Ngày 29/9/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.
Theo đó, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 8,73%.
Về sử dụng GDP 9 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì tăng trưởng ổn định: Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.
Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá: Do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
Hoạt động của các doanh nghiệp: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng đầu năm 2022 đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với 9 tháng đầu năm 2021. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2022 với 82,6% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2022.
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 52,6% về vận chuyển và tăng 60,4% về luân chuyển. Khách quốc tế đến nước ta 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán: Tăng trưởng tín dụng đạt khá, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 16/9/2022 giảm 17,1% so với cuối năm 2021. Tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 ước tăng 18%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/9/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.166,54 điểm, giảm 8,9% so với cuối tháng trước và giảm 22,14% so với cuối năm 2021. Tính đến ngày 16/9/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.437 nghìn tỷ đồng, giảm 17,1% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 16.394 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 16/9/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.987 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với tháng trước; tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.326 tỷ đồng/phiên, giảm 18,2% so với bình quân năm 2021. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 16/9/2022, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 215.090 hợp đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; tính chung 9 tháng đầu năm 2022 đạt 210.910 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm trước.
Vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng đầu năm của các năm từ 2018 đến nay.
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% và tăng 18,8%; thu từ dầu thô đạt 60,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần và tăng 103,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% và tăng 22,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi thường xuyên 9 tháng đầu năm 2022 đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% và tăng 4,6%; chi đầu tư phát triển đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% và tăng 15,8%; chi trả nợ lãi 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giảm 9,1%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Ngân Hà