Dự án được thiết kế và triển khai trên cơ sở và gắn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của NHNN bao gồm:(i) Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 khuyến khích các tổ chức tín dụng tái cơ cấu khoản vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và (ii) Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của NHNN trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng “tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.
Cơ quan chủ quản của Dự án là NHNN, cơ quan thực hiện Dự án là 05 ngân hàng thương mại tham gia Dự án bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2020 đến năm 2022.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Lễ ký Hiệp định viện trợ
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động nặng nề tới nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là WSMEs đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về khả năng tiếp cận tài chính (kể cả nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng) để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành và triển khai một loạt các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Khuyến khích các tổ chức tín dụng tái cơ cấu khoản vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để có thể triển khai thành công các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này, sự hỗ trợ về nguồn lực của cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế ở các thị trường xuất khẩu và sự sụt giảm của ngành du lịch đã tác động tới tốc độ phát triển của nền kinh tế. Để phục hồi và duy trì các doanh nghiệp thì việc hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính là quan trọng và cần thiết cho các doanh nghiệp quy mô vừa (SME), đặc biệt là các WSMEs bị ảnh hưởng bất lợi bởi COVID-19.
Do vậy, với tư cách là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam, ADB đã phát triển dự án tài trợ 5 triệu USD để hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 cho WSMEs. Dự án này khuyến khích các ngân hàng tham gia tại Việt Nam cơ cấu lại các khoản vay hiện có hoặc mở rộng các khoản vay mới cho WSMEs.
Ông Andrew Jeffries hy vọng dự án tài trợ sẽ được thực hiện thành công, giúp WSMEs nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận tài chính để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh , đóng góp vào sự phục hồi kinh tế nhanh hơn, tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Ngô Thu Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội cho rằng, Dự án viện trợ không hoàn lại này của ADB có ý nghĩa rất quan trọng, có thể tháo gỡ được khó khăn vốn và tư vấn kinh doanh cho các nữ doanh nhân thông qua các hoạt động hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, Dự án được triển khai trong giai đoạn này sẽ trở thành nguồn động lực rất lớn cho các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ trong hoàn cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Thay mặt các ngân hàng thực hiện dự án, bà Ngô Thu Hà cam kết ngân hàng sẽ chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện triển khai dự án hiệu quả; cam kết tuân thủ các quy định có liên quan trong quá trình thực hiện dự án góp phần cùng cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành công.
CKH