Ngày 30/10/2017, tại Hà Nội, Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo về quản lý thanh khoản cho doanh nghiệp. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo có bà Natasha Ansell – Chủ tịch BWG; đại diện các bộ, ngành liên quan của Chính phủ Việt Nam; đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, Nhóm Công tác Ngân hàng, các TCTD trong nước và nước ngoài tại Việt Nam…
Hội thảo tập trung vào dịch vụ kết chuyển dòng tiền/hợp vốn hữu hình. Hội thảo là cơ hội để BWG thảo luận chuyên sâu về cách thức hoạt động, đưa ra những so sánh giữa các quốc gia ở Châu Á – Chia sẻ về kinh nghiệm, phương thức quản lý và điều hành của Chính phủ các nước, những rủi ro và phương thức quản trị, những điểm khái quát về pháp lý, đồng thời phân tích về những thay đổi cần thiết để các sản phẩm này có thể được cung cấp ở Việt Nam trong tương lai.
Hội thảo khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ thông tin, hướng tới lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Với thực tế rằng, các dịch vụ kết chuyển dòng tiền/hợp vốn hữu hình hiện chưa được cung cấp tại Việt Nam, một số ngân hàng thành viên của BWG mời các chuyên gia từ khu vực Châu Á tới tham dự và phát biểu tại hội thảo nhằm đem lại một cái nhìn tổng quát hơn.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong quá trình đánh giá kết quả hoạt động ngân hàng thời gian qua, Ban Lãnh đạo NHNN luôn đánh giá cao vai trò và hoạt động của BWG, đặc biệt, nhiều khuyến nghị chính sách của BWG đã được các đơn vị chức năng của NHNN xem xét, ghi nhận và xử lý.
“Thời gian gần đây, quản lý thanh khoản cho các công ty đa quốc gia là vấn đề mà BWG rất quan tâm, cũng có một số đề xuất với NHNN đối với hoạt động này, thực tiễn thường xuyên ở các nước nhưng đối với Việt Nam cũng chưa xảy ra và chưa có. Do vậy, việc chia sẻ những kinh nghiệm của các quốc gia để các đơn vị chức năng có những thông tin nắm bắt được là thực sự cần thiết”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ mong muốn BWG thu thập thêm thông tin và chia sẻ những kinh nghiệm chi tiết về quản lý dòng vốn của các công ty đa quốc gia đang thực hiện ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực, nhất là các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Câu chuyện về điều kiện pháp lý, văn bản pháp lý của các nước quy định như thế nào, điều kiện để thực hiện, những lưu ý trong công tác quản lý để hoạt động này thực hiện được, đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Đại diện Ngân hàng HSBC trình bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện đến từ Ngân hàng HSBC đã giới thiệu về các phương thức hợp vốn hữu hình và định danh đang được cung cấp bởi các ngân hàng cho các doanh nghiệp trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác trên toàn cầu. Trong phần trình bày của mình, đại diện Ngân hàng HSBC đã cung cấp các chi tiết về phương thức hợp vốn và cách thức để các doanh nghiệp sử dụng công cụ này nhằm lưu chuyển và tối ưu hóa trạng thái dòng tiền thuần giữa các công ty, các tài khoản và các khu vực. Sự khác biệt giữa hai phương thức cũng được đề cập.
Đại diện của Công ty Luật Allen Overy thì cung cấp những phân tích chuyên sâu về ngành Ngân hàng trong mối tương quan với môi trường luật pháp hiện tại của Việt Nam liên quan đến phương thức hợp vốn hữu hình, so sánh pháp luật Việt Nam hiện hành và pháp luật một số quốc gia có nền kinh tế tương đồng và kinh nghiệm tại một số quốc gia khi xây dựng pháp luật về vấn đề này. Quan trọng hơn, trong phần trình bày của mình, đại diện Công ty Luật Allen Overy đã chỉ ra những quy định hiện hành ở Việt Nam cần được cân nhắc, xem xét sửa đổi hoặc quy định theo hướng cụ thể hơn để các ngân hàng có thể cung cấp các giải pháp hợp vốn hữu hình tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho các cơ quan quản lý trong việc cân nhắc cho phép cung cấp giải pháp hợp vốn hữu hình tại Việt Nam trong tương lai.
Các đại diện của Citibank và BNP trình bày về các lợi ích (cho khách hàng, ngân hàng và nền kinh tế nói chung), các rủi ro của các giải pháp hợp vốn hữu hình và cách thức để các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo về mặt pháp lý – kiểm soát nội bộ, đảm bảo lợi ích cho khách hàng và cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, các đại diện đến từ Ngân hàng Standard Chartered và ANZ giới thiệu về kinh nghiệm của một số quốc gia tại khu vực Châu Á trong việc quản lý, điều hành việc cung cấp sản phẩm hợp vốn tại thị trường của họ.
Theo sbv.gov.vn