Ngày 21/11/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo phổ biến cuốn sách “Ngân hàng với tăng trưởng xanh”. TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của PGS.,TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG tại Việt Nam; đại diện các vụ, cục thuộc NHNN; đại diện các ngân hàng thương mại; các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học…
TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là lựa chọn chính sách trọng tâm của nhiều quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, thể hiện qua những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó, ngành Ngân hàng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Với những chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt của NHNN, nhận thức của các tổ chức tín dụng Việt Nam về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều tổ chức tín dụng đã xác định chiến lược phát triển bền vững không chỉ là tăng trưởng tài chính hiệu quả, an toàn, mà còn thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lí, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Giới thiệu tổng quan về cuốn sách, thành viên nhóm biên soạn cuốn sách - TS. Đỗ Thị Bích Hồng cho biết: Với mục đích cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về những hoạt động của hệ thống ngân hàng đóng góp cho mục tiêu về tăng trưởng xanh – qua thực tiễn kinh nghiệm từ các nước cũng như tại Việt Nam, Viện Chiến lược ngân hàng đã phối hợp với đối tác nghiên cứu biên soạn và phát hành cuốn sách chuyên khảo với chủ đề: Ngân hàng với tăng trưởng xanh.
Cuốn sách gồm có 05 chương, trong đó, Chương 1 được trình bày một cách toàn diện về những khuôn khổ lý thuyết; Chương 2 gồm những kinh nghiệm quốc tế về ngân hàng xanh; Chương 3 giới thiệu về Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực thi các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược. Việc hướng tới một ngân hàng trung ương xanh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, cũng đòi hỏi sự đánh đổi nhất định, vì vậy, cần có những cân nhắc và lựa chọn một cách thận trọng là các quan điểm được trình bày tại Chương 4. Cuối cùng, Chương 5 với tiêu đề: Tổ chức tín dụng với tăng trưởng xanh. Lần đầu tiên các thông tin dữ liệu về thực tiễn triển khai ngân hàng xanh tại các ngân hàng Việt Nam được tổng hợp và phân tích chi tiết. Thông qua đó, độc giả có được một bức tranh toàn cảnh và tương đối rõ nét về thực tiễn cũng như xu hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đại diện cho Công ty KPMG tại Việt Nam, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng Giám đốc KPMG cho biết, trong những năm qua KPMG đã đồng hành cùng nhiều ngân hàng triển khai tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG); các nội dung cụ thể về ESG trong các ngân hàng thương mại đã được mô tả một cách đầy đủ và chi tiết tại Chương 5 của cuốn sách.
Việc thực thi ESG là yêu cầu tất yếu và không thể đi ngược trong quá trình tái cơ cấu các định chế tài chính nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững, do vậy, các tổ chức cần phải đề ra lộ trình rõ ràng để thực hiện và nâng cấp hằng năm.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.,TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cuốn sách cho thấy rõ nét chính sách tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của Chính phủ và NHNN là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ dẫn dắt sự phát triển về hoạt động của ngân hàng xanh. Trong cuốn sách có khuyến cáo việc đưa thêm một số dữ liệu, đây là một ý tưởng rất hay bởi không có dữ liệu thì không đánh giá, phân tích chi tiết việc ngân hàng cho vay hay giải ngân vào lĩnh vực nào và lĩnh vực nào là lĩnh vực tiềm năng.
Bên cạnh đó, PGS.,TS. Đào Văn Hùng mong muốn, Viện Chiến lược ngân hàng với tư cách là cơ quan nghiên cứu cần đề xuất với NHNN để có được nhiều nghiên cứu và công bố mạnh mẽ hơn về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh.
PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Ban Xúc tiến đầu tư - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hiện nay, đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của lãnh đạo ngân hàng trong việc cung cấp những sản phẩm tín dụng xanh, bởi vì ngân hàng phải đánh đổi để có những dự án đầu tư xanh do thời gian đầu tư dài hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, rủi ro đối mặt nhiều hơn như rủi ro về chính sách, công nghệ, chuyển đổi khách hàng… Do đó, chính sách về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh cần mang tính bắt buộc hơn là khuyến khích để có hiệu quả cao.
PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Ban Xúc tiến đầu tư - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú, để có thêm bằng chứng thuyết phục hơn cho Đề án phát triển ngân hàng xanh của NHNN thì cần tiến hành khảo sát đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam, bao gồm cả ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước, xem xét ngân hàng Việt Nam đang ở cấp độ nào trong 5 cấp độ của Đề án ngân hàng xanh. PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú hi vọng trong những cuốn sách, ấn phẩm tiếp theo, Viện Chiến lược ngân hàng có thể chỉ ra mối liên hệ giữa kết quả hoạt động của ngân hàng với việc thực hành theo Đề án ngân hàng xanh để các ngân hàng thấy được những lợi ích mang tính thiết thực mà không phải mang tính trang trí, hình thức.
PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú hoàn toàn đồng ý với khuyến nghị cũng như những gợi ý trong Chương 5 của cuốn sách dành cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện ESG. Đồng thời, PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú cho rằng, việc xuất bản cuốn sách này rất có ý nghĩa, Viện Chiến lược ngân hàng cần nghiên cứu phát hành rộng rãi tới độc giả, nhất là sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh và đặc biệt là các lãnh đạo ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú nhấn mạnh: Đa số các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng cuốn sách có giá trị tham khảo cao, xuất bản vào thời điểm phù hợp và nên phổ biến rộng rãi tới bạn đọc.
Tuy nhiên, cũng có các ý kiến đưa ra như công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa NHNN với các bộ, ngành cần phải đồng bộ và chặt chẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh; các chính sách đưa ra cần mạnh mẽ hơn, vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính bắt buộc; cần xây dựng kho dữ liệu cho tăng trưởng xanh, tín dụng xanh; NHNN nên tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của ngân hàng xanh, tăng trưởng xanh, từ đó đưa ra định hướng trong công tác quản lý nhà nước về vấn đề này…
Về phía các tổ chức tín dụng: Đa số các ý kiến đồng tình rằng, yếu tố quan trọng nhất cần phải thay đổi đó là nhận thức của cán bộ cấp cao của các tổ chức tín dụng để chuyển đổi kế hoạch thành hành động. Các tổ chức tín dụng cũng nên đưa ra định hướng rõ ràng trong các ngành mà tổ chức tín dụng đầu tư, bám sát xu hướng để đóng góp cho tín dụng xanh, tăng trưởng xanh.
TS. Phạm Minh Tú cũng cho biết, trong quá trình biên soạn cuốn sách, nhóm tác giả đã cố gắng thu thập thông tin, dữ liệu…; tuy nhiên, nội dung cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Nhóm tác giả sẽ tiếp tục nỗ lực để cung cấp nhiều nội dung hữu ích hơn nữa trong những lần tái bản tiếp theo.
Mai Lâm