Hệ thống tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng được mở rộng và phát triển với nhiều tiện ích, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc xuất hiện và gia tăng các rủi ro. Các định chế tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Điều này, đòi hỏi hệ thống tài chính phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý để tránh các nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo sự an toàn lành mạnh cho hệ thống và từng định chế tài chính.
Một trong những giải pháp cho vấn đề này đã được Chính phủ nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng hết sức quan tâm và khẳng định là một nhiệm vụ trong chiến lược phát triển ngân hàng 10 năm tới là: “Tăng cường sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống tài chính”. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong phối hợp, chia sẻ thông tin giám sát hệ thống tài chính để rút ra bài học cho Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.
I- Kinh nghiệm quốc tế về việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính
Hiện nay, trên thế giới tồn tại 04 mô hình giám sát tài chính được phân chia theo đối tượng giám sát/lĩnh vực giám sát, bao gồm: (i) Mô hình giám sát thể chế; (ii) Mô hình giám sát chức năng; (iii) Mô hình giám sát lưỡng đỉnh; (iv) Mô hình giám sát hợp nhất. Dưới đây là một số kinh nghiệm quốc tế liên quan việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính theo từng mô hình giám sát:
1. Mô hình giám sát thể chế
1.1. Đặc điểm
Mô hình giám sát thể chế dựa trên cách tiếp cận truyền thống; theo đó, địa vị pháp lý của tổ chức tài chính sẽ quyết định cơ quan quản lý nào có nhiệm vụ giám sát hoạt động của nó. Theo cách tiếp cận này, hệ thống tài chính có ba lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tương ứng là ba cơ quan giám sát khác nhau. Mô hình này thường phổ biến ở những thị trường tài chính chưa thực sự phát triển, năng lực giám sát, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát chưa đủ mạnh; hệ thống ngân hàng giữ vai trò chủ đạo (bank-based); phạm vi hoạt động của các định chế tài chính chủ yếu mới nằm trong những hoạt động truyền thống; các sản phẩm tài chính cũng chưa phát triển một cách đa dạng. Một số quốc gia đang áp dụng thành công mô hình này có thể kể đến như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Argentina...
1.2. Kinh nghiệm quốc tế
a) Thái Lan
Ba cơ quan tham gia giám sát thị trường tài chính Thái Lan bao gồm: (1) Ngân hàng Trung ương (NHTW) Thái Lan (Bank of Thailand - BOT) phụ trách việc kiểm soát và giám sát lĩnh vực ngân hàng; (2) Ủy ban Chứng khoán và thị trường chứng khoán (Securities and Exchange Commission - SEC) giám sát lĩnh vực chứng khoán; (3) Ủy ban Bảo hiểm (Insurance Commission - OIC) giám sát lĩnh vực bảo hiểm.
BOT phối hợp cùng SEC và OIC theo 2 cấp: (i) Mức độ cao giữa các cấp lãnh đạo thông qua chỉ đạo chéo: Thống đốc BOT là thành viên hội đồng trong SEC và OIC. Tổng Thư ký của SEC và OIC, Tổng Giám đốc của Văn phòng Chính sách tài khóa là thành viên của Ủy ban Chính sách tổ chức tài chính (trực thuộc BOT); (ii) Mức độ trung: Nhóm công tác gặp gỡ một cách thường xuyên tại cuộc họp của 3 nhà điều hành để trao đổi quan điểm, thông tin và kinh nghiệm về khuôn khổ pháp lý và giám sát cũng như diễn biến chính trong hệ thống tài chính của Thái Lan trong nhiều lĩnh vực gồm: sự ổn định tài chính, phát triển lĩnh vực tài chính, chính sách và quy định, giám sát trong thực tiễn, bảo vệ khách hàng tài chính, hội nhập tài chính ASEAN.
b) Malaysia
Ở Malaysia, Bank Negara Malaysia (BNM) là NHTW Malaysia thực hiện chức năng giám sát hệ thống ngân hàng, thiết lập các quy định chuẩn mực cho ngân hàng để đảm bảo sự ổn định và an toàn cho toàn hệ thống tài chính. Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC) là tổ chức luật định được thành lập dưới đạo luật Ủy ban Chứng khoán 1993 (Securities Commission Act 1993) và là cơ quan quản lý đầu tiên cho những hoạt động thị trường vốn ở Malaysia.
