp chí Ngân hàng và các cộng tác viên đã dành cho Tạp chí Ngân hàng. Trong thời gian qua, Tạp chí Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác hội của Hội Nhà báo Việt Nam, của Liên Chi hội Nhà báo Ngân hàng. Những tình cảm đó sẽ là động lực để tập thể cán bộ, viên chức Tạp chí Ngân hàng phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian tới.
Cán bộ, viên chức Tạp chí Ngân hàng hôm nay luôn biết ơn và tri ân đến các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Tạp chí qua các thời kỳ và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, dõi theo sự phát triển của Tạp chí Ngân hàng của các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tạp chí Ngân hàng để những thế hệ sau của Tạp chí tự tin, vững bước trên con đường mới, ở một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.
Với động lực là sự tin tưởng của Ban Lãnh đạo NHNN, của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành cũng như các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, viên chức Tạp chí Ngân hàng qua các thời kỳ, tập thể cán bộ, viên chức Tạp chí Ngân hàng sẽ phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao trong trong giai đoạn mới.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm xuất bản số đầu tiên, Tạp chí Ngân hàng đã vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bằng khen của Thống đốc NHNN, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Đồng thời, Tạp chí Ngân hàng đã tri ân các cộng tác viên tích cực, gắn bó thân thiết với Tạp chí Ngân hàng, có những công trình, những bài viết nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, góp phần nâng cao chất lượng Tạp chí Ngân hàng trong thời gian qua.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao Bằng khen của Thống đốc NHNN cho Tạp chí Ngân hàng
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo cho Chi hội Nhà báo Tạp chí Ngân hàng
Tạp chí Ngân hàng vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương
Tạp chí Ngân hàng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng tri ân các cộng tác viên tích cực
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng các đại biểu và lãnh đạo Tạp chí Ngân hàng qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm
Thu Phương, Ảnh: Hữu Mạnh