Đó là một trong những thông tin mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ(VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp cho báo chí chiều ngày 2/6/2020 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020
Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên tiến hành bình thường trở lại như thông lệ thay vì phải thực hiện quy định giãn cách do dịch COVID-19.
Nhiều tỉnh, thành phố quyết tâm cao phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 để đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh 46 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm COVID-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19, ngay cả bệnh nhân số 91, phi công người Anh, có nhiều tiến triển. Đó là tin vui đối với chúng ta, nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin, đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp của chúng ta, khẳng định thành công nổi bật của Việt Nam trong phòng chống COVID-19.
Trong tháng 5/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 và mới đây là Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội vàng rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.
Chính phủ thống nhất đánh giá, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình KTXH tháng 5/2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Một điều đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Trong tháng 5/2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm (năng suất lúa đông xuân tăng 0,3 tạ/ha). Đáng chú ý, thời gian qua, chăn nuôi lợn của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tái đàn nhưng giá thịt lợn hiện vẫn ở mức cao mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp. Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, kết hợp với nhập khẩu để giữ giá thịt heo ổn định.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước). Đáng chú ý, các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, các trung tâm du lịch lớn đón lượng lớn đông du khách nội địa.
Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ.
Hỗ trợ vốn cho DN hiện nay vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sau khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã chỉ đạo toàn ngành triển khai sớm và nhanh nhất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo
Tuy nhiên, ngành Ngân hàng cũng quán triệt quan điểm, tháo gỡ khó khăn nhưng không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay.
“Về nguyên tắc của tín dụng, hạ chuẩn đồng nghĩa với mất an toàn cho chính bản thân TCTD và mất an toàn cho cả hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, trách nhiệm của các TCTD phải thực hiện việc này”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện cho DN giãn những khoản nợ, khoản lãi đến hạn và đang xem xét những khó khăn của DN hiện nay để điều chỉnh, tạo thuận lợi hơn nữa trong giải ngân vốn, hỗ trợ vốn cho DN.
Hiện nay, với những DN có dự án hiệu quả thì được các TCTD giải ngân rất tích cực. Những DN chưa có nhu cầu vay vốn thì được giãn, hoãn trả các khoản nợ cũ một cách hợp lý để giảm bớt khó khăn cho DN. Chính vì thế, theo Phó Thống đốc, việc hỗ trợ vốn cho DN hiện nay cùng với việc đảm bảo chất lượng tín dụng phải luôn được song hành.
"Việc các TCTD không hạ chuẩn tín dụng cũng không ảnh hưởng tới chuyện hỗ trợ vốn cho DN và người dân hiện nay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hạn cuối ngày 7/7/2020 chủ ví điện tử phải hoàn tất việc kê khai, xác minh danh tính của mình, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quy định này là thực hiện theo Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 năm 2014.
Theo Phó Thống đốc, việc kê khai, xác minh danh tính của chủ ví điện tử là nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ ví điện tử, bởi thời gian vừa qua có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử để lộ thông tin, ảnh hưởng tới an toàn tài khoản của mình.
Phó Thống đốc cho rằng, qua thực tế, để đảm bảo an toàn những ví điện tử kết nối với tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ cần phải kê khai danh tính. Sau khi thực hiện kê khai, các tổ chức trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin khách hàng theo đúng pháp luật.
MA - NN
(Theo sbv.gov.vn)