BNM xây dựng cơ chế phối hợp dựa trên các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan bên ngoài như:
- Biên bản ghi nhớ với SC được ký vào tháng 10/2012 về các nội dung: (i) Trao đổi thông tin trong điều kiện bình thường và trong giai đoạn căng thẳng; (ii) Phát triển chính sách; (iii) Quản lý các nguy cơ đối với ổn định tài chính và rủi ro hệ thống trên thị trường vốn; (iv) Quy định, giám sát và xử lý các ngân hàng đầu tư; (v) Phối hợp điều tra.
- Biên bản ghi nhớ với Ủy ban hợp tác xã (MCSC) được ký vào tháng 7/2013 về các nội dung: (i) Khuôn khổ cho việc đồng phê duyệt đối với hợp tác xã nhận tiền gửi từ bên ngoài; (ii) Khuôn khổ cộng tác về hoạt động ngân hàng hợp tác xã; (iii) Trao đổi thông tin; (iv) Phát triển chính sách; (v) Quản lý các nguy cơ đối với ổn định tài chính; (vi) Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực.
2. Mô hình giám sát theo chức năng
2.1. Đặc điểm
Mô hình giám sát theo chức năng là mô hình giám sát mà việc giám sát được xác định bởi hoạt động kinh doanh của các thực thể, không quan tâm đến hình thức pháp lý của các thực thể đó. Điểm khác nhau giữa mô hình này với mô hình giám sát thể chế là ở chỗ, mỗi loại hoạt động kinh doanh có thể có một cơ quan giám sát riêng biệt, do đó một tổ chức có thể chịu sự giám sát của nhiều cơ quan khác nhau (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Nếu định chế tài chính cung cấp dịch vụ trên càng nhiều lĩnh vực thì sẽ chịu sự giám sát của càng nhiều cơ quan.
Mô hình giám sát theo chức năng thường phù hợp với những thị trường tài chính phát triển khá thống nhất (như Pháp, Italia); phạm vi hoạt động của các định chế tài chính đa dạng; có sự kết hợp giữa các loại hình dịch vụ tài chính; đặc biệt, năng lực giám sát, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát phải tốt.
2.2. Kinh nghiệm quốc tế
Ở Pháp, NHTW Pháp (BoF), Cơ quan Giám sát bảo hiểm và xã hội tương hỗ (ACAM), Cơ quan thị trường tài chính (AMF) và Cơ quan giám sát thận trọng (Supervisory and Resolution Authority/L’Autorité de contrôle prudentiel et de résolution - ACPR) cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm giám sát, đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính và bảo vệ khách hàng.
Để thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nói trên, Pháp thành lập Cơ quan chuyên trách khu vực tài chính (CACESF) do Thống đốc NHTW Pháp làm chủ tịch và với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan ACAM, AMF. Cơ quan được thiết lập nhằm đảm bảo việc trao đổi thông tin giữa những người lãnh đạo của các cơ quan giám sát liên quan đến việc giám sát hệ thống tài chính nói chung và những lợi ích chung liên quan đến việc hợp tác và trao đổi thông tin giám sát. CACESF họp ít nhất là 3 lần/năm. Cơ quan này cũng có trách nhiệm xử lý khủng hoảng nói chung.
3. Mô hình giám sát lưỡng đỉnh
3.1. Đặc điểm
Mô hình giám sát lưỡng đỉnh dựa trên nguyên tắc giám sát theo mục tiêu và dẫn đến sự phân chia chức năng giám sát đối với hai cơ quan: một cơ quan với chức năng giám sát an toàn (prudent) chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống tài chính; một cơ quan tập trung vào giám sát hoạt động kinh doanh (conduct-of-business) (các hoạt động cụ thể của các tổ chức tài chính trên thị trường) nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng. Đây được coi là mô hình tối ưu trong việc đảm bảo sự minh bạch, toàn vẹn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Mô hình giám sát lưỡng đỉnh tỏ ra hiệu quả tại những quốc gia có điều kiện kinh tế và thị trường tài chính phát triển (như Đức, Úc, Áo).
3.2. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin trong hệ thống giám sát tài chính tại một số quốc gia theo mô hình giám sát lưỡng đỉnh
a) Áo
Áo là quốc gia theo mô hình giám sát lưỡng đỉnh, trong đó 2 cơ quan cùng tham gia giám sát thị trường là: (1) NHTW Áo (OeNB), chịu trách nhiệm giám sát an toàn vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; (2) Cơ quan giám sát thị trường tài chính Áo (Financial Market Authority - FMA), chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, FMA phối hợp cùng NHTW Áo cùng giám sát. Theo đó, FMA là cơ quan đưa ra quyết định chính thức (official decisions) và OeNB là cơ quan đánh giá rủi ro tổng thể (overall risk assement), đưa ra các nhận định (fact finding).
