Ngày 30/7/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức buổi lễ ký kết Hiệp định Viện trợ cho Dự án “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam”, trị giá khoảng 6,2 triệu USD do Quỹ Tài trợ khẩn cấp ứng phó với đại dịch (PEF) viện trợ không hoàn lại ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã cùng Bà Stephanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ký kết Hiệp định.
Được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã cùng Bà Stephanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ký kết Hiệp định Viện trợ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian vừa qua, cùng với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực và hành động quyết liệt và kịp thời nhằm ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch ngay từ những ngày đầu. Đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch khi chưa có trường hợp tử vong, đa số các ca bệnh đã phục hồi.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi lễ
Tuy nhiên, với tình hình diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt trong những ngày qua khi dịch bệnh đang có dấu hiệu quay trở lại tại Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định khoản hỗ trợ này của WB và Quỹ PEF là vô cùng ý nghĩa và cần thiết, qua đó giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát, phát hiện, đáp ứng và dự phòng các nguy cơ gây ra bởi COVID-19 trong tình hình mới. Khoản việc trợ cũng thể hiện những nỗ lực và ưu tiên của WB và các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam trong điều kiện như một nước IDA nhằm ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của hỗ trợ từ Quỹ PEF và WB, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ nhằm nhanh chóng hoàn tất các thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ trong thời gian ngắn nhất. Phó Thống đốc NHNN chia sẻ chỉ trong khoảng 02 tháng, kể từ khi WB thông báo về khoản HTKT, phía Việt Nam đã hoàn tất mọi thủ tục phê duyệt khoản viện trợ theo quy định để chúng ta có lễ ký ngày hôm nay. Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt hoan nghênh Ngân hàng Thế giới và Quỹ PEF đã có những chính sách ưu đãi dành cho Dự án như quy trình thủ tục rút gọn, thanh toán, giải ngân nhanh, đấu thầu theo cơ chế khẩn cấp…
Bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ
“Tình hình COVID-19 tại Việt Nam đang diễn tiến nhanh chóng.”, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Dự án khẩn cấp này không chỉ giúp Chính phủ nhanh chóng theo dõi và ứng phó với COVID-19, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế vững chắc và có sức chống chọi với các sự kiện y tế khẩn cấp trong tương lai.”
Dự án sẽ tăng cường năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm tại Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương (NIHE) và các hệ thống phòng xét nghiệm khác trên toàn quốc, giúp tăng năng lực đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19. Khoản viện trợ này cũng sẽ dùng cho công tác mua sắm và cung cấp thiết bị nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) phục vụ nghiên cứu và phát triển vắc-xin mới và xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
Dự án sẽ hỗ trợ cho 200 phòng xét nghiệm tham gia giám sát và xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc. Dự án hỗ trợ cho NIHE và POLYVAC, hai đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và y tế công cộng hàng đầu của Việt Nam, trực tiếp góp phần cải thiện năng lực của Việt Nam trong công tác phát hiện và ứng phó với COVID-19. Dự án được tài trợ bởi Quỹ PEF qua khoản bảo hiểm được phân bổ cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ
Thay mặt Ban Lãnh đạo Bộ Y tế - là đại diện cơ quan chủ quản của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế - đơn vị nhận khoản viện trợ khẩn cấp phòng chống đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Ở giai đoạn đầu của dịch, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để triển khai hoạt động đào tạo củng cố năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị và dự phòng cho hệ thống y tế tại Việt Nam.” Và với sự hỗ trợ lần này của Ngân hàng Thế giới nhằm tăng cường phát hiện và ứng phó với đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hy vọng năng lực của Việt Nam sẽ được nâng cao và hoàn toàn chủ động trong đáp ứng với đại dịch.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế cảm ơn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương đã tạo điều kiện giúp đỡ Bộ Y tế đã hoàn thành các thủ tục trong thời gian rất ngắn. Đây là một dự án khẩn cấp, thời gian triển khai ngắn trong vòng 6 tháng do đó chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các Bộ, Ban, Ngành để dự án triển khai thuận lợi, đúng tiến độ và hiệu quả.
Theo sbv.gov.vn