OeNB chịu trách nhiệm thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa (bao gồm cả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô); chịu trách nhiệm vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu báo cáo chung. FMA là đơn vị ra quyết định thanh tra, giao nhiệm vụ thanh tra cho OeNB, tiến hành xử phạt hành chính (nếu có).
Áo duy trì hai hình thức phối hợp là cơ cấu chéo nhân sự (các đầu mối liên lạc được cơ cấu nằm ở FMA và OeNB); đồng thời, hình thành kho dữ liệu chung để phân tích, thu thập dữ liệu làm cơ sở cho việc cảnh báo, ra quyết định của cả hai
cơ quan.
b) Đức
Đức là quốc gia theo mô hình giám sát lưỡng đỉnh; theo đó, hai cơ quan cùng tham gia giám sát là: (1) NHTW Liên bang Đức (Deutsche Bundesbank); (2) Cục Giám sát dịch vụ tài chính Liên bang (Federal Financial Supervisory Authority - BaFin). Theo đó, Bundesbank và BaFin là hai cơ quan độc lập với Chính phủ, nhưng phụ thuộc vào ngân sách và phải báo cáo Bộ Tài chính. Ngoài ra, các ngân hàng, định chế tài chính ở Đức còn chịu sự giám sát của Cơ quan giám sát của NHTW Châu Âu (ECB).
Bundesbank và BaFin cùng phối hợp thanh tra, giám sát ngân hàng (các tổ chức tín dụng) và là một phần của quá trình giám sát liên tục (on-going supervision process). Trong quy trình giám sát, BaFin chịu trách nhiệm về cơ sở dữ liệu thống kê (trên những báo cáo nhận được từ các tổ chức tín dụng); Bundesbank là cơ quan trực tiếp kiểm tra báo cáo nhận được từ các tổ chức tín dụng, nếu có nghi ngờ có dấu hiệu thiếu an toàn, Bundesbank sẽ xem báo cáo kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng đó. Sau đó, BaFin sẽ kiểm tra báo cáo kiểm toán độc lập và tiếp tục kiểm tra báo cáo thống kê nếu phát hiện vấn đề (nguyên tắc 4 mắt - 2 mắt ở Bundesbank, 2 mắt ở BaFin - hiệu quả cao hơn).
Cơ chế phối hợp giữa Bundesbank và BaFin và quy trình thực hiện thanh tra, giám sát quy định tại Sổ tay hướng dẫn về thanh tra, giám sát ngân hàng như sau:
(i) Giám sát liên tục (on-going monitoring) (Điều 2 - Sổ tay hướng dẫn): Bundesbank có trách nhiệm thực hiện giám sát liên tục căn cứ trên thông tin, dữ liệu thu thập được từ các tổ chức tín dụng. Bundesbank có trách nhiệm phân tích, đánh giá tình hình hoạt động, các rủi ro tiềm tàng của tổ chức tín dụng và xây dựng hồ sơ rủi ro (risk profile) của từng tổ chức tín dụng. Các kết quả này được chia sẻ cho BaFin để khai thác.
(ii) Xây dựng Kế hoạch thanh tra: Kế hoạch thanh tra do Bundesbank đề xuất (chậm nhất vào ngày 31/10 hàng năm) trên cơ sở hồ sơ rủi ro của các tổ chức tín dụng và tầm quan trọng của tổ chức tín dụng đối với hệ thống.
(iii) Quyết định cuối cùng về Kế hoạch thanh tra thuộc về BaFin (theo quy định chậm nhất ngày 15/12 hàng năm, BaFin phải hoàn thành việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, trong đó có phân công trách nhiệm thực hiện thanh tra cụ thể giữa BaFin và Bundesbank). Bundesbank chủ yếu thực hiện thanh tra hoạt động (audit of banking operations) nhằm đánh giá mức độ đủ vốn và quy trình quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng.
(iv) Việc giám sát thực hiện các kiến nghị thanh tra do Bundesbank thực hiện: BaFin có trách nhiệm ban hành các yêu cầu chỉnh sửa (rectification) đối với các thiếu sót của tổ chức tín dụng được phát hiện trong các cuộc thanh tra tại chỗ. Việc theo dõi, giám sát thực hiện kiến nghị thanh tra thuộc trách nhiệm của Bundesbank theo quy trình giám sát ngân hàng liên tục (on-going monitoring).
4. Mô hình giám sát hợp nhất
4.1. Đặc điểm
Mô hình giám sát hợp nhất là mô hình chỉ bao gồm một cơ quan giám sát duy nhất chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ các trung gian và thị trường thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Mô hình giám sát hợp nhất được áp dụng hiệu quả tại những quốc gia có điều kiện kinh tế và thị trường tài chính phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh).
4.2. Kinh nghiệm quốc tế
Hàn Quốc đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức có liên quan như NHTW Hàn Quốc (BOK), Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) và các tổ chức khác trong giám sát hệ thống tài chính; việc phối hợp giữa các cơ quan này được thể hiện thông qua các biên bản ghi nhớ (MOU). Ngoài ra, Hàn Quốc thành lập một số ủy ban gồm đại diện các cơ quan quản lý nhằm đẩy mạnh việc hợp tác và chia sẻ thông tin như: Ủy ban kinh tế vĩ mô và tài chính (Macroeconomic and Financial Committee) gồm đại diện lãnh đạo của Ủy ban giám sát tài chính (Financial Supervisory Commission), Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính (Financial Services Supervision), NHTW Hàn Quốc và KDIC thường xuyên thảo luận, trao đổi về các xu hướng và rủi ro trong nền kinh tế, thị trường tài chính, ngoại hối; Hội đồng kinh tế và tài chính (Financial and Economic Committee) gồm người đứng đầu của các cơ quan tài chính nhằm tăng cường phối hợp và đưa ra các quyết định về chính sách vĩ mô; Hội nghị điều kiện tài chính (Financial Condition Check Meeting) được tổ chức hàng tháng giữa Ủy ban giám sát tài chính và Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính để xem xét và thảo luận về các chương trình tài chính.
II- Thực trạng phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan giám sát lĩnh vực ngân hàng và các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam
1. Tổng quan hệ thống giám sát tài chính Việt Nam
Việt Nam hiện đang giám sát hệ thống tài chính theo mô hình thể chế, mỗi cơ quan quản lý phụ trách giám sát một lĩnh vực riêng biệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính là hai cơ quan chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giám sát hoạt động ngân hàng (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - CQTTGSNH); Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát thị trường bảo hiểm (thông qua Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm) và thị trường chứng khoán (thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN).
Ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có vai trò hỗ trợ, báo cáo các vi phạm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cho cơ quan giám sát lĩnh vực ngân hàng.
2. Về công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam
- Giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính đã ký kết Quy chế về phối hợp công tác và trao đổi thông tin ngày 29/02/2012. Quy chế được xây dựng trên nguyên tắc căn cứ vào các quy định của pháp luật và chức năng, quyền hạn của hai đơn vị, với tinh thần chủ động phối hợp công tác, phát huy vai trò, trách nhiệm của các bên đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Tuy nhiên, Quy chế tập trung nhiều hơn vào các vấn đề phối hợp liên quan xây dựng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Các nội dung phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các định chế tài chính mặc dù đã được đề cập nhưng còn khá ít và mới tập trung vào các thông tin của từng tổ chức đơn lẻ, chưa có các thông tin, báo cáo về công tác giám sát vĩ mô cho toàn hệ thống.
- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hiện nay, chỉ có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có điều kiện tiếp cận một cách đầy đủ nhất thông tin của các đối tượng trong hệ thống tài chính; tuy nhiên, vai trò điều phối của cơ quan này trong công tác thanh tra, giám sát thị trường tài chính còn nhiều hạn chế do thẩm quyền, địa vị pháp lý không đủ mạnh (chức năng chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chứ không phải giám sát tài chính một cách đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành cũng như thông lệ quốc tế).
Trong khi đó, hiện nay, giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CQTTGSNH) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chưa có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin được văn bản hóa. Việc trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CQTTGSNH) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là cần thiết để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý thị trường tài chính nói chung cũng như chất lượng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ra quyết định.
- Việc trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quy định cụ thể tại các văn bản pháp lý gồm Luật Bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, Thông tư số 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 quy định việc cung cấp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tuy nhiên, việc cung cấp các thông tin, báo cáo không thuộc hệ thống báo cáo thống kê cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn rất hạn chế. Qua khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả đối với một số thông tin quan trọng như thông tin cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Bảo hiểm tiền gửi cũng không được nhận từ kênh CQTTGSNH. Một số thông tin được nêu tại Thông tư là các thông tin Mật, có độ nhạy cảm cao nên không được CQTTGSNH chia sẻ như kết quả xếp hạng đối với từng tổ chức tín dụng, kế hoạch thanh tra hàng năm, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, khuyến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
Nhìn chung, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hình thức phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại chủ yếu ở việc ký kết các thỏa thuận phối hợp, trao đổi thông tin bằng văn bản. Nội dung phối hợp, trao đổi còn rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động giám sát đối với từng lĩnh vực. Việc phối hợp giám sát thường chậm chạp, mang nặng hình thức. Trên thực tế, các cơ quan giám sát vẫn có xu hướng không muốn cung cấp thông tin cho nhau. Điều này, dẫn đến hệ quả các cơ quan giám sát thiếu thông tin để xác định đầy đủ những rủi ro trọng yếu liên quan đến từng định chế tài chính riêng lẻ hoặc toàn hệ thống, từ đó hạn chế khả năng phản ứng nhanh trước biến động mạnh và bất thường của thị trường tài chính.
III- Gợi ý các giải pháp hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xét bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát hệ thống tài chính, các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam có thể áp dụng các hình thức phối hợp, chia sẻ thông tin như sau:
(1) Xây dựng, hoàn thiện các biên bản ghi nhớ (MOU) về chia sẻ thông tin và phối hợp hành động theo nguyên tắc tự nguyện giữa các cơ quan giám sát với nhau. Nội dung của các MOU được xây dựng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Các MOU này cung cấp các cơ sở cần thiết cho các mối liên hệ nói trên để có thể xây dựng các quy định và hình thành trách nhiệm của các bên.
(2) Tổ chức các diễn đàn để trao đổi quan điểm, thông tin và kinh nghiệm; phối hợp xử lý các vụ việc cụ thể giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính. Các diễn đàn có thể được tổ chức định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của thực tiễn giữa các cơ quan. Hình thức phối hợp này cũng nên được đưa vào các biên bản ghi nhớ nêu trên đây, trong đó quy định rõ thành phần chủ trì, thành phần tham dự và nội dung cần trao đổi.
Trong giai đoạn gần đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã phối hợp tham gia một số diễn đàn, trong đó có diễn đàn thường niên về thị trường vốn, tài chính nằm trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế Việt Nam. Việc phối hợp, xử lý các vụ việc cụ thể cũng được triển khai tùy tình hình thực tế phát sinh.
(3) Xây dựng kho dữ liệu chung giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính nhằm giảm bớt thời gian và quy trình tiếp cận thông tin giữa các đơn vị trong hệ thống giám sát tài chính, nâng cao hiệu quả của công tác giám sát.
Để triển khai được hình thức này, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nhân lực, vật lực (liên quan thu thập, chuẩn hóa dữ liệu; xây dựng hạ tầng về phần cứng, phần mềm; bảo mật, phân cấp, phân quyền khai thác thông tin…) cũng như đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Xét bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc triển khai áp dụng hình thức phối hợp, chia sẻ thông qua xây dựng kho dữ liệu chưa sử dụng ngay được nên vẫn cần các giải pháp truyền thống như ký biên bản ghi nhớ, tổ chức diễn đàn… Tuy nhiên, hình thức này hiệu quả xét về thời gian, tính cập nhật của thông tin và phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Vì vậy, việc quan tâm đến đầu tư xây dựng kho dữ liệu tài chính quốc gia là cần thiết; trong đó, với vai trò và vị trí chi phối của khối ngân hàng trong hệ thống tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ là đơn vị đầu mối để nghiên cứu xây dựng và triển khai kho dữ liệu này.
(4) Thành lập Hội đồng/Ủy ban ổn định tài chính: Nhiệm vụ của ủy ban này là đảm bảo sự trao đổi thông tin và phối hợp hành động giữa lãnh đạo của NHTW, Bộ Tài chính và các cơ quan giám sát.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia do 01 Phó Thủ tướng làm Chủ tịch hội đồng. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia có nhiệm vụ: (i) Thảo luận, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, chính sách, đề án lớn và những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ; (ii) Tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định các chính sách, kế hoạch tài chính, tiền tệ trong từng thời kỳ; các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch đã được quyết định; (iii) Tư vấn một số vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện chính sách, kế hoạch tài chính, tiền tệ khi được Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia của Việt Nam hiện nay có chức năng tư vấn là chủ yếu.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc thành lập Hội đồng/Ủy ban ổn định tài chính thường được áp dụng tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển ở trình độ cao như Hoa Kỳ, Australia… Xét trong bối cảnh Việt Nam, thị trường tài chính mới phát triển ở trình độ chưa cao, việc thành lập Hội đồng/Ủy ban ổn định tài chính với đại diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nhằm quyết định các vấn đề và xử lý khủng hoảng chưa phải là giải pháp phù hợp vào giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia hiện có cũng là một mô hình tốt, làm cơ sở để Việt Nam nghiên cứu, phát triển thành Hội đồng/Ủy ban ổn định tài chính vào thời điểm phù hợp.
(5) Cơ cấu nhân sự chéo, trong đó mỗi cơ quan giám sát sẽ cử đại diện của mình tham gia ban điều hành của các cơ quan giám sát còn lại.
Với đặc thù chính trị, hành chính của Việt Nam hiện nay, việc cử nhân sự chéo giữa các cơ quan giám sát tài chính là không khả thi vì các lý do sau:
- Có thể phát sinh các vấn đề lợi ích cục bộ của các đơn vị. Thông thường, các đơn vị sẽ không muốn có nhân sự của đơn vị khác tiếp cận và khai thác thông tin tại đơn vị mình.
- Các nhân sự được cử tham gia cơ quan giám sát chéo có thể không được tạo điều kiện để được cung cấp thông tin một cách đầy đủ.
- Mỗi cơ quan giám sát tài chính bao gồm rất nhiều đơn vị chức năng khác nhau, trường hợp cử nhân sự chéo thì rất khó xác định được cần cử nhân sự ở cấp nào và vào đơn vị nào để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu tiếp cận thông tin.
Với nội dung phân tích trên, có thể thấy việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính Việt Nam cần cân nhắc hình thức và lộ trình thực hiện phù hợp. Trong đó, việc áp dụng hình thức (5) ở Việt Nam hiện nay là không khả thi, các hình thức còn lại được thực hiện theo lộ trình như sau:
(i) Trước mắt, tập trung hoàn thiện các hình thức (1), (2), (3). Các hình thức này được tích hợp trong các biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và nội dung cần phối hợp, chia sẻ.
(ii) Tổ chức nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tài chính quốc gia và đầu tư nguồn lực triển khai dự án này. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Xây dựng, quản lý và vận hành kho dữ liệu; Ban hành quy định về: chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong việc cung cấp thông tin; phân quyền quản lý, khai thác, sử dụng thông tin; an toàn, bảo mật thông tin...
(iii) Khi hệ thống tài chính phát triển đến một mức độ nhất định, thành lập Ủy ban/Hội đồng ổn định tài chính trên cơ sở phát triển từ Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.
Kết luận
Việc lựa chọn mô hình giám sát hệ thống tài chính của từng nước phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường tài chính, thể chế chính trị và đặc trưng của nền kinh tế nước đó. Một mô hình giám sát tài chính phù hợp sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát hệ thống tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho sự phối hợp chặt chẽ, tương hỗ và phát huy tác dụng của các chính sách kinh tế vĩ mô. Từ đó, đảm bảo sự an toàn, ổn định của một hệ thống tài chính, sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững - là mục tiêu hàng đầu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù áp dụng mô hình nào thì các hệ thống giám sát tài chính cũng phải đảm bảo đạt được ba mục tiêu, đó là: (i) Đảm bảo sự ổn định, vận hành thông suốt của toàn bộ thị trường tài chính và nền kinh tế; (ii) Đảm bảo sự lành mạnh, an toàn của các thể chế tài chính; (iii) Đảm bảo đạo đức kinh doanh thị trường tài chính và bảo vệ người tham gia thị trường.
Để đạt được những mục tiêu trên, việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính cần phải được các quốc gia hết sức chú trọng thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế về các hình thức phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính là những gợi ý hữu hiệu và thiết thực cho Việt Nam trong bối cảnh hệ thống tài chính ngày càng trở nên phức tạp, gắn kết, hoạt động đan xen, ranh giới giữa các loại hình dịch vụ tài chính ngày càng trở nên mờ nhạt như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Website: https://www.sbv.gov.vn).
2. Bộ Tài chính (Website: https://www.mof.gov.vn).
3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Website: https://www.ssc.gov.vn).
4. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Website: https://www.nfsc.gov.vn).
5. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Website: https://www.div.gov.vn).
6. Trần Kim Chung, Hệ thống giám sát thị trường tài chính: Từ lý luận đến thực tiễn, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 2013.
ThS, Nguyễn Thị Hòa
ThS. Trần Ngọc Toản
Nguồn: TCNH số 7/2019